Thứ hai, 25/11/2024 21:52     |   Tiêu dùng     |   Nhịp sống miền Tây     |   Phụ nữ Sức khoẻ
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ tư, 21/06/2023 06:30

Nhà báo Minh Nhật: “Với tôi đặc ân lớn nhất của nghề báo là sự trải nghiệm”

Nhà báo trẻ Nguyễn Ngô Minh Nhật - Bí thư Đoàn thanh niên Báo Điện tử Dân Trí cho biết, mỗi một chuyến đi, mỗi lần tác nghiệp đều mang lại cho anh những cảm xúc và trải nghiệm bất ngờ, thú vị mà hiếm nghề nghiệp nào có được.

Empty

Nhà báo Nguyễn Ngô Minh Nhật - Bí thư Đoàn thanh niên Báo Điện tử Dân Trí (Ảnh: NVCC)

Được biết anh tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp, một lĩnh vực dường như không có chút dính líu với công việc viết lách. Vậy cơ duyên nào đưa anh đến với nghề làm báo?

Tôi làm báo như một cái duyên vậy. Từ năm 3 Đại học, tôi có cơ hội làm cộng tác viên cho Báo Dân Trí. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ là mình rảnh nên làm công việc này để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống và chưa bao giờ nghĩ sau này sẽ theo nghề báo.

Tuy nhiên, sau một thời gian làm cộng tác viên thấy công việc có sự tương thích với mình nên bén duyên từ đó. Khi tốt nghiệp ra trường và trải qua một thời gian thử thách tôi được chính thức ký hợp đồng với Báo Dân Trí và theo nghề đến bây giờ.

Với một người học trái ngành nghề như vậy, khi được làm phóng viên anh đã gặp những khó khăn gì?

Khi làm cộng tác viên, mình biết cách viết một bài báo, biết cấu trúc viết bài và thấy chất lượng bài viết của mình cũng ổn so với trên trang thì lúc ấy tôi cứ nghĩ đó là tất cả công việc của một nhà báo cần làm và cảm giác làm báo có phần thong thả và “lãng mạn” khi được ngồi quán cafe sáng tác bài,…

Tuy nhiên, khi ra trường đi làm, tôi như từ dòng sông nhỏ bơi ra biển lớn: choáng ngợp và rất sốc. Cảm giác như có cú tát vào mặt vì thực tế không giống những gì mình tưởng tượng.

Bởi lẽ lúc làm cộng tác viên, tôi được làm việc trong điều kiện hoàn hảo, không bị dí Deadline, được làm những đề tài mình thích, làm những thế mạnh của mình,… nhưng khi đi làm thực tế, tôi bắt buộc phải sáng tác ra những “đứa con tinh thần” trong điều kiện luôn luôn có yếu tố bất lợi.

Empty

Nhà báo Minh Nhật tác nghiệp tại khoa hồi sức tích cực của bệnh viện (Ảnh: NVCC)

Lúc tôi rời cánh cổng Đại học để bước vào “trường đời” rơi vào đúng đợt Covid-19. Từ một cây viết “chân ướt chân ráo” bước vào nghề đã được đẩy ra ngoài “chiến trường” kinh hoàng của thời điểm đó khiến tôi khó khăn chồng khó khăn.

Tôi vẫn còn nhớ hồi ấy, khi làm tin bệnh nhân mắc Covid-19 được ra viện ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, vì cứ nghĩ mọi người cũng sẽ thong thả đưa tin nên tôi đã “bình chân như vại” ra quán cafe thảnh thơi để ngồi viết bài nhưng vừa đến quán nước thì thấy các báo đã lên tin bài một loạt. Lúc đó tôi mới biết các báo chạy đua với nhau từng phút một, cuộc đua tốc độ này thật sự rất khốc liệt.

Empty

Nhà báo Minh Nhật tác nghiệp trong những ngày cả nước “gồng mình” chống dịch Covid-19 (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh đó, với đòi hỏi chuyên môn về sự nhanh nhạy, kịp thời trong thông tin, người làm báo lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng tác nghiệp. Họ không chỉ phải lăn lộn với thực tế để thu thập thông tin mà còn phải hoàn thành tác phẩm đúng kỳ, đúng “hẹn”. Áp lực về thời gian là áp lực phổ biến nhất mà tôi hay bất kỳ phóng viên nào cũng phải đối mặt. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, giữa các tờ báo có sự cạnh tranh rất lớn về tính chính xác, độ nhanh nhạy của thông tin.

Do đó, người làm báo phải luôn trong tư thế sẵn sàng đối mặt với những gian nan, khó khăn trong hành trình tác nghiệp, bởi nghề báo không cho phép tồn tại những khái niệm “hình như” hay “nghe nói” mà mỗi thông tin đưa ra đều phải có cơ sở, căn cứ, xuất phát từ quá trình khảo sát thực tế và trên cơ sở tiếp cận đa chiều.

Thời điểm đó, là một phóng viên trẻ mới bước chân vào nghề, kỹ năng khai thác thông tin của tôi còn kém, tôi không có đầu mối thông tin và cũng không hề có mối quan hệ. Việc phỏng vấn gặp nhiều khó khăn vì không phải lúc nào các nhân vật hay chuyên gia cũng đồng ý trả lời.

Empty
Empty

Mỗi cuộc phỏng vấn đều mang tới cho Nhà báo Minh Nhật những trải nghiệm đặc biệt (Ảnh: NVCC)

Theo anh, việc học và ra trường làm trái ngành có bị lép vế hơn so với những người học đúng chuyên môn?

Nghề báo là một nghề đa di năng. Lúc đầu tôi cứ nghĩ mình làm trái ngành thì sẽ bị thiệt thòi hay lép vế hơn so với mọi người. Tuy nhiên, tôi nhận ra ngay trong chính tòa soạn mình đang làm việc, có rất nhiều người học trái ngành nhưng vẫn làm rất tốt vì quan trọng là chúng ta biết ứng dụng ưu điểm của ngành gốc mình học. Thậm chí, ngay cả các bạn học chuyên ngành báo cũng phải học hỏi tiến bộ từng ngày vì báo chí hiện đại thay đổi liên tục.

Bên cạnh kỹ năng phỏng vấn, khai thác thông tin để viết bài, nhà báo ngày nay phải biết chụp ảnh, quay phim, thiết kế, dẫn hiện trường, làm MC, xây dựng kịch bản,… nên không có lý do gì mình đổ lỗi cho việc học trái ngành để có cái cớ không thể làm tốt bằng người ta được.

Người ta vẫn thường nói, nghề báo gian nan, vất vả, thậm chí phải đối diện với không ít hiểm nguy, vậy đã có lúc nào anh cảm thấy chán nghề này chưa?

Càng những lúc khó khăn tôi lại càng thấy yêu thích nghề báo vì ít nhất mình cảm thấy mình có giá trị cho cộng đồng.

Lúc đầu tôi cứ nghĩ làm báo sẽ được ngồi quán cafe mát lạnh, thảnh thơi sáng tác, viết bài nhưng khi đi tác nghiệp thực tế mới thấy làm báo là có thể ngồi từ gầm cầu, lề đường, bãi đất trống, một lán ven đường… bất cứ nơi đâu đặt được mông xuống đều có thể trở thành bàn làm việc.

Những chuyến đi, những lần gặp khó khăn khi tác nghiệp càng giúp tôi trưởng thành hơn. Nghề báo cho tôi cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về cuộc sống, về con người.

Không ít người bảo tôi rằng: “Còn nhiều nghề khác có thể làm, sao lại chọn cái nghề vất vả này?”. Và nhiều khi chính tôi cũng không hiểu vì sao mình lại yêu nó đến như vậy? Tôi thích những cuộc hành trình mà bất cứ phóng viên nào ở tờ báo này cũng phải trải qua... Chạy theo những cuộc hành trình, đi và viết!

Empty

Nghề báo mang tới cho Nhà báo Minh Nhật những trải nghiệm mà hiếm công việc nào có được (Ảnh: NVCC)

Là một người không xuất phát từ trường báo và trước đó cũng chưa từng có ý định làm báo, anh cảm nhận nghề nghiệp "mới mẻ" này đã đem lại cho anh điều gì lớn nhất trong những năm làm báo?

Với tôi đặc ân lớn nhất của nghề báo chính là sự trải nghiệm. Tôi có những trải nghiệm đắt giá mà hiếm nghề nghiệp nào có được trải nghiệm phong phú như nghề này.

Tôi có cơ hội được trò chuyện với rất nhiều người và mỗi người lại dạy cho tôi về bài học cuộc sống. Từ các giáo sư đầu ngành cho đến những người lao động vất vả hay những bệnh nhân chạy thận đang chờ trực cái chết, mỗi người đều đem tới cho mình bài học.

Tôi còn nhớ như in lần tác nghiệp ở xóm chạy thận. Những con người “sống mòn”, tận cùng của cực khổ khi cuộc sống của họ chỉ xoay quanh việc sống để kiếm tiền và sống tiếp.

Thế nhưng điều bất ngờ nhất là với bất cứ cư dân nào của xóm cùng khổ này mà tôi tiếp xúc, thứ toát lên đầu tiên ở họ là sự lạc quan, yêu cuộc sống mãnh liệt. “Mỗi sáng mở mắt ra, biết mình còn sống thêm được một ngày, thế là vui rồi”, câu nói của một bệnh nhân chạy thận khiến tôi ấn tượng mãi.

Họ dạy cho tôi sự lạc quan và nghị lực sống.

Còn các bác sĩ dạy cho tôi sự cố gắng, kiên trì và nỗ lực trong công việc. Với những người giỏi thì tôi lại được lắng nghe nhiều kiến thức vĩ mô từ họ,…

Tôi có cơ hội được chứng kiến trọn vẹn khoảnh khắc của một đời người, từ một ca mổ đẻ thấy một sinh linh bé bỏng chào đời đến căn phòng lạnh lẽo thấy một người ra đi mãi mãi.

Tôi dần học được cách chia sẻ, cảm thông và biết dừng lại trước nỗi đau của nhân vật chứ không chỉ đơn thuần là “săn” tin nhanh, tin nóng. Cũng chính nghề báo cho tôi có cái nhìn đa diện, đa chiều không chỉ trong bài viết, mà còn trong cuộc sống hàng ngày.

Bên cạnh đó, nghề báo cho tôi hiểu hơn về giá trị của cuộc sống. Mỗi một chuyến đi, mỗi lần tác nghiệp, thực hiện những đề tài tâm đắc đều mang lại cho tôi những cảm xúc, những điều bất ngờ thú vị.

Ở vị trí Bí thư Đoàn thanh niên Báo Dân trí, tôi có cơ hội trải nghiệm đầy ý nghĩa khi được đi đến nhiều điểm khó khăn, vùng sâu vùng xa trong các hoạt động thiện nguyện của Báo.

Không vui sao được khi nhìn thấy những nụ cười, những ánh mắt hạnh phúc của những cảnh đời bất hạnh đã được giúp đỡ, mà mình đã đóng góp một phần sức lực trong đó.

Nếu không làm công tác Đoàn, không có những chuyến đi thiện nguyện nhân ái thì tôi sẽ không bao giờ có những trải nghiệm như vậy.

Empty

Nhà báo Minh Nhật cùng các hoạt động thiện nguyện của Báo Dân Trí (Ảnh: NVCC)

Với những bạn trẻ đang có ý định theo nghề báo, anh có lời khuyên gì cho họ?

Không có công việc nào là dễ dàng. Chúng ta có thể sẽ trải qua những ngày tháng tốt đẹp hay khó khăn. Nhưng điều quan trọng nhất là chúng ta đã học hỏi được gì từ những năm tháng đó.

Cũng như bao nghề, nhưng có lẽ nghề báo, một nghề mà chỉ nói tới thôi, người ta đã có thể nhận ra đó là một nghề không phải là hoa hồng và càng không phải được thảm đỏ, mà đó là cả một sự phấn đấu bằng trí tuệ, sức lực, thậm chí có cả máu và nước mắt của những người làm báo.

Đặc biệt, nghề “cầm bút” không chỉ sống một cuộc đời của mình, mà còn có thể sống, cất tiếng thay cho những cuộc đời khác.

Vì vậy, nếu chúng ta xác định theo nghề thì đòi hỏi chúng ta phải “dấn thân”, không ngừng học hỏi để viết, để sáng tác. Có như vậy, mới có thể cho ra đời được những tác phẩm báo chí tâm huyết, phục vụ độc giả.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Thúy Ngà  
Nhà sáng lập TH School: Hãy xây dựng trường học trở thành “điểm chạm hạnh phúc”
Phó Cục trưởng Cục Báo chí: 'Sự chuyên nghiệp trong công tác tổ chức góp phần tạo nên uy tín của Press Cup'
Đau vướng, khó chịu khi ăn uống, đi khám phát hiện điều không ngờ ở lưỡi
Cô gái trẻ nhập viện sau chầu nhậu liên hoan
Cuộc sống thấp thỏm của 40 gia đình công nhân trong nhà tập thể dột nát
Tăng 650.000 ghế, hàng không Việt Nam vẫn lo thiếu chỗ dịp Tết
Đêm trong rừng Cúc Phương
Nhà khoa học VinFuture: “AI thông minh hơn là an toàn hơn”
Chung tay 'tô cam' cùng TH hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới
Đẩy mạnh việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Diễn giả quốc tế: VinFuture thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ toàn cầu
50 năm hành trình rực rỡ của trường Tiểu học Dịch Vọng A - Hà Nội
2 cô giáo Sóc Trăng nhận giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” năm 2024
Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: “Mô hình hành động tập thể” tạo thay đổi tích cực và bền vững cho cộng đồng
Băng rừng 'gieo chữ' nơi bản làng Hà Giang
Cô giáo mầm non bám trường gieo chữ nơi miền núi Quảng Ninh
Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị
Tâm sự thầy giáo trường Y: Thích 'mổ xẻ' để tìm cái đẹp cho đời
“Tiếng oan” sau vô lăng thầy dạy lái xe
Cô giáo 17 năm vào chùa mở lớp học cho trẻ em nghèo, khuyết tật
Xem thêm