Người mắc Covid-19 có được tắm gội không?
Nhiều người cho rằng khi mắc Covid-19 cần kiêng tắm gội để tránh bệnh trở nặng. Tuy nhiên, chuyên gia đã phủ nhận điều này và đưa ra nhiều khuyến cáo.
Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 trên cả nước tăng nhanh “chóng mặt”. Theo số liệu của Bộ Y tế, ngày 15/2 có 31.814 ca mắc Covid-19 tại 62 tỉnh, thành; ngày 16/2 số ca mắc đã tăng lên 34.737 ca tại 63 tỉnh, thành (tăng 2.936 ca so với ngày trước đó).
Tuy nhiên, 80% số bệnh nhân mắc Covid-19 chỉ có triệu chứng nhẹ, hoặc không triệu chứng. Vì vậy, để giảm áp lực cho các cơ sở điều trị, tại nhiều địa phương đã triển khai cho F0 điều trị theo dõi sức khỏe tại nhà.
Tính đến nay, Hà Nội có hơn 90.000 F0 đang điều trị tại nhà, Nghệ An số F0 hiện đang điều trị gần 18.000 người, Hải Phòng có 95% F0 điều trị tại nhà trong số 42.000 F0 đang điều trị trên toàn thành phố,...
Nhiều ý kiến cho rằng, người nhiễm virus SAS-CoV-2 cần kiêng tắm gội để tránh bệnh trở nặng và lây lan vi khuẩn sang người khác. Vậy thực hư thông tin này thế nào?
Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Nội Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết, việc người mắc Covid-19 tắm gội không liên quan đến việc bệnh có trở nặng hay không.
Bác sĩ Khanh cho rằng, thời gian bản lề của Covid-19 trở nặng là từ 5 - 8 ngày sau khi có triệu chứng đầu tiên. Có những người thì đi qua dễ dàng nhưng có những người từ triệu chứng bình thường đột nhiên bệnh diễn tiến nặng do có cơn bão Cytokine chứ không phải là do tắm hay gội đầu làm kích thích bệnh nặng lên.
Về việc tắm khi mắc Covid-9, bác sĩ Khanh khuyến cáo, người bệnh vẫn cần tắm sạch sẽ. Nếu không bảo đảm vệ sinh cá nhân thì F0 có thể bị thêm vấn đề sức khỏe khác như các bệnh nhiễm trùng do ăn uống không sạch sẽ, không vệ sinh cá nhân thường xuyên.
Do đó, F0 cách ly tại nhà càng nên chú ý tắm rửa cẩn thận, súc họng sạch sẽ, lau dọn nhà tắm, không gian sống... để hạn chế nguy cơ cho người cùng nhà, nếu trong nhà vẫn có người không phải là F0.
Nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 có triệu chứng sốt, nhiệt độ cơ thể sẽ cao hơn bình thường. Khi đó, bệnh nhân tắm nước mát với nhiệt độ bình thường sẽ thấy lạnh hơn. Bác sĩ Khanh khuyên nếu tắm nước lạnh gây khó chịu, F0 có thể tắm nước nóng.
Thực tế, người mắc Covid-19 không cần phải quá cân nhắc việc nên tắm nước nóng hay lạnh. Hãy làm gì khiến cơ thể thấy thoải mái. Tuy nhiên, khi tắm nước lạnh thấy rùng mình, bệnh nhân nên chuyển sang nước nóng. Việc gội đầu cũng tương tự nên gội đầu nước ấm, gội đầu nhanh, sấy khô tóc.
Trong thời gian cách ly nếu quá nóng hay quá lạnh F0 vẫn có thể sử dụng điều hòa. Nhiệt độ điều hòa nên mở là 26 - 27 độ trở lên để cho bản thân mình dễ chịu nhất.
Bên cạnh đó, Trưởng khoa Nhiễm - Nội Thần Kinh cho rằng, bệnh nhân Covid-19 cũng không phải kiêng cữ gì về mặt ăn uống.
“Điều người ta lo ở bệnh nhân Covid-19 là tình trạng biếng ăn, do mệt mỏi hoặc mất vị giác chứ không phải chuyện nên hay không nên ăn thứ gì. Nếu thèm ăn thứ này, thứ kia, cứ ăn, để cơ thể có năng lượng, dù là khi còn bệnh hay đang phục hồi. Bệnh nhân chỉ cần lưu ý các món "chống chỉ định" với bệnh nền của mình là được", bác sĩ Khanh chia sẻ.
Trong trường hợp kiêng cữ đủ thứ, không dám ăn nhiều, bệnh nhân coi chừng thiếu chất. Như vậy, sức đề kháng sẽ giảm, có nguy cơ bệnh nặng hơn hoặc lâu khỏi bệnh. Thiếu chất có khi ảnh hưởng đến cả mức SpO2 (nồng độ ôxy trong máu).
Bác sĩ Khanh khuyến cáo, người đang béo phì cũng vậy. Béo phì đúng là yếu tố nguy cơ mắc Covid-19 nặng. Điều cần làm là tự theo dõi sức khỏe chặt chẽ chứ không phải cố... ăn kiêng khi đang bệnh. Người béo phì vẫn có thể gặp nguy hiểm vì thiếu chất như đã nêu trên. Không nên nghĩ người béo phì tức là thừa năng lượng. Vẫn phải ăn uống đầy đủ khi đang bệnh và trong giai đoạn phục hồi.
Tính đến 18h ngày 16/2, tổng số liều vaccine đã được tiêm ở nước ta là 186.892.927 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.238.754 liều, tiêm mũi 2 là 74.805.128 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 32.849.045 liều.
-->> F0 điều trị tại nhà xông tinh dầu thế nào cho đúng, những ai không nên xông?