Người giàu không dùng ốp điện thoại
Có một cách để thể hiện sự giàu ngầm mà ai cũng có thể áp dụng ngay bây giờ là không dùng ốp điện thoại.
Gần đây, mạng xã hội không ngừng nói về “sự xa xỉ thầm lặng” và “giàu ngầm”, mô tả phong cách thời trang đắt tiền nhưng tối giản, trang phục không gắn nhãn mác của nhãn hiệu xa xỉ nổi tiếng mà tập trung hơn vào chất lượng và tính ứng dụng.
Thế nhưng, điều này không chỉ dừng lại ở thời trang. Có một cách để thể hiện sự giàu ngầm mà ai cũng có thể áp dụng ngay bây giờ là không dùng ốp điện thoại.
Bằng chứng cho thấy những nhân vật giàu có trong loạt phim về giới siêu giàu như The White Lotus, Succession hay Billions đều không bận tâm đến những chiếc ốp lưng. Ngoài đời thực, các tỷ phú Elon Musk, Jeff Bezos và Jay-Z đều không dùng ốp điện thoại.
Tỷ phú Elon Musk không dùng ốp điện thoại
Thông điệp ở đây rất rõ ràng: Không có ốp chẳng sao cả bởi họ đủ khả năng để mua một chiếc điện thoại mới. Tuy nhiên, chi phí cho một chiếc điện thoại thông minh không phải là bài toán dễ dàng. Mẫu iPhone mới nhất - iPhone 14 - có giá khởi điểm là 829 USD (tương đương 19 triệu đồng), và tăng dần lên mức giá 1.200 USD (tương đương 28 triệu đồng) chỉ trong thời gian ngắn.
Theo CNET, giá iPhone đã tăng 15% trong 6 năm qua, mức tăng mạnh nhất kể từ khi Apple ra mắt thiết bị này. Nhu cầu về ốp điện thoại cũng tăng theo. Verified Market Research, một công ty nghiên cứu và tư vấn, dự đoán rằng thị trường toàn cầu cho vỏ điện thoại sẽ tăng lên đáng kể.
Đối với Rocio Martinez, 31 tuổi, một giám đốc tài năng ở Boston, một chiếc ốp lưng và một miếng bảo vệ màn hình là thứ không thể thiếu vì cô đã nhiều lần làm hỏng thiết bị.
Cô nói: "Bạn sẽ không coi trọng một chiếc điện thoại cho đến khi bạn phải mua máy mới với giá 1.000 USD (tương đương 23 triệu đồng). Đôi khi tôi cũng không muốn sử dụng ốp lưng, nhưng bản thân tôi sẽ cảm thấy bất an với điều đó".
Tuy nhiên, một số người cho rằng rủi ro về việc máy hỏng xứng đáng với phần thưởng về tính thẩm mỹ. Thomaï Serdari, giám đốc chương trình MBA về Thời trang và Thương hiệu của Đại học New York, nói rằng việc không sử dụng ốp lưng điện thoại có thể là một cách truyền đạt thông điệp về cả đẳng cấp và giá trị. Ở mức độ bề ngoài, cô ấy tin rằng việc mang theo một chiếc điện thoại thông minh mà không có ốp lưng thể hiện sự đánh giá cao về thiết kế và tính thẩm mỹ.
“Bản thân nó đã đẹp rồi, vậy tại sao bạn lại phải gắn ốp lưng vào?” Serdari nói.
Nhiều người giàu có lựa chọn không dùng ốp điện thoại.
Melissa Cepeda, một nhân viên kế toán 31 tuổi ở Los Angeles, đã làm vỡ điện thoại nhiều lần nhưng vẫn không sử dụng ốp. Cô tin rằng những chiếc ốp lưng dày cộp không phù hợp với thẩm mỹ của bản thân. Bên cạnh đó, cô cho biết thêm rằng những chiếc túi xách và ví được thiết kế với kích thước ngày càng nhỏ, khiến cô khó có thể đựng vừa điện thoại của mình nếu dùng ốp.
Trong khi nhiều thương hiệu thấu hiểu tâm lý người tiêu dùng, thiết kế chiếc ốp lưng có chức năng như một chiếc ví, tiêu biểu như Prada. Thực tế, giới siêu giàu không hẳn có thói quen mang theo nhiều tiền mặt. Một người có tài xế riêng đưa đón sẽ chẳng cần một chiếc khe nhỏ trên ốp điện thoại để cất các loại thẻ hay tiền, tương tự như vậy, một người sống trong tòa nhà sang trọng với người gác cửa không cần phải mang theo một chùm chìa khoá, vậy nên họ cũng chẳng lo lắng về việc có vật gì đó làm xước điện thoại của mình khi để trong cùng một túi.
Serdari nói: “Nếu bạn ở mức độ giàu có đó, bạn không cần phải mang theo bất cứ thứ gì ngoài chiếc điện thoại và ý nghĩa của nó, chẳng hạn như thanh toán điện tử”.
Ngoài ra, Serdari cũng cảnh báo rằng chúng ta không nên đánh đồng những người không sử dụng ốp điện thoại là cẩu thả và ỷ lại vào bản thân có nhiều tiền. Ngược lại, có thể nói họ là những người rất cẩn thận về tài sản của mình, vì đối với những người có đủ khả năng chi trả cho bất kỳ món đồ vật chất nào mà họ muốn, những thứ vô hình như thời gian hoặc sự tiện lợi có giá trị cao hơn nhiều so với một chiếc điện thoại mới.
“Đó hoàn toàn là sự thoải mái. Những đồ vật tối thiểu góp phần tạo nên một cuộc sống thoải mái” – Serdari nói.
-> Vì sao có người mua nhà giàu lên, người lại nghèo kiết xác?