Thứ tư, 16/04/2025 16:51     |   Tiêu dùng     |   Nhịp sống miền Tây     |   Phụ nữ Sức khoẻ
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ hai, 02/11/2015 09:25

Người đàn ông 30 năm sống với cõi âm trong nhà xác bệnh viện

30 năm, ngày nào cũng thế, cứ nghe tiếng chuông từ phòng xác vọng ra, ông Tô Phương và tổ khâm liệm, tắm rửa tại nhà tang lễ bệnh viện Nguyễn Tri Phương lại lặng lẽ làm những công việc cuối cùng cho những con người tận số.

Cứ có tiếng chuông là họ lại lật đật lấy băng ca ra nhận xác. Có những cái xác vẫn còn hồng hào nguyên vẹn nhưng nhiều cái xác vì tai nạn giao thông hoặc tự tử mà biến dạng hoàn toàn. Chẳng còn sự sợ hãi hoặc run sợ nào ngự trị, thay vào đó là tình người, ông Phương và mọi người vẫn lặng lẽ tắm rửa, mặc quần áo cho những xác chết, để họ được thanh thản và vui vẻ ra đi.

Sự sống và cái chết!

Tôi đến nhà tang lễ bệnh viện Nguyễn Tri Phương vào một buổi trưa, trời mưa tầm tã, tiếng kèn, trống tang thương từ những đám ma trong khu vực nhà quàn vọng ra não nề. Theo chân ông Tô Phương (SN 1968) vào khu vực nhà xác bệnh viện, phóng viên đã không khỏi kinh hãi khi cánh cửa nhà xác mở ra. Căn phòng rộng khoảng 20 m2 ảm đạm, lạnh tanh, nặng nề âm khí.

Những chiếc cáng dùng để khiêng người chết vào tắm được dựng gọn gàng nhưng cũng khiến người nhìn cảm thấy rùng mình. Giữa nhà xác, bàn thờ của một thanh niên vừa được lập, khói nhang nghi ngút. Cầm xâu chìa khóa trên tay, ông Tô Phương nhanh nhẹn mở cửa các phòng để giới thiệu với chúng tôi.

Đầu tiên là phòng để tắm xác, mở cửa bước vào, ông Tô Phương đặt tay lên chiếc bệ xi măng tráng men trắng lạnh toát và bảo tôi rằng xác người chết thường được đặt lên đây để tắm, xoa rượu và mặc quần áo. Vẫn trong không gian lành lạnh ấy, ông lại dắt tôi đến xem phòng giải phẫu tử thi. Rồi như chợt nhớ ra điều gì đó, ông chạy đi bỏ lại tôi đứng ngẩn ngơ.

nguoi-dan-ong-30-nam-song-voi-coi-am-trong-nha-xac-bẹnh-viẹn--giadinhonline.vn 1

Ông Tô Phương bên kho lạnh bảo quản xác (Ảnh: D.A)

Chốc sau, ông lại mang đến vài chiếc chìa khóa, tiếp tục dẫn tôi đến khu vực phòng lạnh lưu xác, ông tra chìa vào ổ khóa rồi giới thiệu: “Bàn thờ và di ảnh ngoài kia là của chàng thanh niên này đây, mùa Wordcup anh ta vì mê cá độ bóng đá mà phải trắng tay, buồn đời nên treo cổ tự vẫn, xác vẫn được quàn trong phòng lạnh để chờ gia đình xem ngày tốt thì tổ chức tang lễ”.

Với dự định sẽ mở ra cho tôi xem nhưng thấy mặt tôi tái mét, ông Tô Phương cũng hiểu được vấn đề nên lập tức dừng lại. Bước vội vã ra ngoài, mùi tanh của tử khí vẫn ám ảnh mãi trong tôi.

Mời khách bằng một tách trà nóng, ông Phương tiếp tục câu chuyện đời mình: “Tôi đến với nghề này âu cũng là một cái duyên, những năm 1985, khi tôi vừa tròn 17 tuổi vì nhà nghèo lại đông anh em nên phải bươn chải đủ thứ nghề để kiếm miếng cơm. Rồi cũng nhờ người quen giới thiệu mà tôi được vào bệnh viện Nguyễn Tri Phương để làm hộ lý, chuyên lo việc dọn dẹp vệ sinh. Vài năm sau, duyên số đưa đẩy lại khiến tôi về công tác tại nhà tang lễ bệnh viện Nguyễn Tri Phương và dường như những cái xác đã níu chân tôi ở lại mãi nơi này”.

Là người gốc Hoa kiều, sinh ra và lớn lên ở một con phố sầm uất của quận 5, trong suy nghĩ của ông Phương từ thuở nhỏ chỉ đơn giản rằng, mai này lớn lên, rồi ông cũng sẽ như những đứa trẻ nơi đây, sẽ đi bán dạo một thứ gì đó rồi sau này có được số tiền lớn mà đem ra mở cửa hàng buôn bán, kinh doanh. Ấy vậy mà công việc tắm rửa xác chết đã trở thành định mệnh quấn lấy cuộc đời ông mãi không thể dứt ra được. “Tôi luôn xem đây là một công việc bình thường và chẳng có gì khác người nhưng giai đoạn tôi làm quen và cưới được người vợ quả thật rất gian nan.

Năm 27 tuổi, tôi bắt đầu yêu một người con gái, mỗi khi chuẩn bị nắm tay cô ấy, tôi lại nghĩ đến cảm giác nếu cô ấy biết được đôi bàn tay này từng sờ nắn, tắm rửa cho biết bao xác chết thì có lẽ cô ấy sẽ sợ hãi mà bỏ chạy. Nghĩ đến đó, tôi lại giấu nhẹm đi nghề của mình, mỗi khi được hỏi, tôi chỉ bảo mình dọn dẹp và chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện”.

Nhưng rồi việc giấu kín ấy cũng chẳng được bao lâu. Một ngày nọ, cô gái nằng nặc đòi ông Tô Phương phải dẫn vào chỗ làm. Dối một ngày, một buổi chứ chẳng thể dối được suốt đời, nghĩ được thấu đáo nên ông Phương quyết định sẽ dẫn vợ sắp cưới đến mục sở thị chỗ làm việc của mình. Sau khi một người chết được chuyển vào, ông kéo người yêu đến rồi cả hai chẳng nói với nhau câu nào.

Ông Phương cứ thế lặng lẽ xắn tay áo lên tắm rửa cho xác chết rồi cùng anh em đồng nghiệp khiêng xác chết để vào phòng lạnh bảo quản. Xong công việc, ông quay ra thì cũng kịp nhìn thấy những giọt nước mắt đang rơi trên khuôn mặt của người yêu mình.

“Xong “phi vụ” ra mắt ngày hôm ấy, tôi cứ nghĩ cô ấy sẽ sợ hãi mà rời xa tôi”. Nhưng điều ông nghĩ đã không phải là sự thật, lúc ấy bà Lê Thị Đệ Nga (SN 1966, tên vợ ông Phương) khóc không phải vì sợ hãi mà vì bà thấu hiểu được sự nhọc nhằn trong công việc của người yêu mình.

Sau ngày hôm ấy, bà Nga đã về kể rõ hết mọi chuyện cho cha mẹ và họ hàng mình và niềm vui như được nâng lên gấp bội khi cha mẹ bà giục giã phải tổ chức đám cưới. Một năm sau ngày can đảm ra mắt công việc, ông Tô Phương và bà Đệ Nga đã tổ chức một đám cưới hạnh phúc.

“Sau này vợ tôi hay nhắc lại câu chuyện vào nhà xác, bà ấy bảo nếu tôi không giấu nhẹm về công việc mà nói ra sớm hơn thì biết đâu bà ấy đã xin được vào làm. Hai vợ chồng cùng làm thì có khi lại vui hơn. Bà ấy nói thì vui vậy thôi chứ tôi biết, nghề này xót xa, buồn đau nhiều hơn những nụ cười”- ông Tô Phương chua chát.

Dương Anh (Đời sống & Hôn nhân)


Tags:
Hộ gia đình sống ‘nghẹt thở’ bên trong cụm công nghiệp ở Quảng Ninh
Vì sao có hiện tượng hồi quang phản chiếu ở người sắp qua đời?
Nghệ An còn bao nhiêu xã sau tinh gọn?
Quảng Ninh: Xử phạt, tạm dừng hoạt động Công ty TNHH Chế biến thực phẩm sạch Trung Hiếu
11 ngành nghề AI dù phát triển vẫn khó lòng “xóa sổ”
Bộ Y tế đề nghị tăng cường công tác bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em
4 loại trà đắt nhất thế giới, giá gần 5 triệu đồng mỗi tách
Cơ hội trải nghiệm hệ sinh thái toàn diện của Vingroup tại Ngày hội Xanh 2025
Nhiều cán bộ tại Nghệ An làm việc cầm chừng, có biểu hiện buông xuôi trong quá trình sáp nhập
Hồi sinh rừng ở huyện đảo Vân Đồn - Quảng Ninh
Chuyến bay 'thần tốc' chở hành khách đặc biệt
Thiếu niên 14 tuổi phát triển ứng dụng AI tìm ra bệnh tim trong 7 giây
Nữ tiếp viên hàng không bỏ 'giấc mơ bay' 11 năm theo đuổi, khởi nghiệp ở lĩnh vực ít ai dám làm
Hát Xoan làng cổ: Di sản văn hóa dân tộc độc đáo vùng Đất Tổ
Chàng trai 10X đi bộ 3.000 km xuyên Việt để học cách sống chậm
Kẻ vạch đường lượn sóng để giảm tai nạn giao thông
Cô gái Việt giành giải nhất cuộc thi lịch sử 25 năm của Trường Kinh doanh Harvard
Hối hận sau 2 năm chuyển chung cư xuống biệt thự liền kề
Công an tỉnh Nghệ An tăng cường quân số cho các Tổ 373
Kiếm 70 triệu đồng mỗi tháng nhờ nghề đóng giả cô dâu
Xem thêm