Nghệ sĩ Việt hiến tạng: Khi sự sống được nối dài…
Những nghệ sĩ Việt đã làm được điều mà không phải bất cứ ai cũng dám vượt qua định điến, thay đổi nhận thức để thực hiện.
Nhiều nghệ sĩ Việt đăng ký hiến tạng sau khi qua đời
Những ngày qua, bên cạnh scandal hậu trường tố nhau giật chồng, lộ clip nóng trong, phẫu thuật thẩm mỹ... thì showbiz Việt vẫn còn câu chuyện khác khiến lòng ta phải chững lại, suy ngẫm. Đó là việc nhiều nghệ sĩ Việt đăng ký hiến tạng sau khi qua đời.

Nghệ sĩ Việt Trinh đăng ký hiến tạng sau khi qua đời
Mở đầu là “Người đẹp Tây Đô” Việt Trinh đã gạt bỏ mọi định kiến để đăng ký hiến tạng. Nói về hành động này, Việt Trinh chia sẻ, cô đã quyết định sau một thời gian dài suy nghĩ. Việt Trinh muốn “trả ơn cuộc đời” và hy vọng hành động của mình truyền cảm hứng cho cộng đồng, lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

MC Quyền Linh đăng ký hiến tạng từ năm 2014
Trước Việt Trinh, MC Quyền Linh cũng đã đăng ký hiến tạng từ năm 2014 trong âm thầm. “Tôi quyết định đăng ký hiến tạng mà không suy nghĩ, trăn trở gì nữa cả. Tôi còn nhận làm đại sứ đồng hành cùng chương trình của Bệnh viện Chợ Rẫy trong thời điểm ấy, với mục đích vận động mọi người nếu có thể hãy tham gia hiến tạng cứu người… Tôi chỉ mong mọi người có thể cảm nhận được rằng chết không phải là hết và cho đi là còn mãi” – MC Quyền Linh chia sẻ.
Không chỉ có MC Quyền Linh, Việt Trinh mà còn rất nhiều nghệ sĩ Việt đã đăng ký hiến tạng như ca sĩ Ngọc Sơn, ca sĩ Phi Hùng, Hari Won, diễn viên Minh Hương, MC Minh Hà, MC Hạnh Phúc…
Khi sự sống được nối dài…
Những nghệ sĩ Việt đã làm được điều mà không phải bất cứ ai cũng dám vượt qua định điến, thay đổi nhận thức để thực hiện. Họ đã khiến cho công chúng có cái nhìn khác về giới nghệ sĩ, không chỉ xoay quanh các scandal mà còn rất nhiều việc ý nghĩa cho cuộc đời.
Cùng với sự nổi tiếng và sức lan tỏa, hành động của nghệ sĩ Việt đã truyền cảm hứng cho nhiều người hâm mộ. Trước hành động của Việt Trinh, một người mến mộ đã viết: “Từ trước đến nay, tôi vẫn luôn nghĩ rằng việc hiến tạng là điều gì đó xa vời, thuộc trách nhiệm của Y học. Thế nhưng, nhờ hành động của chị, tôi đã thấy việc này gần hơn với cuộc sống. Tại sao ta lại muốn khi chết đi, thân xác hóa cát bụi thay vì có thể cứu được những sự sống khác?”
Đúng vậy, một cuộc đời không may mắn mất đi, nhưng trái tim, lá gan, quả thận... của họ vẫn có thể tiếp tục tồn tại trong một cơ thể khác, mang đến cuộc sống cho những người bệnh còn cơ hội.
Hiến tạng không chỉ là trách nhiệm, vấn đề riêng của ngành Y tế mà còn là vấn đề chung của xã hội, của tất cả chúng ta. Hãy để cho cuộc sống được nối dài...
=> MC Quyền Linh chia sẻ lý do đăng ký hiến tạng sau khi qua đời
Hiến tạng là việc tặng một bộ phận trên cơ thể một cách hợp pháp. Ở Việt Nam, hoạt động này được Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tiếp nhận. Sau sự kiện bé Hải An hiến giác mạc khi qua đời vì u não gây xúc động hồi đầu năm ngoái, phong trào hiến tạng lan tỏa.
Bất kỳ ai đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ đều có quyền hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc đăng ký hiến tặng mô, tạng tiềm năng (hiến tặng sau khi chết, chết não). Những người cao tuổi có thể hiến tặng một phần mô, tạng và giác mạc sau khi chết, chết não.
Hiện có hai địa chỉ chính thức được phép đăng ký và phát hành thẻ hiến tạng tại Việt Nam: Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) và Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đặt tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội).
Xem thêm video: Câu chuyện ngón tay và những nếp nhăn