Thứ ba, 30/04/2024 10:36
|
Hà nội 21*C/61%
Emagazine
Với tâm huyết, sáng tạo không mệt mỏi trong nghề gốm, Nghệ nhân Vương Thế Cường đã tìm được lối đi cho riêng mình thông qua việc khai sinh và phát triển dòng gốm Nhị Hà độc đáo.
Nghe-nhan14

Sông Hồng (sông Cái) đoạn chảy qua vùng đất Thăng Long xưa - Hà Nội nay có hình dạng uốn cong như hình cái tai nên còn có tên là Nhị Hà (hay là Nhĩ Hà). Nằm bên tả ngạn sông Hồng, làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) vẫn mang đậm dấu ấn của một làng nghề truyền thống có lịch sử gắn liền với vùng đất Thăng Long ngàn năm văn hiến xưa.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư của sử gia Ngô Sĩ Liên và Dư địa chí của Nguyễn Trãi, làng gốm Bát Tràng được hình thành từ thời nhà Lý vào thế kỷ thứ XI. Khi vua Lý Thái Tổ ban chiếu dời đô từ Hoa Lư ra vùng đất Thăng Long, có 5 dòng họ làm nghề gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát, huyện Yên Mô, phủ Trường Yên (nay thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) là Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm đã quyết định đưa các nghệ nhân làm gốm và gia đình dời làng di cư về kinh thành Thăng Long tìm đất lập nghiệp.

Nghe-nhan08

Khi đến Bạch Thổ phường thuộc huyện Gia Lâm, phủ Thuận An (nay là xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) - nơi có nguồn nguyên liệu tốt để làm đồ gốm là đất sét trắng, 5 dòng họ đã kết hợp với dòng họ Nguyễn ở đây mở lò sản xuất gốm, lập nên làng gốm Bát Tràng ngày nay.

Trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm của làng gốm Bát Tràng, để tạo nên thương hiệu nức tiếng gần xa là những người thợ, nghệ nhân ngày đêm âm thầm giữ gìn những bí quyết, kinh nghiệm làm nghề của cha ông. Họ được xem là những "báu vật nhân văn sống" vì không chỉ giữ gìn những tinh hoa ngàn năm được truyền lại mà còn là người truyền thụ lại sự đam mê, lòng yêu nghề cho thế hệ mai sau. Một trong số những người “giữ lửa” tại Bát Tràng như thế là Nghệ nhân Vương Thế Cường khi đã tự tìm lối đi cho riêng mình bằng sự kiên trì, tâm huyết và nỗ lực sáng tạo trong nghề gốm.

Những năm 1990, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê hương, chàng trai Vương Thế Cường cùng gia đình hoà vào phong trào sản xuất gốm sứ của làng Bát Tràng. Từng đi nhiều nơi, thử sức với nhiều nghề khác nhau nhưng khi trở về quê hương, ngày ngày theo chân những người thân trong gia đình, dòng họ để học nghề gốm đã khiến lòng đam mê và nhiệt huyết về nghề truyền thống của cha ông cứ thế thấm dần vào Vương Thế Cường từ lúc nào không hay.

Nghe-nhan02

"Cha ông đã để lại cho lớp hậu bối một nghề vô cùng quý giá nên bản thân mình và thế hệ trẻ phải có trách nhiệm giữ gìn và phát huy để nghề gốm không bị mai một mà phải ngày một phát triển. Chính điều đó đã thôi thúc tôi quyết tâm theo đuổi và gắn bó với nghề gốm đến tận bây giờ", Nghệ nhân Vương Thế Cường tâm sự.

Từ xưa đến nay mỗi một dòng họ hay một lò gốm tại Bát Tràng lại có một bí quyết, một thế mạnh riêng nên Vương Thế Cường đã quyết định lựa chọn hướng đi phù hợp cho mình là đi sâu vào chế tác, phát triển những sản phẩm gốm quà tặng để phục vụ trong nước cũng như đáp ứng thị trường xuất khẩu.

Vốn đam mê nghề gốm, lại không ngừng nỗ lực học hỏi kinh nghiệm của những thế hệ nghệ nhân đi trước, Vương Thế Cường đã tạo ra những tác phẩm quà tặng không chỉ có giá trị kinh tế mà còn mang tính nghệ thuật từ sự kết hợp giữa các dòng men hiện đại và truyền thống như men hỏa biến thiên thanh, men ánh kim, men xanh lục bảo...

Nghe-nhan25

Để nâng cao giá trị kinh tế và thẩm mỹ trong các sản phẩm quà tặng gốm sứ của mình, Nghệ nhân Vương Thế Cường còn tìm kiếm và kết hợp với nghệ nhân tại những làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống khác để cùng nhau phát triển như làng nghề sơn mài Hạ Thái (Thường Tín, Hà Nội), làng dát vàng Kiêu Kị (Gia Lâm, Hà Nội).

Nhờ bàn tay tài hoa và sự kết hợp khéo léo đó nên các tác phẩm quà tặng độc đáo do ông chế tác mang ý nghĩa văn hóa như "Vinh quy bái tổ, Bát tiên quá hải, Bách phúc (Bách nhi), Tượng đầu rồng thời Lý... thường được lựa chọn để làm quà tặng, quà biếu cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đồng thời phục vụ các sự kiện lớn của đất nước như Đại hội Đảng, bầu cử HĐND các cấp ...

Nghe-nhan13

Đánh giá về ý tưởng kết hợp nghệ thuật giữa các làng nghề truyền thống trên một tác phẩm của Nghệ nhân Vương Thế Cường, ông Đỗ Hùng Chiêu - Nguyên Chủ tịch Hội làng nghề sơn mài Hạ Thái (Thường Tín, Hà Nội) cho rằng, với nghệ thuật hàng nghìn năm của nghề gốm Bát Tràng và tinh hoa vài trăm năm của nghề sơn mài Hạ Thái khi kết hợp lại sẽ góp phần nâng cao giá trị kinh tế, văn hóa và thúc đẩy sự phát triển của cả hai làng nghề.

"Sự kết hợp giữa gốm và sơn mài trên một sản phẩm quà tặng không chỉ góp phần nâng cao giá trị kinh tế mà còn là sự kết tinh nghệ thuật và văn hóa của hai làng nghề truyền thống gốm Bát Tràng và sơn mài Hạ Thái", ông Đỗ Hùng Chiêu nhận định.

Nghe-nhan15

Nghề gốm cũng như các nghề truyền thống khác, nếu mãi rập khuôn theo những mẫu đã có sẵn, chỉ biết kế thừa những dòng men, dòng gốm cổ của cha ông để lại mà quên đi sự tìm tòi, sáng tạo thì sẽ không thể phát triển nức tiếng gần xa như vậy.

Điều đáng quý, đáng trân trọng nhất tại Bát Tràng là luôn có những nghệ nhân bỏ công sức, tâm huyết để tìm tòi, sáng tạo ra những dòng men, những tác phẩm gốm độc đáo, mới lạ hơn để từ đó phát triển lên một tầm cao mới. Không bằng lòng với những gì đã đạt được nên trong suốt quá trình gắn bó với nghề gốm, Nghệ nhân Vương Thế Cường luôn trăn trở và khao khát có được một "đứa con tinh thần" mang dấu ấn của riêng mình.

Nghe-nhan04

Vốn có niềm say mê đặc biệt với những bộ ấm chén pha trà nên mỗi khi rảnh rỗi, ông thường chú tâm quan sát các mẫu sản phẩm, tìm hiểu nguyên liệu làm ấm pha trà của Việt Nam lẫn nước ngoài. Khi nhìn những chiếc ấm Tử Sa của người Trung Quốc làm, nhận thấy sự tinh tế trong cách lựa chọn nguyên liệu cho đến nghệ thuật chế tác độc đáo trong mỗi sản phẩm, Nghệ nhân Vương Thế Cường tự đặt câu hỏi rằng nếu họ làm được thì tại sao người Việt Nam lại không làm được?

Nghe-nhan05

Từ những trăn trở đó, ông càng quyết tâm hành động để tạo nên sự khác biệt cho cá nhân và bản sắc quê hương thông qua những sản phẩm gốm của mình.

"Nước ta 3/4 là đồi núi với nguồn tài nguyên luôn sẵn có là các loại quặng đất rất phong phú để mình lựa chọn chất liệu làm gốm", Nghệ nhân Vương Thế Cường nhận định.

Bắt đầu với những tài liệu, văn bản cổ của cha ông để lại kết hợp với những chuyến điền dã từ các vùng đồng bằng cho đến trung du, miền núi tìm nguyên liệu làm gốm được Vương Thế Cường âm thầm thực hiện. Sau mỗi chuyến đi là những mẫu đất, mảnh quặng đã sưu tầm, tìm kiếm được để rồi ông đem ra pha chế, phối trộn tìm kiếm công thức cho riêng mình.

Nghe-nhan07

Ròng rã nhiều năm tìm kiếm, nghiên cứu, thử nghiệm cuối cùng ông cũng đã lựa chọn được nguồn nguyên liệu phù hợp là quặng đất từ vùng núi Chí Linh (Hải Dương) và quặng đất tại vùng đồi núi Đền Hùng (Phú Thọ) hòa quyện với nước phù sa sông Hồng (Nhị Hà).

Năm 2016, sau hàng chục năm nghiền ngẫm, tìm tòi, nghiên cứu cùng với sự đam mê, kiên trì học hỏi cộng thêm sự động viên, góp ý của các bậc đàn anh đi trước, chiếc ấm Nhị Hà đầu tiên đã chính thức được Nghệ nhân Vương Thế Cường cho ra đời. Từ đây một dòng gốm mới chính thức được ông tạo dựng, khai sinh và đặt cho cái tên "Gốm Nhị Hà" để mang ý nghĩa nhắc nhở, gợi nhớ đến dòng sông Hồng luôn đỏ nặng phù sa hàng nghìn năm đã bồi đắp cho quê hương ông có cuộc sống thanh bình, thịnh vượng.

Nghe-nhan17

Ngay sau khi những sản phẩm đầu tiên đến tay công chúng, hầu hết những người "sành trà" đều cảm nhận và đánh giá rất cao dòng ấm Nhị Hà của Nghệ nhân Vương Thế Cường khi đã đạt được những yêu cầu khắt khe của "trà đạo" từ chất liệu, khả năng giữ nhiệt, độ ngắt nước...

Tâm sự về những ngày đầu bắt tay vào thực hiện ý tưởng, Nghệ nhân Vương Thế Cường cho biết, ông đã gặp rất nhiều khó khăn từ tìm nguyên liệu, lấy ở đâu để phù hợp, chế tác ra làm sao cho đẹp mắt, mang tính thẩm mỹ, dấu ấn riêng....

Nghe-nhan11

"Trong quá trình làm có rất nhiều lần bị thất bại nên tôi từng nghĩ đến việc bỏ cuộc giữa chừng nhưng nhờ sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và những nghệ nhân đàn anh đi trước đã động viên, chỉ bảo khiến tôi thêm quyết tâm thực hiện ước mơ của mình", Nghệ nhân Vương Thế Cường tâm sự.

Với tâm huyết và những nỗ lực không ngừng của bản thân, Nghệ nhân Vương Thế Cường luôn được những nghệ nhân gạo cội của làng gốm Bát Tràng như Nghệ nhân ưu tú Tô Thanh Sơn, Nghệ nhân ưu tú Vương Mạnh Tuấn... ghi nhận, đánh giá rất cao về tay nghề và sự sáng tạo.

"Mỗi thế hệ tiếp nối truyền thống hàng nghìn năm nay của làng gốm Bát Tràng đều có những nghệ nhân tâm huyết với nghề. Họ luôn tìm tòi, sáng tạo để góp phần đưa gốm Bát Tràng lên một tầm cao mới. Những sản phẩm gốm của Nghệ nhân Vương Thế Cường có bản sắc rất riêng. Chỉ cần nhìn vào dòng gốm là có thể cảm nhận được bàn tay, trí tuệ, tâm huyết của người nghệ nhân trong đó", Nghệ nhân ưu tú Tô Thanh Sơn nhận định.

Nghe-nhan12

"Bất cứ một nghệ nhân tại làng nghề truyền thống nào cũng sẽ tạo ra những tác phẩm mang giá trị văn hóa trong đó. Dòng gốm Nhị Hà của Nghệ nhân Vương Thế Cường không chỉ mang đậm dấu ấn cá nhân mà còn thể hiện tay nghề, tâm huyết và sự sáng tạo và văn hóa của làng gốm Bát Tràng", Nghệ nhân ưu tú Vương Mạnh Tuấn - Chủ nhiệm CLB Nghệ nhân thợ giỏi làng gốm Bát Tràng nói.

Nghe-nhan23

Ca dao, tục ngữ xưa có câu "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh/Ai ơi phải quý nghề mình mới nên". Với Nghệ nhân Vương Thế Cường, nghề gốm đã không đơn thuần chỉ là nghề mưu sinh mà đã trở thành tín niệm để ông gửi gắm tất cả đam mê, khát vọng, tâm huyết và sự sáng tạo cả đời mình vào trong đó.

"Nghề gốm là một nghề cao quý mang tâm huyết, giá trị nghệ thuật văn hoá của Việt Nam lan tỏa không chỉ trong nước mà còn mang đến bạn bè khắp nơi trên thế giới. Gốm sẽ làm thay đổi cuộc sống với những ai biết trân trọng và phát huy sự sáng tạo dựa trên tay nghề của mình", Nghệ nhân Vương Thế Cường tâm niệm.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề, Nghệ nhân Vương Thế Cường đã nhận được rất nhiều bằng khen, giải thưởng từ trung ương đến địa phương trao tặng dành cho những cống hiến và sáng tạo của mình như: Nghệ nhân làng nghề Việt Nam năm 2018, Nghệ nhân Hà Nội năm 2019, Các giải thưởng tham gia Festival Huế; Giải thưởng cuộc thi sáng tác mẫu sản phẩm do Sở Công thương Hà Nội tổ chức; Giải thưởng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2020 của Bộ Công thương...

"Nghề làm gốm tại Bát Tràng đã có truyền thống hàng nghìn năm. Với sự tâm huyết, sáng tạo kết hợp với đôi bàn tay khéo léo của mình, những người con Bát Tràng hôm nay như Nghệ nhân Vương Thế Cường đã và đang góp phần tiếp nối mạch truyền thống hàng nghìn năm mà cha ông đã tạo dựng để đưa tinh hoa, văn hóa của làng nghề Bát Tràng ngày càng phát triển rực rỡ hơn nữa trong tương lai", ông Phạm Huy Khôi - Chủ tịch UBND xã Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) đánh giá.

Hải Nam - Thúy Ngà  
Lễ thượng cờ thiêng liêng mừng chiến thắng 30/4 tại quảng trường Ba Đình
Ăn uống trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 cần lưu ý gì?
Tại sao giá túi Hermes Birkin lại đắt đỏ?
Xem pháo hoa dịp lễ 30/4 - 1/5 ở đâu?
Đau bụng âm ỉ cả tháng, bất ngờ phát hiện xương cá đâm xuyên thành ruột
Mặt biến dạng sau 3 ngày cắt môi hình trái tim
Gia đình sao Việt cho con nghỉ lễ 30/4-1/5: Quỳnh Anh đi Disneyland,  Hà Kiều Anh chinh phục Fansipan
Nắng nóng gay gắt trên cả nước kéo dài đến khi nào?
Áo chống nắng dày hay mỏng chống tia UV tốt hơn?
4 mỹ nhân Việt lấy chồng Ấn Độ: Người là phú bà, người viên mãn vẹn toàn
Vì sao đàn ông thích đồng hồ, phụ nữ lại chi
Ngủ bên chồng, mơ làm
Xem thêm