Ngăn chặn tội phạm ngày càng "trẻ hóa": Vai trò của gia đình phải được đặt lên hàng đầu
Thủ phạm trong các vụ trọng án thời gian vừa qua có tuổi đời còn rất trẻ, thậm chí là tội phạm vị thành niên khiến nhiều người bất an, lo lắng về tình trạng "trẻ hóa" tội phạm.
Thời gian gần đây, trên cả nước xảy ra hàng loạt các vụ trọng án cướp của, giết người, cố ý gây thương tích... gây xôn xao dư luận. Đáng chú ý là thủ phạm trong các vụ án này có tuổi đời còn rất trẻ, thậm chí là tội phạm vị thành niên khiến nhiều người bất an, lo lắng về tình trạng "trẻ hóa" tội phạm.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, giai đoạn 2018 - 2020, cả nước đã ghi nhận gần 11.000 vụ việc người chưa thành niên vi phạm pháp luật, với gần 16.600 đối tượng có liên quan. Riêng năm 2020 đã xảy ra gần 4.300 vụ với hơn 6.500 đối tượng.
Đánh giá về những số liệu nói trên, Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân nhận định: "Điều đó cho thấy những năm gần đây người chưa thành niên vi phạm pháp luật không chỉ tăng đột biến về số lượng mà tuổi đời của các đối tượng vi phạm cũng ngày càng trẻ hoá".
Chuyên gia này cũng bày tỏ sự lo ngại về việc thủ đoạn phạm tội của nhóm đối tượng này không còn đơn giản là do nhất thời bồng bột, thiếu suy nghĩ mà có sự tính toán, chuẩn bị kỹ càng, manh động và liều lĩnh do đó tính nguy hiểm ngày càng cao, gây hậu quả nghiêm trọng, làm xôn xao dư luận xã hội...
Trong khi đó, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) phân tích, với đặc điểm về tâm sinh lý, về nhận thức, về kĩ năng sống, về phát triển và hình thành nhân cách của người dưới 18 tuổi thì nhóm người này dễ mắc sai lầm, trong những sai lầm đó thì có một phần trách nhiệm của người lớn, của gia đình, nhà trường và xã hội.
"Cùng với sự phát triển của xã hội, mối liên kết trong gia đình lỏng lẻo, mặt trái của cơ chế thị trường, những cám dỗ của cuộc sống hiện đại đã khiến tội phạm là người dưới 18 tuổi ngày càng trẻ hóa. Có những đối tượng chỉ có 12 - 13 tuổi nhưng đã thực hiện các hành vi nguy hiểm cho xã hội như giết người, cướp tài sản, mua bán trái phép chất ma tuý... nhưng không thể xử lý bằng chế tài hình sự vì các đối tượng này chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự", Luật sư Đặng Văn Cường nói.
Theo thống kê gần nhất của Bộ Công an, tỷ lệ gây án ở tuổi vị thành niên trên địa bàn cả nước là 5,2% đối với người dưới 14 tuổi, 24,5% đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 70,3% đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi.
Tình hình người dưới 18 tuổi phạm tội có sự khác nhau giữa mỗi vùng miền, khu vực. Đặc biệt các khu vực thành phố lớn, thành phố trực thuộc trung ương, các khu đô thị đông dân, các khu công nghiệp phát triển thì tỷ lệ người dưới 18 tuổi phạm tội lớn hơn rất nhiều so với các tỉnh, thành phố ở địa phương, các khu vực thuần nông.
Từng tham gia tố tụng nhiều vụ án, chuyên gia pháp lý này nhận xét nhiều đối tượng trong độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, (từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi), được xác định là “trẻ em” nhưng hành vi phạm tội không hề “ngây thơ”, tính chất của hành vi rất côn đồ, có tổ chức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tính chất manh động gây mất an toàn cho xã hội.
"Rất nhiều vụ án người phạm tội dưới 18 tuổi nhưng đã thực hiện hành vi giết người hàng loạt, giết người cướp tài sản hay giết người bởi những lý do rất nhỏ nhặt, vụn vặt.. Bởi vậy đã có nhiều ý kiến cho rằng cần phải hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự cũng như tăng mức chế tài đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi sửa đổi Bộ luật Hình sự", Luật sư Đặng Văn Cường nói.
Đánh giá về nguyên nhân "trẻ hóa" tội phạm hiện nay ở Việt Nam, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này, có thể kể đến như:
- Đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi là người dưới 18 tuổi
Người dưới 18 tuổi được xác định là người chưa thành niên, là người chưa phát triển đầy đủ về nhân cách và đạo đức. Đây là độ tuổi đang được giáo dục phổ thông, giáo dục cơ bản về nhận thức, ý thức, đạo đức trong đó có ý thức chấp hành pháp luật.
Ở độ tuổi thanh thiếu niên là độ tuổi phát triển nhanh chóng về thể chất nhưng về tâm sinh lý có những bất ổn, thậm chí nổi loạn. Giáo dục cứng nhắc hoặc giáo dục không đúng cách có thể biến những đứa trẻ ngoan ngoãn, hiếu thảo trở thành những đứa trẻ ngủ ngược, bất trị, chúng có thể bỏ học, tự tử, thậm chí trở thành tội phạm.
Ở độ tuổi chưa thành niên thì rất dễ bị cảm xúc chi phối hành vi, chỉ vì những vấn đề nhỏ nhặt mà người chưa thành niên có thể có những xúc động mạnh, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc dẫn đến thực hiện những hành vi có tính chất một phát, thiếu sự điều khiển của lí trí, có thể dẫn đến hành vi phạm tội.
Trong những gia đình không có hạnh phúc, cha mẹ thường xuyên cãi vã, đánh đập lẫn nhau khiến những đứa trẻ có những suy nghĩ tiêu cực kéo dài, tác động đến sự phát triển hình thành nhân cách khiến chúng trở nên lầm lì hoặc cục súc. Đối với những gia đình cha dượng, mẹ kế, có sự đối xử bất công bằng trong gia đình dễ gây ra những xung đột và những nhận thức lệch lạc của trẻ em.
Khi đứa trẻ sống trong gia đình không có hạnh phúc một thời gian dài, thiếu sự quan tâm chăm sóc giáo dục của cha mẹ rồi đỉnh điểm là bị đẩy ra ngoài xã hội, bỏ học và tự kiếm tiền nuôi sống bản thân thì rất dễ sa ngã phải bị bạn bè xấu lôi kéo để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, sau đó trở thành người phạm tội khi tuổi đời còn rất trẻ.
- Sống trong môi trường bạo lực, thiếu lành mạnh, bị lôi kéo bởi bạn bè xấu.
Khi sống trong môi trường bạo lực, chứng kiến bạo lực gia đình hoặc bạo lực trên không gian mạng, các trò chơi game hoặc các phim bạo lực trên YouTube, Facebook những đứa trẻ trở nên lì lợm, coi việc đánh đấm, giết chóc là chuyện thường tình. Chúng dễ học theo, làm theo những nhân vật trong các câu chuyện, các bộ phim và có thể trở thành những sát thủ máu lạnh nếu như thiếu sự quan tâm giáo dục của cha mẹ.
Ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật, của công nghệ khiến việc tiếp cận với những bộ phim, những trò chơi game trên internet rất dễ dàng. Nếu cha mẹ thiếu kiểm soát hoặc bỏ mặc, khuyến khích cho con gái chơi những trò game bạo lực thì cũng rất dễ biến những đứa trẻ thành những đứa ưa bạo lực, sẵn sàng sử dụng bạo lực để giải quyết các vấn đề. Các chương trình trên internet không được chọn lọc sẽ khiến đứa trẻ bị “bội thực thông tin”, tiếp thu nhiều thông tin độc hại khiến tâm lý, nhân cách bị ảnh hưởng.
- Giải pháp phòng ngừa ít được chú trọng, kém hiệu quả
Để kiểm soát được tình hình tội phạm thì việc phát hiện, bắt giữ, xử lý là chưa đủ mà quan trọng là phải tìm ra những nguyên nhân, điều kiện phạm tội để đưa ra những giải pháp loại bỏ những nguyên nhân điều kiện đó thì mới kiểm soát được tình hình tội phạm.
Đối với phòng ngừa tội phạm là người dưới 18 tuổi thì những nguyên nhân từ phía gia đình, nhà trường, xã hội; nguyên nhân từ giáo dục nhận thức, nhân cách; Nguyên nhân từ những tác động của xã hội; nguyên nhân từ các biện pháp xử lý và thủ tục xử lý... là những vấn đề đã được đặt ra từ lâu, tuy nhiên việc thực hiện các giải pháp để phòng ngừa tội phạm nói chung, tội phạm là người dưới 18 tuổi nói riêng nhiều lúc, nhiều nơi chưa đạt hiệu quả. Tội phạm là người dưới 18 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương gây bức xúc trong dư luận.
Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chưa được đề cao. Có đến 14 cơ quan tổ chức có trách nhiệm bảo vệ trẻ em, tuy nhiên khi trẻ em bị bạo hành, xâm hại hoặc trẻ em gặp khó khăn, sa ngã thì đôi khi không có cơ quan nào lên tiếng hoặc có lên tiếng cũng chỉ qua loa cho hết trách nhiệm.
Cơ chế phối hợp, trách nhiệm cụ thể giữa các cơ quan tổ chức và chính quyền địa phương trong việc bảo vệ trẻ em còn nhiều vấn đề bất cập. Chỉ đến khi những đứa trẻ trở thành hư hỏng, thực hiện các hành vi đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì khi đó mới phát hiện ra nhiều vấn đề bất cập trong việc giáo dục, quản lý trẻ em và kết quả giải quyết vụ án hình sự cho thấy lỗ hổng cũng như trách nhiệm của người lớn, của cơ quan tổ chức trong hoạt động bảo vệ, giáo dục trẻ em.
Đồng tình với nhận định trên, Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân cho rằng, tình trạng chung phổ biến hiện nay ở các gia đình là bố mẹ quá bận rộn, hầu như phó mặc trách nhiệm quan tâm, giáo dục con cái cho nhà trường, cho xã hội.
"Một số trẻ do hoàn cảnh sống phức tạp, khó khăn, bố mẹ là các đối tượng hình sự, rượu chè, cờ bạc trong gia đình thường xảy ra nạn bạo hành, bố mẹ ly hôn, ly thân…", Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân nói.
Các nghiên cứu tâm lý tội phạm học cho thấy mối quan hệ giữa trẻ vị thành niên và gia đình có tác động rất lớn đến nhận thức, hành vi của trẻ khi hầu hết trẻ vị thành niên phạm tội có mâu thuẫn gia đình. Mâu thuẫn trong quan hệ với người lớn xử lý không tốt khiến trẻ bị tổn thương có những suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống.
Trong khi đó môi trường xã hội có nhiều cám dỗ trẻ thiếu sự quan tâm từ gia đình dễ sa đà vào nghiện game, phim ảnh bạo lực, đồi trụy, chất kích thích…hoặc bị phần tử xấu lôi kéo vào con đường phạm pháp.
Một số khác do trẻ được gia đình nuông chiều quá mức, dẫn đến ỷ lại. Vì thương con nhưng không đúng cách các bậc cha mẹ đã vô tình đẩy con vào vết trượt dài. Ngoài ra, sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội chưa chặt chẽ, thường xuyên.
"Nhà trường vẫn chỉ chú trọng vào việc cung cấp kiến thức mà chưa quan tâm đúng mức đến việc trang bị cho học sinh kỹ năng sống để trẻ có khả năng làm chủ bản thân, khả năng ứng xử phù hợp với người khác, với xã hội và khả năng ứng phó tích cực trước các tình huống của cuộc sống", Chuyên gia Hoàng Hải Vân nhận định.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật trong nhà trường còn quá ít và chưa thuyết phục.
Một số hội chứng rối loạn cảm xúc, rối loạn tâm lý và hành vi... của trẻ ở lứa tuổi dậy thì do những thay đổi từ lượng hormone trong cơ thể đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng tạm thời trong cảm xúc; nhu cầu độc lập, khẳng định cái "siêu tôi" của bản thân hoặc nhu cầu khám phá cái mới lạ, trong đó có cả những cái thiếu lành mạnh… có thể là một phần nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của trẻ vị thành niên nếu không tự chủ được bản thân thêm vào đó là không được người lớn định hướng, giáo dục đúng cách.
Chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân cho rằng, trẻ vị thành niên phạm tội là nỗi đau của gia đình và xã hội. Giải pháp quan trọng nhất để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các vụ phạm pháp mà thanh, thiếu niên gây ra chính là sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên giữa gia đình, nhà trường trong việc quản lý, giáo dục trẻ.
"Đặc biệt, gia đình có vai trò ảnh hưởng trực tiếp tới sự định hình, phát triển nhân cách của trẻ. Do đó, bên cạnh sự chăm sóc, gần gũi thương yêu đúng mực bố mẹ cần thường xuyên quan tâm đến tâm sinh lý lứa tuổi của trẻ để có thể nắm bắt được những thay đổi mà định hướng trong cách giáo dục con trẻ phù hợp giúp trẻ đi qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì và trưởng thành lành mạnh", chuyên gia Hoàng Hải Vân nói.
Đối với nhà trường, cần tăng cường các hoạt động rèn luyện, trang bị kỹ năng sống, giáo dục giới tính, xây dựng mô hình tư vấn tâm lý học đường để trẻ có sự hỗ trợ cần thiết và kịp thời. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật cho thanh, thiếu niên nhằm ngăn chặn tình trạng trẻ hoá tội phạm.
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng để ngăn chặn tình trạng "trẻ hóa" tội phạm cần có giải pháp về xây dựng pháp luật. Pháp luật về trẻ em nằm ở là một hệ thống bao gồm nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Công ước về Quyền trẻ em, luật trẻ em, luật giáo dục, bộ luật dân sự, luật xử lý vi phạm hành chính, bộ luật hình sự... và rất nhiều các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Trong đó, có nhiều các văn bản còn mâu thuẫn, chồng chéo, những quy định còn khó thực hiện, kém hiệu quả. Bởi vậy giải pháp phòng ngừa tội phạm, làm cơ sở đấu tranh với tội phạm là người dưới 18 tuổi thì cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật để quy định quyền cũng như cơ chế được thực hiện quyền của trẻ em. Đồng thời quy định làm rõ trách nhiệm của gia đình, của chính quyền địa phương, của nhà trường và của các cơ quan đoàn thể trong việc bảo vệ trẻ em.
Cần phải có những cơ chế và có những biện pháp can thiệp sâu hơn nữa vào vai trò, trách nhiệm giáo dục của cha mẹ đối với trẻ em. Đối với những hành vi vi phạm về Quyền trẻ em thì cần phải cương quyết áp dụng các biện pháp để can thiệp kịp thời, tránh trường hợp đứa trẻ phải sống trong một gia đình thiếu lành mạnh, thiếu giáo dục và có những tác động tiêu cực đến sự phát triển và hình thành nhân cách.
Với những đứa trẻ hiếu động, cá biệt có nguy cơ bỏ học hoặc hay gây rối nơi trường học cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình nhà trường và xã hội để có những biện pháp giáo dục, tránh trường hợp những đứa trẻ này bị đẩy ra khỏi môi trường gia đình và nhà trường để trở thành những đối tượng bất hảo hoặc có thể lôi kéo những đứa trẻ khác trở thành tội phạm.
Việc áp dụng pháp luật đối với người dưới 18 tuổi phạm tội phải được vận dụng, thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ để đảm bảo. Cần phải xây dựng bộ máy tư pháp hoàn chỉnh để áp dụng các quy định đặc thù về người dưới 18 tuổi phạm tội như: công tác cán bộ, cơ sở vật chất, cơ chế phối hợp và các chính sách để người dưới 18 tuổi phạm tội nhận thức được sai lầm của mình, có cơ hội sửa chữa giáo dục, cải tạo để trở thành những công dân tốt, sống có ích cho xã hội.
"Trong đó, đặc biệt là phải xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm huyết, có trách nhiệm với công tác trẻ em, am hiểu về tâm sinh lý của trẻ em để kết hợp giáo dục trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tạo tâm lý được bảo vệ, che chở, giúp đỡ khi trẻ em mắc phải sai lầm, khiến trẻ em “tâm phục khẩu phục” sau khi chấp hành xong hình phạt hoặc các biện pháp hành chính", Luật sư Đặng Văn Cường nói.
Việc giáo dục đạo đức phải kết hợp với giáo dục pháp luật và kỹ năng sống để những đứa trẻ phát triển toàn diện, không chỉ nhận thức được những kiến thức khoa học mà còn biết vận dụng, ứng xử trong đời sống xã hội để trở thành những con người mới xã hội chủ nghĩa, vừa hồng, vừa chuyên và biết tôn trọng pháp luật.
Luật sư Đặng Văn Cường nhận định, khi trẻ em được giáo dục ý thức tôn trọng, biết sẻ chia, có đạo đức thì nguy cơ trở thành tội phạm sẽ giảm đi rất nhiều. Nói cách khác, người dưới 18 tuổi phạm tội chính là những trường hợp cụ thể của thất bại trong giáo dục nhân cách trong đó có trách nhiệm trực tiếp thuộc về gia đình và nhà trường.
Do đó, chuyên gia pháp lý này cho rằng, cần nâng cao vai trò của gia đình và các tổ chức đoàn thể, trách nhiệm của chính quyền địa phương. Khi môi trường gia đình và môi trường giáo dục có vấn đề phải không phát huy được hết vai trò, trách nhiệm của mình thì trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan đoàn thể trong việc giáo dục trẻ em, bảo vệ trẻ em là rất quan trọng.
Trong đó các mức độ bảo vệ trẻ em sẽ được thể hiện khác nhau, tổ dân phố, hội phụ nữ, ủy ban nhân dân cấp xã phường là những thiết chế quan trọng để nắm bắt tình hình, kịp thời hỗ trợ can thiệp, giúp đỡ và bảo vệ trẻ em khi những đứa trẻ lâm vào tình trạng bị xâm hại đến quyền trẻ em, ảnh hưởng đến sự phát triển và hình thành nhân cách.
"Nếu sinh ra trong một gia đình không có hạnh phúc, thường xuyên chứng kiến bạo lực, những đứa trẻ bỏ học mà không có sự quan tâm, trách nhiệm của chính quyền địa phương, của cơ quan đoàn thể thì những đứa trẻ đó sớm muộn cũng trở thành tội phạm. Bởi vậy, cần phải có sự liên kết phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội đồng thời nâng cao trách nhiệm của các chủ thể này trong việc giáo dục và bảo vệ trẻ em", Luật sư Đặng Văn Cường nói.