Ứng xử trong gia đình phi truyền thống: Vấn đề cũ cần giải pháp mới

Văn hóa ứng xử trong mỗi gia đình được coi là gốc hình thành nề nếp, gia phong. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các mô hình gia đình phi truyền thống đã và đang đặt ra nhiều vấn đề bức bách, đặc biệt là về văn hóa ứng xử.

Những thách thức trong ứng xử của gia đình hiện đại

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, xã hội ngày càng hiện đại, các mô hình gia đình phi truyền thống như gia đình bố/mẹ đơn thân, gia đình đa huyết thống, gia đình đa chủng tộc... xuất hiện ngày càng nhiều.

"Những gia đình hỗn hợp như thế khi cố gắng tổ chức thành cấu trúc một gia đình truyền thống sẽ đối diện với nhiều căng thẳng và cản trở. Vấn đề hay gặp nhất ở các gia đình hỗn hợp là văn hóa ứng xử trong mối quan hệ giữa dì/ dượng và con riêng", PGS Trần Thành Nam nói.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam

Trong nhiều gia đình, người bố/mẹ ruột vẫn tham gia và tiếp tục đặt các giới hạn, cung cấp sự chỉ dẫn cho bọn trẻ. Tuy nhiên, sự thiếu thời gian và năng lượng của cặp vợ chồng trong việc nuôi dưỡng mối quan hệ của cặp đôi tái hôn cũng là yếu tố thường xuyên được nhắc tới.

Theo PGS. Trần Thành Nam, nếu không dàn xếp cẩn thận hoạt động của các thành viên trong gia đình và đáp lại nhu cầu khác nhau của họ, nhiều ông bố bà mẹ có thể kiệt quệ sức lực và tinh thần.

Còn với những gia đình đa chủng tộc, họ có thể gặp khó khăn lớn trong vấn đề hòa hợp văn hóa, chủng tộc trong cấu trúc gia đình mới. Các quy tắc về tôn giáo hay văn hóa có thể là mồi lửa dẫn tới xung đột.

Bên cạnh đó, những gia đình phi truyền thống hiện nay ít nhiều vẫn phải đối mặt với định kiến. Theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Phương - Viện Nghiên cứu Văn hóa, nhiều người Việt Nam cho đến nay vẫn duy trì quan niệm rằng gia đình toàn vẹn, hạnh phúc là gia đình có đầy đủ cha mẹ, con cái.

"Chính quan niệm về sự toàn vẹn của gia đình như vậy đã khiến xã hội xuất hiện những định kiến cho rằng gia đình “phi truyền thống” là bất hạnh hoặc lệch lạc", TS. Phạm Quỳnh Phương  cho hay.

Mô hình gia đình phi truyền thống đã và đang đặt ra nhiều vấn đề bức bách, đặc biệt là về văn hóa ứng xử (Ảnh minh họa)

Với gia đình đơn thân, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp có nguy cơ bị phá vỡ, điển hình là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được hình thành và nuôi dưỡng trong môi trường gia đình, nhưng với những bà mẹ đơn thân, đặc biệt là bà mẹ đơn thân sinh con gái thì việc tạo lập và duy trì thói quen thờ cúng tổ tiên dễ mất đi.

Theo Tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương), khi bà mẹ đơn thân trở thành trụ cột gia đình, họ đồng thời phải thực hiện đầy đủ bổn phận làm cha và làm mẹ. Do đó, họ không có đủ thời gian cần thiết để hỗ trợ, chăm sóc, giám sát con cái đầy đủ và chính điều này đã để lại một khoảng trống đối với con trẻ.

Tương tự, với mô hình gia đình đa văn hóa, khi “về chung một nhà”, các thành viên phải đối diện với sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ... khiến cuộc sống lứa đôi trở nên phức tạp.  

Giải pháp cho gia đình phi truyền thống

Theo PGS Trần Thành Nam, trong các gia đình phi truyền thống này, bố/mẹ có thể học cách cân bằng nhu cầu của các thành viên. Đặc biệt, hãy chú ý vào những điểm tích cực thay vì những mất mát, những tiêu cực của gia đình phi truyền thống.

Mỗi thành viên đều có quyền trải nghiệm, vui thú, duy trì thói quen về ẩm thực, cuộc sống hằng ngày khác nhau, làm cho cuộc sống của cả gia đình trở nên nhiều màu sắc. Sẽ có nhiều người lớn có mặt, nhiều nguồn lực giúp đỡ cho những đứa trẻ. Bố mẹ kế thường khách quan hơn, bớt áp đặt hơn, và vì vậy sẽ phát huy sự tự do, tiềm năng của những đứa trẻ nhiều hơn. Họ tích cực xử lý mâu thuẫn gia đình sau những trải nghiệm của cuộc hôn nhân trước.

Bố mẹ thường hợp tác và chia sẻ nhiều hơn vì họ phải đóng rất nhiều vai và chuyển vai linh hoạt để hòa hợp trong các phong cách gia đình. Người con trong những gia đình này thường thích ứng tốt hơn, tính tự chủ cao hơn.

Trao đổi thêm về vấn đề này, PGS.TS Trần Thị Minh Thi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho hay, trong bối cảnh các giá trị gia đình vẫn được người dân coi trọng trong cuộc sống cũng như quy mô, cơ cấu, chức năng gia đình đang thay đổi theo hướng hiện đại hóa, cá nhân hóa, cần đẩy mạnh việc thực hiện một số giải pháp như: Tăng cường các hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới; tuyên truyền, phổ biến và hỗ trợ phụ nữ tự thoát khỏi định kiến xã hội về hôn nhân và gia đình...

Tiếp đó, cần xây dựng chính sách và dịch vụ xã hội bảo đảm sự tiếp cận công bằng, bình đẳng giữa các mô hình gia đình hiện nay.

Bên cạnh đó, cần phổ biến kết quả nghiên cứu về các giá trị gia đình mà người dân Việt Nam đang ủng hộ để các nhà lập pháp, hoạch định chính sách, quản lý nhà nước về gia đình nắm rõ thực tế này.

Cũng cần có sự hỗ trợ về dịch vụ xã hội, tư vấn xã hội dành cho các nhóm đang có xu hướng theo đuổi những giá trị hiện đại của gia đình, đồng thời hạn chế tác động tiêu cực của chủ nghĩa cá nhân, lối sống chỉ biết hưởng thụ, ích kỷ.