Tiềm năng khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ y tế và chăm sóc sức khoẻ còn rất lớn

Số lượng startup lĩnh vực y tế tại Việt Nam chỉ chiếm 2% trong tổng số hơn 4.000 startup công nghệ y tế tại Châu Á. Vì thế, các chuyên gia cho rằng, lĩnh vực công nghệ y tế, chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam còn nhiều tiềm năng và cơ hội để khởi nghiệp.

Phát biểu tại Lễ phát động Hành trình khởi nghiệp Quốc gia trong lĩnh vực Công nghệ Y tế và Chăm sóc sức khỏe TECHFEST 2022, TS. Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, TECHFEST là một sân chơi thường niên dành cho các bạn trẻ thử thách mình và thử thách những vấn đề lớn của xã hội, của doanh nghiệp để tìm ra những giải pháp tốt nhất có thể chinh phục được người dùng, nhà đầu tư.

TS. Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ)

Trong 2 năm vừa qua, dù chịu sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng với sự hỗ trợ của các tổ chức, cố vấn, chuyên gia cùng với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc.

Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong Đông Nam Á và được các nhà đầu tư sinh thái đánh giá là một hệ sinh thái phát triển năng động nhất trong khu vực. Đồng thời, Việt Nam là 1 điểm đến rất tin cậy của các nhà đầu tư.

"Trong bối cảnh COVID-19 ảnh hưởng rất sâu sắc đến nền kinh tế, nhưng chúng ta đã đạt được 5 kỳ lân - doanh nghiệp tăng trưởng nhanh dựa trên công nghệ. Trong số 11 kỳ lân của ASEAN, Việt Nam ghi dấu ở rất nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực về thanh toán, công nghiệp giải trí, công nghệ mới", TS Phạm Hồng Quất nói.

Bấm nút phát động Hành trình khởi nghiệp Làng Công nghệ Y tế và Chăm sóc sức khỏe năm 2022 với thông điệp "Gắn kết & Cộng hưởng".

Y tế là một trong những lĩnh vực rất quan trọng, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đời sống người dân ngày càng tăng, chi tiêu cho y tế ngày càng lớn. Theo dự báo, năm 2022, Việt Nam sẽ chi tiêu khoảng 22,7 tỷ USD cho y tế.

Trong khi đó, tại Việt Nam, số lượng startup lĩnh vực này chỉ chiếm 2% trong tổng số hơn 4.000 startup công nghệ y tế tại Châu Á. Những con số trên cho thấy được những cơ hội và tiềm năng rất lớn trong khởi nghiệp lĩnh vực Công nghệ Y tế & Chăm sóc sức khỏe.

Ông Nguyễn Trần Đông (CEO Công ty CPCN ISOFH) - Trưởng làng Medtech & Innovative Healthcare chia sẻ, hiện nay khởi nghiệp trong lĩnh vực Công nghệ y tế vẫn còn nhiều khoảng trống và khó khăn. Những khó khăn đó có thể kể đến là không có kiến thức chuyên môn và thấu hiểu về ngành; Chưa có cơ hội được tiếp cận với các vấn đề lõi, dẫn đến việc sản phẩm không tạo ra được gốc rễ của vấn đề; Không tìm được thị trường phù hợp.

"Sự kiện ngày hôm nay sẽ mở đầu cho các hoạt động lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đối với lĩnh vực công nghệ y tế và chăm sóc sức khỏe đến với các startup và các bạn thanh niên đam mê khởi nghiệp", Trưởng làng Nguyễn Trần Đông nói.

Ông Nguyễn Trần Đông - Trưởng làng Medtech & Innovative Healthcare

Tại buổi lễ, các đại biểu đã tiến hành bấm nút phát động Hành trình khởi nghiệp Làng Công nghệ Y tế và Chăm sóc sức khỏe năm 2022 với thông điệp "Gắn kết & Cộng hưởng". Mục tiêu của Lễ phát động là đem đến cơ hội cho các nhà khởi nghiệp, đặc biệt là các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia về khởi nghiệp công nghệ y tế và giải pháp chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam được tỏa sáng trên đấu trường khởi nghiệp quốc gia với những ý tưởng sáng tạo thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Sau lễ phát động là các hoạt động nổi bật gồm Hội thảo chuyên đề, tọa đàm khoa học, hoạt động kết nối giữa các startup với nhà đầu tư, thực địa và đánh giá thị trường tại các cơ sở y tế, tham quan thực tế tại các công ty công nghệ, các lớp đào tạo kỹ năng quản trị doanh nghiệp, gọi vốn và quản trị công nghệ.