Người mắc Covid-19 bao nhiêu lâu có thể nhiễm lại?

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, những người từng nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh vẫn có nguy cơ tái nhiễm nhiều lần.

Xoay quanh vấn đề F0 tái mắc nhiều lần, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, về mặt khoa học việc tái nhiễm sau khi mắc bệnh hoặc bị nhiễm đột phá là hiện tượng có thể xảy ra.

Bởi vì khi bị mắc bệnh, dù đã có kháng thể hoặc tiêm vaccine tạo kháng thể, nhưng kháng thể chủ yếu nằm trong máu. Trong khi đó, virus xâm nhập vào niêm mạc đầu tiên, gây bệnh và sau đó mới phổ rộng kháng thể lên.

Tất cả F0 khỏi bệnh đều có nguy cơ tái mắc Covid-19 (Ảnh minh họa)

Theo chuyên gia, việc tiêm chủng có hiệu quả phòng ngừa mắc bệnh nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Do đó việc nhiều người cho rằng tiêm vaccin rồi nhưng vẫn bị mắc do kháng thể thấp là điều hiển nhiên.

PGS Đỗ Văn Dũng lý giải, sau một thời gian tiêm lượng kháng thể sẽ giảm đi. Quan trọng là khả năng tạo kháng thể của cơ thể vẫn còn, để ngăn cản sự tiến triển bệnh nặng và giảm nguy cơ tử vong.

Kháng thể là các protein được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể để giúp bạn chống lại bệnh. Chúng được tạo ra sau khi bạn đã bị mắc bệnh hoặc đã được tiêm vaccine. Các kháng thể có thể bảo vệ bạn khỏi mắc bệnh trong một thời gian sau đó.

Tương tự với Covid-19, sau khi mắc và khỏi bệnh, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể với virus. Theo các bác sĩ, bản thân miễn dịch SARS-CoV-2 không bền vững, kể cả mắc hay miễn dịch do tiêm vaccine. Vì thế, khả năng bảo vệ lâu dài không có.

Báo cáo của Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA) cho thấy kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chỉ riêng vùng England đã ghi nhận 62 người có 4 lần xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, mỗi lần cách nhau ít nhất 90 ngày. Trong khi đó, dữ liệu thu thập đến ngày 6/3 vừa qua cho thấy 7.640 người khác đã 3 lần mắc Covid-19.

Các báo cáo theo dõi số ca mắc Covid-19 và cúm hàng tuần mới nhất của UKHSA cũng ghi nhận 715.154 ca tái nhiễm. Những người đã tái nhiễm nhiều lần có thể đã nhiễm các biến thể khác nhau của virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, ngay cả khi virus ngừng biến đổi ngay bây giờ, khả năng miễn dịch đối với các bệnh lây nhiễm qua đường mũi và họng cũng không tồn tại lâu dài. Vì thế, nhiều người có khả năng tái nhiễm theo chu kỳ 2 năm một lần hoặc lâu hơn.

Người đã nhiễm Covid vẫn có thể bị nhiễm lại nhưng rất nhẹ hoặc không có triệu chứng (Ảnh minh họa)

PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết về cơ bản, những người đã tiêm vaccine cũng như những người đã mắc Covid-19 thì cơ thể tạo ra kháng thể trong 3 - 6 tháng.

Do đó, những người đã nhiễm, trong vòng 3 tháng vẫn có thể bị nhiễm nhưng rất nhẹ, hoặc không có triệu chứng. Những trường hợp nhiễm có thể xảy ra ở những người có sức đề kháng kém, không tạo được miễn dịch. Vì thế, nếu đã bị nhiễm Covid-19, người dân vẫn phải tuyệt đối thực hiện 5K, theo dõi sức khỏe, không được chủ quan.

Chung quan điểm, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cũng cho biết khả năng tái nhiễm là hoàn toàn có thể, tuy nhiên thời gian bao lâu tùy thuộc vào từng cá nhân, chủng virus, nếu nhiễm biến chủng khác thì nhanh hơn. Cũng vì thế, dù đã mắc Covid-19 người dân vẫn không nên chủ quan, vẫn cần tuyệt đối tuân thủ 5K, đặc biệt là khẩu trang.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết Bộ Y tế đang giao cho Cục Y tế Dự phòng cùng với các viện Pasteur, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiến hành nghiên cứu đánh giá về việc mắc Covid-19 sau tiêm vaccine cũng như việc tái nhiễm. Việc này phải một thời gian nữa mới có kết quả.

"Những ngày qua chúng ta thấy tỷ lệ ca mắc mới tại nước ta rất cao trên 140.000 ca/ngày, có ngày gần 180.000 nhưng tỷ lệ chuyển từ thể nhẹ sang thể nặng, từ nặng sang tử vong giảm rất rõ rệt. Dù vậy, người dân vẫn không nên chủ quan, ngay cả khi đã tiêm vaccine, nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, số ca mắc có thể tăng cao", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Ngoài ra, gần đây đã xuất hiện những biến thể phụ của biến chủng Omicron, vì thế, khả năng lây nhiễm trong cộng đồng vẫn có thể xảy ra.

 -->> Mắc Covid-19 đã uống Molnupiravir có được dùng tiếp khi tái nhiễm không?