Người đã mắc biến thể phụ BA.1, BA.2 vẫn có thể nhiễm BA.4, BA.5

Theo WHO, biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10 - 13%, những người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5.

Ngày 1/7, tại cuộc tọa đàm "Tại sao phải tiêm mũi 3, mũi 4 phòng Covid-19?" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) biến thể phụ BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1, BA.2 từ 10 - 13%.

Hai biến thể này có thể thoát miễn dịch, nghĩa là những người đã mắc BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5.

GS Lân cũng cho biết, hiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường.

GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) 

"Từ dự báo đối với SARS-CoV-2 là bản chất của nó có sự tiến hóa khôn lường và nếu trong phạm vi đột biến vừa phải, nó trở thành biến thể mới, thậm chí có thể biến thể nhiều hơn nữa, có thể trở thành biến chủng. Có nghĩa là SARS-CoV-3, 4 có thể xuất hiện", GS Lân chia sẻ.

GS Lân phân tích, hiện nay ở Việt Nam chủ yếu các ca Covid-19 mắc biến thể BA.2 và đã được chúng ta kiểm soát tốt. Nhờ có việc tiêm vaccine Covid-19 rộng rãi nên dù các ca mắc BA.2 rất cao nhưng hầu hết là các ca bệnh nhẹ và ít tử vong.

Tuy nhiên, hiện Việt Nam đã phát hiện được nhiều ca mắc biến thể BA.5. Hơn nữa, việc đi lại bình thường, giao thương, du lịch khắp nơi như hiện nay thì việc BA.5, BA.4 xâm nhập và phát triển chỉ là vấn đề thời gian.

PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho biết, theo tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, biến thể BA.4, BA.5 đã lan nhanh trên toàn cầu với 6 khu vực WHO đang giám sát. Trong tuần qua, biến thể BA.4, BA.5 chiếm đến 55% trong tổng số mẫu toàn cầu.

"Đây là một vấn đề đáng lo ngại. Tại Singapore, theo thông báo của WHO, có đến 45% các trường hợp nhiễm Covid-19 trong cộng đồng liên quan đến biến thể BA.4, BA.5.

Những người đã mắc biến thể BA.1, BA.2 vẫn có thể mắc lại BA.4, BA.5 (Ảnh minh họa)

Những biến thể này lây lan nhanh hơn và tỷ lệ tử vong hay tỷ lệ bệnh nặng không có sự khác biệt. Tuy nhiên, vẫn phải lưu ý đến tỷ lệ tử vong, tỷ lệ mắc bệnh nặng liên quan đến nhóm người già và nhóm có yếu tố nguy cơ bệnh nền.

Nếu thời gian tới biến biến thể BA.4, BA.5 lây lan nhanh sang cộng đồng thì trẻ em cũng sẽ bị mắc hai biến thể này. Nguy cơ trẻ bệnh nặng sẽ cao hơn nếu như không được tiêm vaccine Covid-19", PGS Điển nhận định.

Chiều 1/7, tại cuộc họp báo quý 2/2022 của UBND TP.Hà Nội, ông Vũ Cao Cương, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội ghi nhận số ca mắc trung bình là 180 ca/ngày, giảm rất mạnh so với vài tháng trước đây.

Tuy nhiên, đáng chú ý, kết quả giải trình tự gene của Bệnh viện Bạch Mai có 3 người tại Hà Nội nhiễm biến chủng BA.5. Đây là biến chủng phụ của Omicron, có khả năng lây nhiễm nhiều hơn các biến chủng khác như BA.1, BA.2 nhưng mức độ nặng hay không chưa có bằng chứng rõ ràng.

Theo ông Cương, các triệu chứng của 3 ca trên là nhẹ hoặc không triệu chứng.

-->> 6 triệu chứng của người nhiễm biến chủng BA.5