Khám rụng tóc, trai trẻ tá hỏa phát hiện bệnh khó nói sau tình một đêm

Thấy tóc rụng nhiều và tay chân xuất hiện một vài nốt mẩn đỏ, nam thanh niên đi khám được chuẩn đoán mắc giang mai từ nguyên nhân anh không thể ngờ.

Anh Minh Nhật (tên nhân vật đã được thay đổi), 29 tuổi ở Hải Dương cho biết, cách đây 2 tháng anh có quan hệ tình dục với người lạ nhưng không dùng biện pháp bảo vệ. Từ lần đó anh cũng không liên lạc với đối phương. Tuy nhiên, sau quan hệ 2 tuần, anh Nhật thấy có vết trợt xuất hiện ở vùng kín nhưng sau biến mất nên anh không để ý nhiều. 

Thời gian gần đây, vì tóc rụng nhiều, lòng bàn tay và lòng bàn chân xuất hiện một số nốt mẩn đỏ nên anh Nhật quyết định đi khám tìm hiểu lý do rụng tóc.

Lòng bàn tay và chân của bệnh nhân xuất hiện nhiều nốt mẩn đỏ (Ảnh: BSCC)

Trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân, BSCKII Nguyễn Tiến Thành – Thành viên Hội Da liễu Việt Nam cho biết, dựa vào các xét nghiệm, anh Nhật được chuẩn đoán mắc bệnh giang mai ở thời kỳ thứ 2.

“Nhận kết quả, bệnh nhân bàng hoàng, không tin mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục mà nghĩ rụng tóc do nấm da đầu hay gặp vấn đề về nang tóc", bác sĩ Thành nói. 

Lý giải về điều này, bác sĩ Tiến Thành cho hay nguyên nhân xuất hiện bệnh lý giang mai là một bệnh nhiễm trùng do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây nên. Con đường lây lan bệnh này chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn. 

Theo bác sĩ Thành, hình ảnh lâm sàng thực tế của bệnh giang mai rất đa dạng, phong phú tùy theo từng giai đoạn của bệnh. 

Giang mai thời kỳ thứ nhất: Các thương tổn thương xuất hiện sau khoảng 3-4 tuần bị lây, đặc trưng của thời kỳ này là săng với các biểu hiện như một vết trợt nông, hình tròn hay bầu dục, không có gờ nổi cao, màu đỏ thịt tươi và có nền cứng.

Biểu hiện mắc giang mai thời kỳ thứ nhất (Ảnh minh họa)

Giang mai thời kỳ thứ 2: Thời kỳ này bắt đầu khoảng 6-8 tuần từ khi có săng với các biểu hiện lâm sàng như: Đào ban (các dát đỏ hồng rải rác ở thân mình); mảng niêm mạc; viêm hạch lan tỏa; rụng tóc kiểu “rừng thưa”.

Giang mai thời kỳ thứ 3: Thời kỳ này bắt đầu vào năm thứ 3 của bệnh với các biểu hiện lâm sàng như: “Gôm” giang mai ở da, cơ, xương; thương tổn tim mạch (giang mai tim mạch); thương tổn thần kinh gây bại liệt (giang mai thần kinh).

“Bệnh nhân mắc giang mai không chỉ gây nên những tổn thương cho bản thân mà còn dễ lây truyền sang cho vợ/chồng/bạn tình. Giang mai gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, hạnh phúc gia đình, gây nên tình trạng sứt mẻ, vợ chồng nghi kỵ không tin tưởng nhau, dẫn đến đổ vỡ trong hôn nhân”, vị bác sĩ nói.

Qua trường hợp trên, bác sĩ Thành khuyến cáo cần thực hiện xét nghiệm giang mai cho tất cả phụ nữ mang thai vào lần khám thai đầu tiên sử dụng test nhanh giang mai để phát hiện, điều trị sớm, ngăn ngừa lây truyền giang mai từ mẹ sang con. 

Tăng cường truyền thông giáo dục cho cộng đồng, đặc biệt quần thể nguy cơ cao (gái mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới) về nguyên nhân gây bệnh, đường lây, biến chứng, cách phòng bệnh, lợi ích của việc xét nghiệm và điều trị sớm

Thực hiện lối sống lành mạnh, chung thủy một vợ, một chồng. Đồng thời thực hiện hành vi tình dục an toàn, tình dục có biện pháp bảo vệ (sử dụng bao cao su).

Không sử dụng vật dụng cá nhân như khăn tắm, bàn chải đánh răng… tránh trường hợp dịch nhầy, máu, mủ có xoắn khuẩn giang mai của người bệnh lây cho người lành.

Đối với trường hợp giang mai bẩm sinh, mẹ cần kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai, nếu phát hiện giang mai thì không nên có kế hoạch mang thai. Mẹ đang mang thai bị giang mai cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, trong trường hợp này mẹ cần sinh mổ để tránh lây nhiễm cho con.

 -->> 7 cách tự nhiên cải thiện rối loạn cương dương