Dùng mạng xã hội bán hàng online thu tiền triệu mỗi ngày giữa mùa dịch

Chủ các cửa hàng kinh doanh ăn uống tại thành phố Nam Định cho hay, ngày thường bán được khoảng 60 - 70 đơn hàng/ngày họ có thể thu lãi khoảng 1 - 2 triệu đồng thì nay dịch bệnh thu nhập cũng chỉ giảm khoảng 10 - 20% nhờ biết cách sử dụng mạng xã hội để bán hàng online.

Các đợt dịch COVID-19 bùng phát đã gây tác động không nhỏ đến các hoạt động kinh doanh ăn uống, dịch vụ du lịch, vận tải, giải trí... Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh uy, UBND tỉnh, các cửa hàng dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố Nam Định đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Để linh hoạt khắc phục tình trạng khó khăn trong kinh doanh giai đoạn này, một số cửa hàng đã chủ động các biện pháp để thích ứng như bán hàng online qua mạng, giao hàng tận nhà và bán tại cửa hàng cho khách mang về. Đây là một trong những cách làm mang lại hiệu quả “kép” vừa thực hiện  phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vừa đảm bảo ổn định thu nhập cho các hộ kinh doanh ăn uống.

Một cửa hàng bán đồ ăn sáng trên đường Minh Khai, thành phố Nam Định chủ động chỉ bán hàng cho khách mang về trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Hiện các mặt hàng như xôi, cháo, bún, phở, lẩu, đồ ăn vặt, trà sữa, sữa chua… là những mặt hàng được ưa chuộng và đều có thể đặt online. Thậm chí những thực phẩm như: Rau, củ, quả, trứng, thịt lợn, thịt gà, cá, tôm… đều được người bán linh hoạt sử dụng cách bán hàng online phù hợp. Mặc dù bán hàng ship tận nơi nhưng giá thành cơ bản không thay đổi mà vẫn được người bán giữ nguyên mức giá, các chủ cửa hàng chỉ tính thêm phí giao hàng từ 5 - 10 nghìn đồng/đơn tùy vào số lượng và đoạn đường giao hàng.

Trên các tuyến phố trung tâm như Nguyễn Du, Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong đều áp dụng hình thức bán hàng qua mạng, giao tận nhà hoặc bán tại cửa hàng cho khách mang về.

Quán cà phê Bụi Phố tại Quang Trung chỉ bán mang về. 

Các chủ cửa hàng đều sử dụng mạng xã hội facebook, zalo… đăng tải các hình ảnh đồ ăn kèm thông tin nhận ship hàng tận nơi. Đối với một số chủ cửa hàng đã lớn tuổi, không am hiểu về công nghệ thông tin lại lựa chọn phương án treo biển với nội dung “Bán hàng mang về” hoặc “Giao hàng tận nhà theo yêu cầu” cùng với số điện thoại liên hệ.

Chủ cửa hàng quán phở gia truyền trên phố Hai Bà Trưng cho biết: “Trước kia tôi chủ yếu bán tại cửa hàng, việc giao đồ tận nơi chỉ thực hiện khi có thời gian và khách quen. Khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tôi chỉ bán online, khách đặt là giao hàng tận nhà. Nếu như ngày thường có thể bán khoảng 60 - 70 đơn hàng/ngày thu lãi khoảng 1-2 triệu đồng, thì giờ đây dịch bệnh cũng chỉ giảm khoảng 10 - 20%, không ảnh hưởng nhiều so với trước đây. Khi ra ngoài giao hàng hoặc bán cho khách mua ở cửa hàng mang về tôi đều tuân thủ đúng các nguyên tắc phòng dịch bệnh là đeo khẩu trang, găng tay và sử dụng cồn sát trùng để rửa tay… vừa bảo vệ sức khỏe cho mình, vừa đảm bảo an toàn cho khách mua hàng”.

Quán phở gia truyền trên phố Hai Bà Trưng không phục vụ khách ngồi tại quán. 

Quán Kem xôi, 132 Nguyễn Du đã nổi tiếng khắp Nam Định hơn 20 năm nay, mỗi ngày đều có trăm lượt khách xếp hàng ăn kem nhưng nay cũng áp dụng hình thức bán hàng mang về. Chủ quán cho biết, mặc dù phải chấp nhận doanh thu sẽ giảm hơn so trước nhưng chị đặt an toàn của bản thân và khách hàng lên trên hết.

Cửa hàng kem xôi nổi tiếng trên phố Nguyễn Du thực hiện nghiêm chỉnh quy định phòng chống dịch. 

Kinh doanh online không phải hình thức kinh doanh mới lạ nhưng vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 như hiện nay thì đây chính là cơ hội để các cửa hàng áp dụng công nghệ 4.0 vào kinh doanh.

Có những hộ gia đình, cả nhà cùng hỗ trợ nhau bán hàng online. Mẹ trực tiếp là người nấu nướng, làm bánh, bố là người đóng gói sản phẩm, các con nhận nhiệm vụ chốt đơn hàng, trả lời tin nhắn của khách. Mỗi người một việc, vừa giúp tăng thu nhập cho gia đình, vừa khiến các thành viên trong nhà gắn kết với nhau hơn.  

Vì nhiều cửa hàng tập trung bán mang về hoặc bán hàng online nên lượng khách hàng đặt đồ ăn tăng hơn hẳn so với ngày thường, những người giao hàng phải tăng thời gian hoạt động. Anh Ninh Trọng Đức, một nhân viên giao hàng cho biết: “Thời điểm trưa và tối, lượng khách đặt đồ ăn online tăng cao hơn trước khoảng 10-30%. Dù công việc rất vất vả nhưng chúng tôi luôn ý thức phải chủ động để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như khách hàng”.

Chị Lê Ngọc Ánh sống tại Phù Nghĩa, Nam Định cho biết, trước đây, hầu như cuối tuần nào chị cũng đến các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại để mua sắm, vui chơi. Nhưng từ khi có dịch bệnh COVID-19, thực hiện các văn bản chỉ đạo của tỉnh, hạn chế tập trung đông người, không ra ngoài khi không cần thiết nên ngoài giờ đi làm chị thường về nhà ngay và hạn chế ra ngoài.

Chị chia sẻ: “Tôi thấy việc mua sắm online cũng là một giải pháp hữu hiệu trong mùa dịch bệnh, vì không phải đi lại nhiều, sau thời gian chọn lựa, hàng hóa đã được giao tận nhà”.

Công tác phòng, chống dịch COVID-19 đang được chính quyền các cấp và người dân chung tay thực hiện với tinh thần quyết liệt. Dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, không chỉ các quán ăn uống chủ động thích nghi giữa mùa dịch mà bản thân mỗi người dân cần thay đổi thói quen, nếp sinh hoạt để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

-> Mua 2 tấn vải thiều Bắc Giang tặng cho người qua đường

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ