Đồ uống có cồn làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư

Uống đồ uống có cồn làm tăng nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư miệng, họng, thực quản, ruột, gan và vú.

Tỷ lệ mắc các bệnh ung thư đường miệng ở những người uống đồ uống có cồn cao gấp sáu lần so với những người không uống.

Không chỉ uống nhiều mới làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Thậm chí uống một lượng đồ uống có cồn nhỏ cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư này, và bạn càng uống nhiều thì nguy cơ càng cao.

Cancer Council khuyên rằng, để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, bạn nên hạn chế hoặc tránh uống đồ uống có cồn. Bạn chỉ nên uống tối đa hai ly tiêu chuẩn một ngày.

Một ly tiêu chuẩn là:

100mL rượu

30mL (một cốc nhỏ) rượu mạnh

60mL (hai cốc nhỏ) rượu nâu

285mL (cốc vừa) bia nồng độ vừa

450mL (một cốc cao) bia nồng độ thấp (nhẹ)

220-250mL nước soda có cồn pha sẵn

 

Bia, rượu và rượu mạnh đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, theo một vài nghiên cứu.

Không nên uống một lượng lớn đồ uống có cồn một lúc hoặc uống say. Nếu bạn uống đồ uống có cồn, tốt hơn nên uống lượng nhỏ.

Một điều đã được biết từ lâu là hút thuốc có hại cho sức khỏe. Giờ chúng ta đã biết ảnh hưởng kết hợp của việc hút thuốc và uống đồ uống có cồn làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh ung thư. Trong thực tế, khi một người vừa uống đồ uống có cồn vừa hút thuốc, ảnh hưởng kết hợp sẽ vượt rất xa mức độ rủi ro của từng yếu tố này.

Đồ uống có cồn có chứa rất nhiều kilojun (hay calori) vì thế nó có thể dễ dàng làm tăng cân nặng. Thừa cân cũng là một yếu tố rủi ro gây ra một số loại bệnh ung thư, bao gồm ung thư thận, thực quản, vú và ruột.

Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh

Sẽ có lợi cho mỗi người nếu có chế độ ăn uống khoẻ mạnh. Đối với bệnh nhân ung thư chế độ dinh dưỡng tốt thậm chí còn quan trọng hơn vì bệnh tật và quá trình điều trị có thể làm giảm khả năng ăn uống của bạn. Chúng cũng có thể điều chỉnh khả năng tiếp nhận thực phẩm của cơ thể đối với một số loại thức ăn và chỉ tiếp nhận một số chất dinh dưỡng nhất định.

Hãy cố gắng chọn các miếng thịt nạc hoặc thịt gà, ăn nhiều cá hơn và đảm bảo ăn nhiều loại thức ăn có nguồn gốc thực vật như hoa quả, rau và ngũ cốc nguyên hạt.

Các loại rau quả có lẽ hữu ích nhất trong việc giúp duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh. Điều này là vì các loại rau quả chứa ít năng lượng (kilojun hoặc calori) và giàu chất xơ, khiến chúng ta thấy no hơn và có thể giúp chúng ta ăn ít hơn. Bệnh thừa cân và béo phì là một yếu tố rủi ro lớn đối với một số loại ung thư – ruột, thực quản, thận, tuyến tụy, và ung thư vú hậu mãn kinh.

Phương Vũ (tổng hợp)