Cụ bà 78 tuổi viết nhật ký kể con cháu chuyện bà và mẹ thời chiến

Thay vì những lời kể hàng ngày, bà Nguyễn Thị Thanh Dung tuy đã 78 tuổi vẫn hàng ngày viết nhật ký hồi tưởng về bà ngoại và mẹ để lại cho con cháu mai sau.

Dù đã gần 80 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Thanh Dung, sống tại Quảng Bình vẫn giữ thói quen viết nhật ký. Nói về việc làm như một thói quen nhiều năm bà Dung cho hay, viết nhật ký là cách bà trải lòng để lưu giữ những kỷ niệm cuộc đời và cũng là cách để bà răn dạy con cháu sống sao cho đúng, cho đẹp.

Vì thế cuốn nhật ký dày trang của bà là những câu chuyện về người thân trong gia đình trong đó nổi bật lên hình ảnh người mẹ, người bà tần tảo, cả đời vì con cháu.

Bà Nguyễn Thị Thanh Dung, 78 tuổi. 

Bà ngoại chắt chiu từng đồng cưu mang các cháu ăn học

Nhớ lại những chuyện xưa bà Dung kể, những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ở lại vùng tạm chiến, 2 anh em bà sống cùng mẹ và ông bà ngoại.

Ngày ấy, bà Dung vẫn là một đứa trẻ nhưng đã thấm được những nỗi vất vả đè nặng lên đôi vai của 2 người phụ nữ trong nhà.

“Mẹ thì quang gánh trên vai hết đi chợ xa lại chợ gần, tần tảo để kiếm tiền nuôi gia đình 5 người, ở nhà việc ăn uống học hành của các cháu bà ngoại chăm lo quán xuyến.

Để bù đắp tình cảm thiếu vắng của ba, 2 anh em tôi luôn luôn được sống trong sự yêu thương, đùm bọc của ông bà ngoại.

Để đề phòng bọn mật thám, chỉ điểm ban đêm lấy cớ vào nhà lục soát, tìm kiếm ba tôi, ông bà thức suốt, giấc ngủ ngày nào cũng chập chờn lo lắng nên ngoại đau ốm triền miên” – bà Dung viết.

Bà Dung viết nhật ký để kể chuyện với con cháu về bà ngoại 

Cuộc sống ngày một khó khăn, bà ngoại của bà Dung phải ra chợ Thị xã Đồng Hới bán hàng tạp hóa để cưu mang đàn cháu đang tuổi ăn học.

Bà kể lại: “Những dịp Tết Nguyên đán, Ngoại thức suốt đêm cùng mẹ làm các loại mứt, bánh để sáng mai kịp bán. Những năm tháng đó Ngoại đã dạy tôi rất nhiều về nữ công gia chánh nên khi có gia đình tôi tự tin hơn. Các em đứa nào đến Tết bà cũng may cho quần áo mới, chúng sướng vui lắm.

Năm 1957 anh trai tôi tốt nghiệp cấp 2. Ba mẹ tôi bảo anh khi nào Quảng Bình có cấp 3 sẽ đi học tiếp. Bà ngoại kiên quyết: “Bà sẽ cho tiền, biết khi nào có trường mà chờ”.

Nhờ có Ngoại anh được đi học ở trường Phan Đình Phùng, Hà Tĩnh. Đến tháng Ngoại mở tủ lấy ra từng đồng bạc đếm đi đếm lại rồi bảo tôi: “Đi gửi ngay cho anh kẻo tối”.

Thì ra hàng ngày đi chợ, lời lãi bao nhiêu không biết, tối bà lại mở tủ bỏ vào hộp đều đặn. Là con nhà nghèo, sống xa quê với số tiền dành dụm của Ngoại, anh chỉ đủ tiền cơm, các khoản sinh hoạt khác anh được các anh chị lớn tuổi giúp đỡ”.

Trong ký ức của bà Dung, bà ngoại là người hiền lành, hết mực yêu thương con cháu

Vui sướng được gặp Bác Hồ khi nằm trên giường bệnh

Năm tháng qua đi hơn mấy chục năm nhưng bà Dung vẫn nhớ mãi nét mặt rạng rỡ, sung sướng và tự hào khi bà ngoại được gặp Bác Hồ: “Mệ được nhìn thấy tận mắt Bác Hồ rồi, Bác hơi gầy nhưng phúc hậu lắm”.

Đó là ngày 16/6/1957, sau ngày lặp lại hòa bình ở miền Bắc. Bác đã đến Bệnh viện Quảng Bình bên dòng sông Nhật Lệ thăm bệnh nhân trong đó có bà ngoại bà đang nằm điều trị ở khoa nội.

Kể lại chuyện này bà Dung viết: “Ngoại cảm thấy thật diễm phúc và mãn nguyện, một bà già quanh năm suốt tháng chỉ biết lo cho đàn cháu nay tận mắt được thấy Bác Hồ làm sao không vui, không tự hào. Niềm vui lan tỏa, tôi ôm Ngoại và thầm mong Ngoại chóng khỏe để sớm ra viện”.

Anh chị em nhà bà Dung tụ họp trong ngày giỗ bà ngoại. 

Tâm sự với mẹ qua những trang nhật ký

Viết về mẹ, bà Dung luôn dành những từ ngữ ngọt ngào, yêu thương nhất. Mẹ đã đi xa hơn 20 năm nhưng nét mặt, nụ cười, giọng nói, dáng đi và cách hút thuốc cuộn cả ngọn của mẹ chưa bao giờ phai mờ trong ký ức bà Dung.

“Ba thoát ly gia đình lên chiến khu tham gia kháng chiến, mạ lúc đó hơn 30 tuổi. Tuy lam lũ với nắng mưa nhưng mạ vẫn khỏe, vẫn đẹp từ ánh mắt, nụ cười. Là vợ của 1 Việt Minh nên bọn mật thám chỉ điểm thường lấy lý do ban đêm vào nhà lục soát xem ba có về không để ve vãn mạ. Dụ dỗ không được, có lần bắt mạ lên đồn hỏi vu vơ nhưng mạ vẫn không sợ, một lòng son sắt chờ ngày ba trở về”.

Bằng chất giọng Quảng Bình, bà Dung xúc động khi nói về mẹ: "Mạ đã dồn tất cả tình yêu thương để bù đắp, nuôi dưỡng tâm hồn thơ trẻ của 2 anh em bằng những câu chuyện kể về ba. Tình yêu của mạ đối với ba thật sâu sắc, mặn nồng xen lẫn niềm tự hào, kính trọng".

Tình mẫu tử, tình yêu thương vô bờ của người mẹ để tiếp sức mạnh cho anh em bà Dung vượt qua những ngày tháng gian khổ, thiếu thốn. Đến khi trưởng thành, lập gia đình, sinh con, bà Dung vẫn có mẹ đồng hành từng bước, sẻ chia cay đắng ngọt bùi.

Bà Dung chụp ảnh cùng mẹ và con trai út. 

“Mạ ơi, con nhớ mãi ngày 14/8/1967, ngày cháu ngoại Kiều Oanh cất tiếng khóc chào đời. Ngày hôm đó Mỹ ném bom vào giữa làng. Nhà cháy, người chết, tiếng la hét gào khóc thảm thiết, mùi khói bom đạn nồng nặc bao trùm thôn xóm, cây cối đổ ngổn ngang chắn hết lối đi. Thế mà, sau những giờ phút tang thương, hoảng hốt, người còn run cầm cập nhưng vì con mạ đã vượt qua tất cả để chạy đi tìm hộ sinh về đỡ đẻ cho con”, bà ghi nhật ký.

Sự hy sinh vất vả cả đời của Ngoại, của mẹ như biển hồ lai láng đã chắt chiu, nuôi dưỡng cho anh em bà Dung có được cuộc sống như ngày hôm nay. Và với bà, mỗi khi nhớ về mẹ về người bà đã đi xa bà lại lật dở từng trang nhật ký để gửi gắm những tình cảm, câu chuyện vào đó để truyền lại cho thế hệ sau biết và yêu thương, trân trọng hơn.