Cần có quy định riêng về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong gia đình

Các ĐBQH cho rằng bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam khi nhiều vụ việc có mức độ nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, khó lường...

Bạo lực gia đình là vấn đề nhức nhối, nan giải

Thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), nội dung được nhiều đại biểu cho ý kiến tập trung vào việc hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình; phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008. Sau gần 15 năm thực hiện, Luật đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao bình đẳng giới trong gia đình.

Đại biểu Vương Thị Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận (Ảnh: Quốc Hội).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc xuất hiện những hành vi bạo lực gia đình có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành. Dữ liệu thống kê, nghiên cứu về bạo lực gia đình do các cơ quan, tổ chức thực hiện cho thấy những bức tranh hết sức phức tạp, thậm chí còn mâu thuẫn với nhau.

Tại Phiên thảo luận ở Tổ về dự án Luật, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ ý kiến về vấn đề hòa giải trong hoạt động hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình tại Điều 20, 21, 22; phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình. Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại Tổ 8 tập trung cho ý kiến về việc hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình; phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình.

Các ĐBQH ở Tổ 8 thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Cho ý kiến về việc hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình, đại biểu Vương Thị Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) băn khoăn khi xảy ra hành vi bạo lực gia đình thì gia đình, cơ quan, tổ chức, tổ hòa giải tiến hành hòa giải nhưng trường hợp người bạo hành không đến thì giải quyết thế nào?

"Trong thực tế đã có không ít vụ việc hòa giải gần như không đạt được kết quả khi chỉ có duy nhất nạn nhân – người bị bạo lực gia đình một mình trình bày, một mình nói nguyện vọng, còn đối tượng chính là người có hành vi bạo lực gia đình lại không có mặt. Có cần có biện pháp nào để cưỡng chế hay không? Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các điều kiện đảm bảo cho công tác hòa giải", đại biểu Vương Thị Hương nói.

Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình rất quan trọng

Góp ý Luật Phòng chống bạo lực gia đình, cụ thể là các quy định về phòng chống bạo lực trẻ em trong gia đình, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho rằng, trong thời gian qua, mặc dù công tác phòng chống bạo lực gia đình nói chung và bạo lực đối với trẻ em nói riêng đã được quan tâm chỉ đạo, cải thiện nhưng số lượng các vụ việc bạo lực đối với trẻ em trong môi trường gia đình vẫn còn ở mức cao và trong thời gian gần đây có nhiều vụ việc đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) đóng góp ý kiến về Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Do đó, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong môi trường gia đình là rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em trong tương lai cũng như xây dựng những gia đình văn hoá, gia đình không bạo lực trong tương lai.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa đưa ra ví dụ về hành vi phát tán thông tin về đời tư của người bị bạo lực gia đình, Điều 3 dự thảo Luật quy định: là hành vi truyền bá thông tin về nhân thân, chỗ ở, nơi làm việc của người bị bạo lực gia đình hoặc của người đại diện theo pháp luật của người đó.

Tuy vậy, đối với các trường hợp người bị bạo lực gia đình là trẻ em thì các thông tin cần giữ kín không chỉ về nhân thân, chỗ ở mà còn là trường học, hình ảnh và các thông tin định danh liên quan khác của trẻ.

Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho rằng, cần có quy định riêng về đối tượng bị bạo lực gia đình là trẻ em. Để có cơ sở nhận biết nạn nhân bạo lực gia đình, trong đó có trẻ em thì cần sàng lọc nạn nhân bị bạo lực gia đình tại các cơ sở y tế.