Bỏ thuốc lá để trọn vẹn làm cha

Không chỉ gây ra những hệ lụy về sức khỏe cho người hút thuốc, khói thuốc lá còn ảnh hưởng đến bà bầu, đặc biệt làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung.

ThS.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, 9 tháng 10 ngày mang thai đứa con nhỏ trong bụng là khoảng thời gian cực kỳ thiêng liêng nhưng vô cùng nhạy cảm đối với người phụ nữ. Sức khỏe của cả mẹ và bé rất dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố từ bên ngoài môi trường như vi rút, vi khuẩn, khói bụi, khí thải… và đặc biệt là khói thuốc lá.

“Làn khói trắng ngoài sự cám dỗ đến chết người còn là tác nhân nguy hiểm cho những người xung quanh khi vô tình tiếp xúc với nó. Thật sự rất nguy hiểm nếu bà bầu hít phải khói thuốc lá”, bác sĩ Thành cảnh báo.

Bà bầu hít khói thuốc lá làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung (Ảnh minh họa)

Theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động.

Điều đáng nói, khói thuốc lá chứa trên 7000 chất độc hại khác nhau như chất gây nghiện, gây độc tế bào, gây đột biến gen… và 69 chất gây ung thư. Do đó, khi hút thuốc lá, người hút đã vô tình đưa hàng ngàn các chất độc hại vào trong cơ thể. Các chất độc hại này tích tụ lâu ngày gây ra hàng loạt căn bệnh nguy hiểm như: tăng nguy cơ ung thư, mắc các bệnh tim mạch, phổi,…

Đặc biệt, phụ nữ mang thai lại là đối tượng thường có sức đề kháng yếu hơn bình thường. Dù là hút thuốc lá chủ động hay thụ động (tiếp xúc với khói thuốc từ người khác hút) thì các bà mẹ đang mang thai đều có thể phải đối mặt với những vấn đề thai sản nghiêm trọng. Trong đó, phải kể đến là tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung.

Bác sĩ Thành cho hay, trong quá trình thụ thai, nếu bà bầu hút thuốc hoặc ngửi mùi khói thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung. Đây là một trong những bệnh lý phụ khoa cấp tính, có thể đe dọa đến tính mạng cũng như sức khỏe phụ nữ nếu không được điều trị kịp thời.

“Việc mang thai ngoài tử cung hiện nay xảy ra khá nhiều, đây là hiện tượng thai sau khi làm tổ không vào tử cung mà bám vào ống dẫn trứng, cổ tử cung hay có thể rơi vào khoang bụng”, vị bác sĩ chia sẻ.

Theo nghiên cứu, có nhiều nguyên nhân mang thai ngoài tử cung, nhưng đáng chú ý nhất vẫn là nhân tố khói thuốc lá. Bởi lẽ, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hút thuốc làm tăng nguy cơ chửa ngoài tử cung lên từ 2-4 lần.

“Trong quá trình thụ thai, nếu mẹ bầu có thói quen hút thuốc hoặc tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá, chất nicotine và các chất độc khác có trong khói thuốc lá khi vào cơ thể mẹ sẽ làm hỏng các nhung mao trên thành ống dẫn trứng gây tê liệt và khó khăn trong quá trình trứng tiến về tử cung. Điều này có thể khiến trứng làm tổ ở vòi hoặc phát triển ngay ngoài thành tử cung”, bác sĩ Thành lý giải.

Khói thuốc lá chứa trên 7000 chất độc hại khác nhau và 69 chất gây ung thư (Ảnh minh họa)

Không thể phủ nhận rằng, việc mang thai ngoài tử cung ảnh hưởng rất lớn đến đến sức khỏe và khả năng sinh sản sau ngày của người phụ nữ. Nhiều chị em phụ nữ bị chửa ngoài tử cung phải cắt bỏ 1 bên vòi trứng của mình. Bên cạnh đó, một số người phụ nữ sau khi có thai lại tiếp tục xảy ra hiện tượng thai nhi phát triển bên ngoài tử cung.

Theo các số liệu thống kê, có đến 15% phụ nữ gặp phải tình trạng như vậy. Chửa ngoài tử cung sẽ gây ra tình trạng vô sinh hiếm muộn do tắc 2 vòi trứng của người phụ nữ. 

Do đó, bác sĩ Phan Chí Thành nhắn nhủ, để hưởng niềm vui vẹn tròn được làm cha, làm mẹ và sinh ra những em bé khỏe mạnh thì mỗi người, đặc biệt là nam giới, cần phải từ bỏ thuốc lá. Phụ nữ, nhất là phụ nữ đang mang thai, cần tránh xa những nơi có hút thuốc để tránh nhiễm bệnh từ khói thuốc lá thụ động.

“Trong trường hợp sức khỏe mẹ bầu có dấu hiệu bất thường cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để có thể thăm khám một cách hiệu quả nhất. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp bạn phát hiện bệnh sớm từ đó đưa ra những biện pháp xử trí phù hợp hơn cho từng đối tượng”, bác sĩ Thành khuyến cáo.

-->> Tăng gấp đôi nguy cơ vô sinh, hiếm muộn vì thuốc lá