Bên trong biệt thự 100 năm tuổi từng xuất hiện trong phim “Hà Nội mùa đông năm 46”

Nằm giữa lòng Hà Nội, ngôi nhà cổ 800m2 ở phố Hàng Bè gây chú ý với kiến trúc đặc biệt và từng là bối cảnh của nhiều bộ phim nổi tiếng.

Nằm ngay trên con phố vào loại đắt đỏ bậc nhất Hà Nội, ngôi nhà có tuổi đời hơn 100 năm nổi bật với nét rêu phong cổ kính được xây dựng năm 1925 bởi cụ Trương Trọng Vọng, một doanh nhân thầu khoán giàu nức tiếng Hà Thành thế kỷ XX. Năm tháng trôi qua, ngôi nhà đắt tiền vẫn giữ được trọn vẹn tổng thể từ nội thất bên trong đến thiết kế bên ngoài.

 Cổng vào được xây theo kiểu tò vò, nét văn hóa truyền thống của người Việt 

 Căn nhà được xây dựng năm 1925 bởi cụ Trương Trọng Vọng, một doanh nhân thầu khoán giàu nức tiếng Hà Thành thế kỷ XX

Nhìn từ bên ngoài, ngôi nhà nổi bật với màu vàng chói

 Phần cột trụ hành lang là những tảng đá lớn nguyên khối với những nét chạm khắc tinh xảo

Ngôi nhà có lối cấu trúc xây dựng theo hình chữ khẩu cùng với một hệ thống giếng trời, sân vườn… Đây chính là điểm làm nên nét độc đáo “có một không hai” của ngôi nhà không nhầm lẫn với những ngôi nhà cao tầng khác trong khu phố.

Cô Lê Thanh Thủy (65 tuổi), hậu duệ đời thứ 3 hiện tại là chủ ngôi nhà cho biết: “Để xây dựng được ngôi nhà , ông ngoại cô đã phải tính toán rất kỹ trong việc lựa chọn hướng gió. Ông còn bỏ nhiều công sức chọn lựa gỗ quý, chủ yếu là gỗ lim cổ thụ vì chỉ có loại gỗ này mới đáp ứng được lối thiết kế cổ điển và đảm bảo được đặc tính đông ấm - hè mát.”  

 Bên ngoài hành lang được trồng nhiều cây cảnh tạo không gian thoáng mát

     Nét kiến trúc thế kỷ XX được thể hiện rõ qua cách cách trang trí bên ngoài

Được đánh giá cao về thẩm mỹ, từ một ngôi nhà cá nhân nơi đây trở thành bối cảnh của rất nhiều bộ phim nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới. Đáng chú ý là  bộ phim được khai máy đầu tiên ở đây mang tên “Hà Nội mùa Đông năm 46” của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Tiếp đó là các bộ phim như: Tuổi thanh xuân, Mùa lá rụng trong vườn, Khép mắt chờ ngày mai, Hương ngọc lan...

“Có những đoàn phim họ khảo sát đến hàng chục căn nhà cổ để tìm địa điểm quay và sau đó vẫn quyết định chọn biệt thự nhà cô” - Cô Thủy nói.

Có nhiều người đến rồi đi, nhưng thỉnh thoảng họ vẫn quay lại chơi để trò chuyện và chiêm ngưỡng căn biệt thự của đại gia Hà Thành. Bởi lẽ “hiếm có ngôi nhà nào lại giữ được nét đẹp vương giả, sang trọng vượt thời gian đến thế” .

Nói về việc chăm nom căn nhà, cô Thủy bộc bạch: “Vì được lát bằng gỗ lim nên hầu như cô không mất công dọn dẹp nhiều, chỉ cần lau qua là sẽ bóng loáng. Hiện tại chỉ có một mình cô quản lý tất cả việc trong ngoài vì mẹ cô sức khỏe đã yếu.”

Bước vào trong là không gian sang trọng một thời thể hiện từ cách trang trí đến chất liệu

Tất cả cầu thang trong nhà đều được làm bằng gỗ lim

Chiều giường đồng này có thâm niên 80 năm hiện vẫn được gia đình sử dụng hàng ngày

Trên tường là những bức tranh đá quý Tùng Cúc Trúc Mai sang trọng

Nội thất trong nhà chủ yếu là nhập từ Hồng Kông, thời điểm đó giá trị của một bộ bàn ghế, tủ phấn hay giường ngủ nhập khẩu đã có giá bằng một căn nhà cỡ nhỏ

Đến nay dù trải qua gần 1 thế kỷ, đồ đạc trong nhà vẫn được bảo quản nguyên vẹn 

Những ồn ào, tấp nập và vội vã của phố phường Hà Nội dường như bị bỏ quên bên ngoài khi đặt chân vào sâu bên trong căn biệt thự này. Cô Thủy tâm sự: “Cô rất tự hào về căn nhà của gia đình mình. Dù cho có người trả rất nhiều tiền để yêu cầu chuyển nhượng ngôi nhà nhưng cô vẫn nhất quyết không bán”.

Giữa lòng Thủ đô, căn biệt thự như minh chứng cho một thời đã qua của dân tộc. Nó vẫn ở đó, mặc cho những thay đổi của thời gian để rồi, người Hà Nội nói riêng và du khách nói chung thấy được nét đẹp đậm chất Hà thành một thời.

-> Nhà sàn bằng gỗ lim trị giá tiền tỷ của đại gia Điện Biên