Bác sĩ Việt Đức chỉ 7 cách dự phòng bệnh tiểu đường

Hiện thế giới có hơn 500 triệu người mắc tiểu đường. Tuy vậy, hầu hết bệnh nhân tiểu đường thuộc tuýp 2 hoàn toàn có cơ hội dự phòng nó thông qua lối sống sinh hoạt.

BS Trần Quốc Khánh - Khoa phẫu thuật cột sống - Bệnh Viện Hữu Nghị Việt Đức chỉ ra rằng có 7 vấn đề quan trọng giúp dự phòng bệnh tiểu đường nên tìm hiểu và thực hành sớm nhất có thể.

Bác sĩ Trần Quốc Khánh

Giảm tối đa lượng đường và tinh bột đã qua chế biến

Đây là yếu tố căn cơ. Hiện nay nhiều người vẫn còn dung nạp quá nhiều những thực phẩm này thông qua bánh kẹo, sô cô la, kem, nước ngọt, sinh tố, bánh mì, bún, phở, pizza… Chính điều này đã làm lượng đường trong máu tăng cao liên tục dẫn đến kích thích tuyến tuỵ sản xuất hóc môn Insulin để bình chỉnh đường máu về mức bình thường.

Tuy vậy khi quá trình này kéo dài (Vì chúng ta cứ nạp đường vào liên tục) thì tuyến tuỵ sẽ không đáp ứng nổi việc sản xuất insulin để kiểm soát đường máu dẫn đến tiểu đường chính thức bắt đầu.

Giảm sử dụng thực phẩm chế biến sẵn

Cuộc sống vội vã cùng tính lười đang đưa chúng ta đến thói quen sử dụng những bữa ăn nhanh (Bánh mì, pizza, sandwich, hamberger…) cùng nước ngọt đóng chai và chính việc tiêu thụ quá nhiều những thực phẩm này sẽ làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường lên ~ 30%.

Ảnh minh họa

Cần xây dựng thói quen chuẩn bị những bữa cơm tự nấu mang đến cơ quan cũng như để các con chúng ta có những bữa ăn lành mạnh. Tạo cho con trẻ thói quen ăn hàng quán để rồi con béo phì, bệnh tật sau này là lỗi của chúng ta.

Giảm cân nặng (nếu đang tăng cân, béo phì)

Tăng cân béo phì làm tăng nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2 lên gấp 20-30 lần. Nếu ai đang thừa cân, béo phì (Tự kiểm tra được thông qua tính chỉ số BMI) và cần lên kế hoạch giảm cân ngay.

Thể dục thể thao mỗi ngày

Ảnh minh họa

Các nghiên cứu đều chứng minh rằng việc chúng ta duy trì thói quen vận động thể chất mỗi ngày giúp giảm rõ rệt nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thông qua việc tăng độ nhạy cảm của tế bào với insulin, đốt cháy lượng đường thừa và giảm cân nặng.

Tăng sử dụng hoa quả và chất xơ

Chất xơ rất có lợi cho sức khỏe đường ruột và giúp kiểm soát cân nặng hợp lý. Nghiên cứu ở những người béo phì, người cao tuổi và tiền tiểu đường đã chỉ ra rằng ăn nhiều chất xơ giúp giữ lượng đường trong máu và insulin ở mức thấp.

Uống đủ nước lọc mỗi ngày

Ảnh minh họa

Thói quen uống nhiều nước lọc hằng ngày có thể giúp kiểm soát đường huyết, tăng độ nhạy insulin cũng như giúp chúng ta giảm sử dụng các loại nước đóng chai và nước hoa quả có đường khác. Các bậc cha mẹ cần nghiêm khắc với các con để giúp trẻ giảm việc tiêu thụ nước ngọt đóng chai, thực sự rất không tốt cho sức khỏe.

Thực hành lối sống lành mạnh

Thực hành lối sống lành mạnh bằng cách: Hãy từ bỏ những thói quen xấu như bỏ thuốc lá (nếu hút), giảm lượng bia rượu, ngủ đủ giấc, xây dựng đời sống tinh thần lạc quan và nhiều niềm vui, kiểm tra sức khoẻ định kỳ hằng năm để phát hiện sớm những bất thường trong cơ thể.

 -> Bệnh tiểu đường nên ăn gì và kiêng gì để ổn định đường huyết?

Xem thêm: 7 cách làm tăng hưng phấn trong chuyện ấy