14 năm chăm bệnh nhân "H", chưa một lần nhận được lời chúc mừng ngày lễ

Với các bác sĩ, ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 là ngày được tôn vinh, tri ân nhưng với nữ điều dưỡng tại Bệnh viện 09 đó lại là ngày khiến chị có chút tủi thân và đượm buồn.

14 năm chăm sóc những bệnh nhân cận kề cái chết, chứng kiến hàng ngày sự đau đớn của những con người đang bị hủy hoại bởi virus HIV, bản thân luôn bị rình rập nguy cơ lây nhiễm… chị Ninh Thị Biên - Điều dưỡng của Khoa Lao (Bệnh viện 09) đã phải vượt qua bao rào cản vô cùng khó khăn để bám trụ công việc.

Nữ điều dưỡng Ninh Thị Biên thăm khám cho bệnh nhân 

Với điều dưỡng Biên, việc gắn bó tại Bệnh viện 09 vừa là cái duyên vừa là nghiệp, dù chị đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc cá nhân từ sợ hãi, lo lắng, bất an cho đến sự đồng cảm, bao dung với những nỗi đau của người khác.

Bởi lẽ, nghề bác sĩ điều trị cho bệnh nhân HIV nghe thấy đã sợ chứ nói gì đến tiếp xúc với họ. Thế nhưng, bao năm qua điều dưỡng Biên vẫn thầm lặng chăm sóc cho họ, kiên cường trên con đường xoa dịu những nỗi đau của hàng trăm bệnh nhân HIV. Chính vì vậy, sau bao nhiêu năm gắn bó với Bệnh viện 09, nơi mà nhiều đồng nghiệp khác đã tìm cách ra đi, nữ điều dưỡng này vẫn kiên định ở lại.

Không ồn ào, náo nhiệt, bên trong Bệnh viện 09 là "bầu trời" tĩnh lặng

Điều dưỡng Biên cho hay, công việc của chị mỗi ngày gồm khám bệnh, phát thuốc cho bệnh nhân điều trị, quản lý cập nhật hồ sơ bệnh án của các bệnh nhân,… Không như những bệnh viện khác, bệnh nhân điều trị nhiễm HIV thường mang tâm lý mặc cảm, tâm lý không ổn định. Chính vì thế, trong quá trình khám, điều trị bệnh, chị phải luôn nhẹ nhàng thăm hỏi, lắng nghe, cảm thông chia sẻ để thấu hiểu được tâm lý của từng bệnh nhân, từ đó có hướng trao đổi thông tin, tư vấn giúp bệnh nhân có thêm động lực, niềm tin để họ yên tâm, hợp tác điều trị.

“Khi mới vào đây, tôi có chút lo lắng nhưng sau đó được các y, bác sĩ chỉ dạy, hàng ngày tiếp xúc, chăm sóc cho bệnh nhân yên tâm điều trị tôi thấy mình vui vẻ hơn. Tuy công việc đặc thù gặp nhiều khó khăn nhưng về cái tâm tôi luôn nghĩ đến việc người bệnh được khoẻ mạnh sớm về với gia đình.

Có ca trực đêm, bệnh nhân lên cơn sốt vật vã, mồ hôi đổ ra như tắm khiến tôi thức trắng trông nom. Cứu được họ vượt qua được bệnh tật sớm trở về cuộc sống đời thường đã là điều đáng quý nhất rồi", chị Biên bồi hồi chia sẻ.

Nữ điều dưỡng Biên tâm sự với PV Gia đình Việt Nam về công việc thầm lặng điều trị bệnh nhân HIV/AIDS 

Tuy nhiên, để hoàn thành tốt công việc của mình, tập trung cho công việc ngày đêm chăm sóc các bệnh nhân HIV/AIDS, chị Biên và chồng đã phải gửi con cho ông bà ở quê chăm sóc.

“Do đặc thù công việc và hai vợ chồng đều bận nên chúng tôi đã quyết định gửi 2 cháu lớn về quê nhờ ông bà giúp đỡ, còn cậu con trai út thì ở lại với bố mẹ. Cuối tuần, vợ chồng tôi lại thu xếp công việc về thăm các con”, chị Biên nói với ánh mắt đượm buồn.

Có tận mắt chứng kiến những công việc hàng ngày mới có thể hiểu hết được những hy sinh thầm lặng mà điều dưỡng Biên và các cán bộ y bác sỹ ở Bệnh viện 09.

Những bệnh nhân vào điều trị là những số phận bất hạnh, có những người lầm đường lạc lối, có những người vô gia cư không người thân thích. Đến với Bệnh viện 09 họ mang theo hi vọng về cơ hội quay lại với cuộc sống, hòa mình vào xã hội, khao khát sự bao dung… dù mỗi người đều có những câu chuyện đời đáng trăn trở.

Bệnh nhân khỏe mạnh, vui tươi là niềm vui, hạnh phúc của các bác sĩ tại Bệnh viện 09

Đáng nói, suốt 14 năm công tác trong lĩnh vực này, chưa một lần chị Biên được ôm bó hoa hay nhận một lời chúc vào ngày 27/2 (Ngày Thầy thuốc Việt Nam) từ người bệnh và người nhà bệnh nhân. 

“Cũng tủi thân nhưng vì nghề của mình, thôi thì chăm sóc được sức khỏe cho người bệnh ổn định, ra viện cũng là niềm an ủi của bản thân. Làm sao để mình có sức khỏe, cống hiến được cho gia đình, xã hội và chính những người bệnh mà mình đang chăm sóc điều trị tại đây”, chị Biên giãi bày.

Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao công việc vất vả như vậy, thậm chí phải hy sinh nhiều thứ mà chị không chuyển việc, điều dưỡng Biên dứt khoát trả lời: “Từ lúc vào đây làm, tôi chưa có ý định chuyển đi đâu. Dù có lúc tủi thân nhưng đã chấp nhận vào ngành y, chấp nhận công việc của mình, tôi luôn cố gắng nâng cao trình độ chuyên để mang đến sự chăm sóc tốt nhất cho các bệnh nhân”.

-> Mời độc giả xem Bài 1: 25 năm âm thầm nơi xã hội "giang hồ dậy sóng"

-> Bài 2: Bác sĩ điều trị HIV/AIDS: “Phao cứu sinh" của những phận đời lạc lối