Một người có thể mắc sốt xuất huyết mấy lần, có bị lại không?
Một người mắc sốt xuất huyết bao nhiêu lần trong đời là băn khoăn của nhiều người, nhất là người từng mắc căn bệnh này ít nhất một lần.
Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội có giảm nhưng vẫn ở mức cao
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, thành phố ghi nhận 2.237 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã (giảm 239 ca so với tuần trước đó).
Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần là: Hà Đông (272 ca), Thanh Oai (191 ca), Phú Xuyên (160 ca), Đống Đa (132 ca). Về số ổ dịch, trong tuần ghi nhận 49 ổ dịch tại 14 quận, huyện, thị xã, giảm 20 ổ dịch so với tuần trước.
Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 35.726 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 4 ca tử vong. Số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022 (14.445).
Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 575/579 xã, phường, thị trấn. Quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân là: Hà Đông (2.619 ca), Thanh Oai (2.300 ca), Hoàng Mai (2.294 ca), Phú Xuyên (2.201 ca), Đống Đa (2.060), Thanh Trì (1.849).
Tổng số ổ dịch cộng dồn từ đầu năm đến nay là 1.878 ổ dịch, hiện còn 116 ổ dịch đang hoạt động tại 22 quận, huyện, thị xã.
Dịch sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp (Ảnh minh họa)
Mắc sốt xuất huyết rồi có bị lại nữa không?
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus mang Dengue có trong muỗi vằn lây truyền từ người này sang người khác qua vết cắn của muỗi.
Diễn biến lâm sàng sốt xuất huyết trải qua 3 giai đoạn: Từ ngày thứ 1 đến ngày 3 là giai đoạn sốt, ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 là giai đoạn nguy hiểm, từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 là giai đoạn hồi phục.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, nhiều người nhầm tưởng bị nhiễm sốt xuất huyết lần 1 sẽ không có khả năng nhiễm sốt xuất huyết lần 2, lần 3. Tuy nhiên, bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra và loại virus này có bốn type gây bệnh bao gồm: D1, D2, D3, D4. Mỗi lần mắc bệnh là do một type Dengue xâm nhập vào cơ thể. Vì vậy, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết rồi vẫn có thể bị lại.
Đặc biệt, khi tái nhiễm, diễn biến bệnh thường nặng hơn lần đầu, thậm chí có thể gây tử vong. Điều này liên quan đến sự tăng cường miễn dịch của cơ thể đối với tác nhân gây bệnh. Bởi khi đó, các kháng thể của 2 hoặc 3 type virus cùng tồn tại và tác động lên cơ thể, đồng thời virus cũng được nhân lên rất mạnh, khiến các phản ứng như sốt, đau mỏi… sẽ trầm trọng hơn.
Ví dụ ở lần mắc sốt xuất huyết đầu tiên, người bệnh thường có biểu hiện sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, da ửng đỏ, có thể có các chấm xuất huyết rải rác trên bề mặt da. Tuy nhiên, ở lần thứ hai, khi phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với mầm bệnh được khuếch đại lên rất nhiều lần, các biểu hiện của bệnh cũng rõ rệt hơn. Bệnh nhân có thể gặp các biến chứng nặng như hiện tượng thoát huyết tương vào các khoang ảo trong cơ thể. Nặng hơn, bệnh nhân có thể có các biểu hiện liên quan đến sốc, tụt huyết áp, không có nước tiểu. Nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời người bệnh có thể tử vong.
PGS.TS Đỗ Duy Cường cũng khuyến cáo với người dân: Nhiều người chủ quan cứ nghĩ sốt xuất huyết là bình thường, cứ sốt vài ngày sẽ khỏi nên ở nhà, chỉ khi nào thấy xuất huyết mới đi viện. Thực tế là nhiều trường hợp sốt nhưng chưa có biểu hiện xuất huyết nhưng có bị cô đặc máu dẫn đến sốc, lúc này điều trị rất khó khăn thậm chí tử vong.
Khi có biểu hiện sốt, cần đến các cơ sở y tế để xét nghiệm máu chẩn đoán xác định và theo dõi điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa, không tự ý điều trị tại nhà.
-->> Cảnh báo biến chứng nặng khi bệnh nhân đái tháo đường mắc sốt xuất huyết