Mổ đẻ tránh tháng "cô hồn": Không vì chiều lòng người nhà mà bỏ qua yếu tố chuyên môn
Với quan niệm tháng 7 âm lịch là tháng cô hồn sẽ không tốt cho con nên nhiều sản phụ quyết định sinh mổ trước “bắt con” để tránh những điều xấu.
Mới đây mạng xã hội lan truyền clip về việc rất đông sản phụ xếp hàng chờ sinh mổ tại khoa D5, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội với lý do là chỉ còn vài ngày nữa bước sang tháng 7 âm lịch (tháng cô hồn).
Về sự việc này, Bác sĩ Lê Duy Toàn, Phó Trưởng Khoa Mổ Dịch Vụ D5 (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cho biết, vào ngày 31/7 (tức ngày 26/6 âm lịch), số lượng sản phụ xin sinh mổ chủ động có tăng so với ngày thường. Trong ngành sản có một đặc thù là sản phụ có thể sinh mổ chủ động để đảm bảo an toàn cho em bé khi ra đời. Do vậy, không ít gia đình đi xem và đăng ký chọn ngày sinh theo nguyện vọng (ngày đẹp – theo quan niệm của gia đình sản phụ).
Bác sĩ Toàn cũng cho biết thêm, các năm trước, số lượng sản phụ mổ chủ động vào tháng 7 âm lịch thường sẽ ít hơn so với các tháng còn lại. Cũng có một số gia đình không muốn sinh con vào tháng 7 âm vì quan niệm đây là tháng cô hồn.
"Dù người nhà muốn sinh con chủ động nhưng không phải trường hợp nào chúng tôi cũng mổ theo mong muốn của gia đình. Ở góc độ chuyên môn, chúng tôi luôn phải đảm bảo em bé khi sinh ra phải khỏe mạnh, thai đủ tháng mới mổ chủ động", bác sĩ Toàn cho biết.
Với góc độ của một người làm chuyên môn, bác sĩ Toàn cho biết, vấn đề chữa bệnh luôn được đặt lên hàng đầu, yếu tố chuyên môn luôn được ưu tiên sau đó mới là làm hài lòng người bệnh.
"Tùy từng trường hợp và xét thấy không vi phạm về chuyên môn thì chúng tôi vẫn thực hiện theo yêu cầu của sản phụ để làm hài lòng họ. Ví dụ, nếu thai đủ ngày, đủ tháng, con sinh ra đảm bảo khỏe mạnh… và sản phụ có nhu cầu sinh mổ chủ động thì chúng tôi sẽ thực hiện để sản phụ và gia đình được thỏa nguyện về mặt tâm lý. Còn với trường hợp yêu cầu mổ sinh chủ động khi thai nhi còn non tháng để tránh ngày xấu, tháng xấu thì chúng tôi sẽ phải đặt yếu tố chuyên môn lên hàng đầu để đảm bảo an toàn cho sản phụ và thai nhi", bác sĩ Toàn cho hay.
Theo bác sĩ Toàn, chỉ định mổ "bắt con" thường phải có giám sát chặt chẽ về chuyên môn và không có chuyện bệnh nhân yêu cầu mổ khi thai chưa đủ ngày, đủ tháng là bác sĩ phải đáp ứng. Bác sĩ chỉ đáp ứng nhu cầu mổ chủ động cho những trường hợp sản phụ mang thai từ 38-40 tuần để đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên cũng có một số trường hợp đặc biệt phải mổ trước 38 tuần. Ví dụ như gần đây, bác sĩ Toàn đã khám theo dõi thai cho một sản phụ mang thai 34 tuần 4 ngày. Khi khám, tim thai của em bé rất chậm nên sản phụ được yêu cầu nhập viện cấp cứu và mổ "bắt con".
Rất may mắn, ca mổ "bắt con" diễn ra thuận lợi, đảm bảo an toàn, em bé được nuôi tại khoa sơ sinh, mẹ đã được xuất viện. Đây là một trường hợp đặc biệt vì nếu không mổ "bắt con" ngay thì em bé sẽ có nguy cơ cao tử vong trong bụng mẹ.
Vị bác sĩ sản khoa cũng cho biết thêm, không biết từ bao giờ mà mọi người lại có tâm lý "ngại" sinh con vào tháng 7 âm lịch và cho rằng trẻ sinh ra vào tháng 7 âm lịch sẽ không may mắn. Tuy nhiên, quan niệm này là không có cơ sở.
Bác sĩ cho biết, dù gia đình sản phụ có chọn ngày đẹp, giờ đẹp thì bác sĩ vẫn luôn phải đảm bảo trẻ sinh ra an toàn.
"Tôi vẫn nói với bệnh nhân rằng tôi tôn trọng nguyện vọng của gia đình khi họ muốn sinh con vào một ngày giờ đã xem trước. Tuy nhiên, là một bác sĩ, tôi cũng phải tuân thủ chuyên môn nghề nghiệp, phải đảm bảo sản phụ sinh con an toàn, đứa trẻ sinh ra phải khỏe mạnh. Vì ngày có đẹp đến mấy nhưng sinh con ra không an toàn thì ngày đó cũng trở thành ngày xấu", bác sĩ Toàn nhắn nhủ.