Mẹ già 70 tuổi nuôi 3 con điên dại
Về xóm 6, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam hỏi gia đình bà Đinh Thị Định có tới ba người con mắc chứng tâm thần điên loạn, chẳng ai không biết. Suốt hơn 40 năm qua, bà Định phải chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho ba đứa con bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam từ người cha.
Ngôi nhà có ba người điên dại
Dù đã bước vào cái tuổi thất thập cổ lai hy, cái tuổi mà theo lẽ thường phải được nghi ngơi, vui vầy bên con cháu nhưng bà Định vẫn phải nhọc nhằn nuôi ba đứa con điên dại. Ba đứa con của bà là Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Thị Mai và Nguyễn Thị Mài hễ cứ thấy người lạ là chạy trốn, mỗi lúc lên cơn thường đập đầu vào đá, vớ được người là cào cấu. Những tiếng la hét, cười nói, gào khóc… gần như không bao giờ dứt trong ngôi nhà nhỏ bé, cô quạnh này. Mọi sinh hoạt hàng ngày của Bình, Mai, Mài đều phụ thuộc vào bàn tay người mẹ.
Trong căn nhà nhỏ bé chẳng có gì đáng giá ấy, có lẽ thứ quý giá nhất chính là tình thương của người mẹ già dành cho những đứa con tội nghiệp của mình trong suốt hơn 40 năm qua. Bà tâm sự: “Cả đời tôi lúc nào cũng phải nuôi con mọn, mấy chục năm nay lúc nào chúng nó cũng cười nói, đập phá lung tung”. Chỉ tay về phía cánh cửa khóa chặt, bà bảo: “Tôi phải nhốt con Mài vào trong đó bởi nó cứ lên cơn là đánh người. Cũng may hôm nay mát trời chứ hôm nào trời nóng, nó như bị bốc hỏa lên đầu rồi lại lên cơn thì rõ khổ…”. Anh Nguyễn Văn Bình ngồi ngoan ngoãn lắng nghe câu chuyện của chúng tôi, thỉnh thoảng lại chen vào 1 câu vô nghĩa và kèm theo đó là nụ cười ngây ngô. Ở gần đó, chị Mai liên tục xoắn xuýt hai lọn tóc của mình như đang muốn làm duyên và cái miệng thì luôn nói cười không ngớt với cái tivi trước mặt, chốc chốc lại chạy tới vò tóc, thậm chí dùng tay dúi đầu bà Định xuống và cười hềnh hệch...
Với tôi, một người lạ, những hành động lạ thường của những đứa con bà Định khiến tôi không khỏi bất ngờ và có phần... “sởn gai ốc” nhưng có vẻ như những việc như vậy bà Định đã quá quen thuộc suốt hơn 40 năm qua. Quãng thời gian vất vả khó nhọc ấy quá đủ để minh chứng cho tấm lòng thương con vô bờ bến của người mẹ nghèo này.
Nỗi lòng người mẹ già
Mấy chục năm nay, chưa bao giờ bà Định được ăn một bữa cơm ngon miệng, bởi cứ đến bữa ăn là ba người con của bà đứa thì khóc lóc, đứa gào thét, đập phá, ném đồ ăn lung tung. Đôi mắt bà cũng thâm quầng vì thiếu ngủ, bà chia sẻ: “Có ngày, tôi chỉ ngủ được 2 tiếng vì cứ đến đêm là chúng nó lên cơn nên tôi phải thức để canh chừng, kẻo chúng nó đập cửa bỏ đi hoặc phải ôm giữ nếu chúng có ý định đâm đầu vào tường…”. Rồi phải kể đến cả những trận đòn kinh hoàng mỗi lần bà tắm cho con.
Chị Mai rất sợ nước, mỗi lần tắm cho chị là một lần người mẹ già ấy lại phải hứng chịu những trận đòn thập tử nhất sinh bởi những cái tát như trời giáng, đấm đá và thậm chí chị còn cầm dao rượt đuổi bà. Kể đến đây, người mẹ già quay mặt lau những giọt nước mắt rỉ ra nơi khóe mắt đã đục màu. Bà tâm sự, trước đây khi nhà chưa có cổng, chỉ sơ ý là những đứa con của bà bỏ đi thang lang khắp nơi. Nhiều hôm, bà Định phải đi thâu đêm tới sáng để tìm con. Giờ thì đã có cái cổng, bà cũng yên tâm hơn nhưng vẫn phải cảnh giác trông chừng chúng từng giây, từng phút vì cứ sểnh ra là chúng mở cổng chạy ra ngoài.
Từ khi chồng bà qua đời, không còn ai chăm sóc các con nên bà phải ở nhà, kinh tế gia đình giờ chỉ trông vào 2 sào ruộng. Cuộc sống vốn khó khăn nay càng trở nên bí bách hơn khi tuổi già sức yếu. Thấy bà tuổi cao, sức yếu, nhiều người khuyên bà nên đưa các con tới trung tâm nuôi dưỡng dành riêng cho người bị nhiễm chất độc màu da cam nhưng bà cương quyết không chịu.
“Dẫu biết là chúng nó ngây ngô, điên dại đấy nhưng chỉ cần còn một hơi thở thì tôi không đành lòng gửi các con tôi đi. Lúc ốm, lúc đau mẹ con tôi vẫn có thể trông cậy vào nhau. Mặc dù nếu để thằng Bình nó nấu cơm thì không thể nuốt nổi bởi cơm thì sống, rau thì oi khói nhưng ít ra lúc tôi đau mỏi nó cũng còn biết xoa dầu gió, bóp chân cho tôi. Lúc tôi mệt nó vẫn mang cho tôi được ngụm nước”, người mẹ già tâm sự. Nghe những tâm sự của bà mà cổ họng tôi nghẹn đắng. Siết chặt lấy tay tôi, bà bảo: “Giờ tôi chỉ mong sao mình có sức khỏe để có thể chăm sóc các con, nhiều lúc chột dạ nghĩ nếu tôi mà có mệnh hệ gì thì không biết các con tôi sẽ nương tựa vào đâu”.
Những tiếng kêu khóc, gào thét, cười đùa vẫn hằng ngày vang lên trong ngôi nhà ấy. Nhưng cũng chính những âm thanh này là dấu hiệu để bà Định yên tâm hơn vì biết rằng các con của bà vẫn khỏe và đang ở nhà với bà. Dù cuộc đời của bà phải chịu nhiều bất hạnh nhưng tình yêu thương dành cho con, tình mẫu tử thiêng liêng là thứ quý giá nhất luôn bao trùm trong ngôi nhà này.
T. Long