Mẹ bầu có tiền sử sinh non làm gì để tránh “chuyện buồn” lặp lại?
Sinh non là điều không cha mẹ nào mong muốn, vì vậy nếu mẹ bầu có tiền sử sinh non cần tuyệt đối lưu ý trong lần mang thai tiếp theo để tránh rủi ro này.
ThS. Bác sĩ Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm đào tạo (Bệnh viện Phụ sản trung ương) cho biết, sinh non hay sinh con thiếu tháng là nỗi lo thường trực của bất kỳ mẹ bầu nào. Đây là tình trạng em bé chào đời quá sớm, trong khoảng thời gian từ hết tuần 22 đến trước khi hết tuần 36. Có tới 50% trường hợp sinh non không rõ nguyên nhân (vô căn).
“Mẹ bầu có tiền sử sinh non thì ở lần mang thai sau sẽ được đánh giá là thai kỳ có nguy cơ cao. Điều quan trọng hơn, nguy cơ sinh non tuổi thai còn ngày càng non hơn ở những lần tiếp theo”, vị bác sĩ chia sẻ.
Có tới 50% trường hợp sinh non không rõ nguyên nhân (Ảnh minh họa)
Với tình trạng thai kỳ như vậy, bác sĩ Thành khuyến cáo những mẹ đã từng sinh non cần hết sức lưu ý và cẩn thận.
Thứ nhất, mẹ bầu cần phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao mình lại bị sinh non .
“Với những trường hợp có tiền sử sinh non, chị em nên thăm khám và chuẩn bị cho lần mang thai sau ở những cơ sở sản khoa lớn, có đội ngũ bác sĩ giỏi, trang thiết bị hiện đại để có thể phát hiện nguyên nhân sinh non và dự phòng nguy cơ. Chị em cần lưu ý khi đi thăm khám phải thông báo đầy đủ cho bác sĩ về tiền sử sinh non để có phương án theo dõi đặc biệt.
Bởi nếu chúng ta đã mang thai rồi thì gần như những biện pháp chẩn đoán về buồng tử cung là gần như không thể có được chẩn đoán nữa khi các bạn đã mang bầu”, bác sĩ Thành cảnh báo.
Thứ hai, sinh non có thể do nhiễm trùng, tức là các trường hợp viêm nhiễm phụ khoa, các mẹ phải điều trị triệt để trước, trong và toàn bộ quá trình thai kỳ.
Thứ ba, có thể mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ. Vị bác sĩ nhấn mạnh: “Các mẹ thà có một con hơi nhỏ một xíu, đủ tháng còn hơn là một con to tiểu đường mà sinh non”.
Mẹ bầu với tiền sử sinh non nên thăm khám và chuẩn bị cho lần mang thai sau (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, một nguy hiểm nữa của tiểu đường gây sinh non mà bác sĩ Thành khuyến cáo đó chính là nguyên nhân của tiểu đường làm cho thai nhi kích thước rất lớn và dẫn đến tăng tải trọng đè lên cổ tử cung, làm suy yếu cổ tử cung. Đồng thời, gây dư ối, gây đa ối, tình trạng tiểu đường làm suy yếu hệ thống mô, tổ chức liên kết và cơ làm cổ tử cung mềm yếu hơn và làm tăng nguy cơ sinh non.
“Do đó, việc điều trị, xử lý triệt để tiểu đường chính là biện pháp dự phòng sinh non tốt nhất”, vị chuyên gia nhắn nhủ.
Ngoài ra, mẹ bầu với tiền sử sinh non nên thăm khám và chuẩn bị cho lần mang thai sau ở những cơ sở sản khoa lớn, uy tín để có khả năng dự phòng nguy cơ sinh non.
“Khi đã có tiền sử sinh non ở lần sinh sản trước, các mẹ bầu cần có kế hoạch thật chu đáo, thăm khám bác sĩ đầy đủ cho lần mang thai tiếp theo”, bác sĩ Thành khuyến cáo.