Màu xanh hy vọng!
Trước 30 tuổi, tôi là cậu trai vô lo vô nghĩ, học Đại học Hàng Hải ra làm sĩ quan máy trên tàu Hàn Quốc chu du năm châu bốn biển, cưới mối tình đầu yêu 12 năm. Mọi thứ nhìn chung an ổn, như ý. Cho đến khi cô ấy xuất hiện...
Cô ấy có đôi mắt to đen láy, hàng mi rợp bóng, đôi môi dày đỏ mọng đầy dỗi hờn. Ai nhìn cô ấy lần đầu tiên cũng bảo, cô ấy giống cha, sau này giàu ba họ. Tôi nghe sướng lắm, vì cô ấy chính là công chúa của tôi. “Ruộng sâu trâu nái, không bằng con gái đầu lòng”. Tôi đặt cho cô ấy cái tên thân mật là Kiến.
Hai cha con ở Kỳ Co. Kiến là người rất thích biển
Tôi chiều chuộng cô ấy lắm, đến mức vợ tôi than thở: Tình yêu không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển từ mẹ sang con gái. Nhưng Kiến không quấn bố mẹ như những đứa trẻ khác. Cô ấy khá ngoan, thích chơi một mình, lớn nhanh, ít bệnh có điều mãi vẫn chưa biết nói. Hai vợ chồng sốt ruột đưa con ra viện Nhi khám. Bác sĩ bảo: Em bé bị tự kỷ.
Lúc ấy, tôi và vợ khá choáng váng, nhưng chúng tôi cũng chưa lo nghĩ nhiều, vì bác sĩ bảo em bé đang trong độ tuổi vàng để can thiệp. Sau một tháng học can thiệp miễn phí ở viện Nhi, hai cha con bắt đầu hành trình miệt mài theo học các trung tâm. Từ năm 2 tuổi, Kiến đã học ba ca một ngày. 9 giờ sáng học nói ở Cầu Giấy, 10 giờ tan về trường mầm non gần nhà ăn trưa và chơi với các bạn cùng lứa để hoà đồng, học từ chính những đứa trẻ khác. 2 giờ bố đón đưa đến gần ga Trần Quý Cáp, học vận động tinh và điều chỉnh hành vi. Chi phí mỗi tháng cho cả ba nơi là hơn 20 triệu đồng.
Sau cô hiệu trưởng trường mầm non tư nhân không đồng ý cho Kiến học nữa, vì buổi trưa không ngủ, giờ giấc xáo trộn gây ảnh hưởng đến các bạn khác. Việc học ở hai trung tâm kia cũng không giúp Kiến tiến bộ, tôi đành chuyển Kiến về học bán trú ở một trung tâm dạy trẻ tự kỷ ở Hoàng Cầu.
Gần chục năm qua, thay vì những tháng ngày lênh đênh trên biển, sáng ngắm bình minh, chiều ngắm hoàng hôn, thời gian còn lại chúi mặt trong buồng máy, tay toàn dầu mỡ, tai bịt bông tránh tiếng ồn, rảnh lên khoang câu mực, câu cá mập con, ngắm cá heo nhảy múa, giờ tôi miệt mài trên con xe Air blade cũ, đón đưa con đi học, đi tiêm phòng, đi viện.
Ở những nơi Kiến học, tôi chủ yếu gặp những người mẹ mệt mỏi, gương mặt nặng trĩu suy tư. Có người kể: "Mẹ chồng em không cho phép em nói với hàng xóm vì sợ hàng xóm chê cười". Có người nước mắt ngắn dài bảo, chồng bắt ly hôn, đi lấy vợ khác vì bảo mẹ con họ là cục nợ. Họ còn hỏi tôi, có phải nhà tôi cũng thế không, vì luôn chỉ có hai bố con tha nhau đi, chưa bao giờ thấy mẹ.
Vợ tôi chẳng sung sướng hơn gì. Vợ tôi vốn là con út, từ nhỏ quen được chiều chuộng, có chút vụng về, chỉ biết thơ văn, chưa từng nhọc lòng vì tiền, giờ đầu tắt mặt tối lo gánh nặng kinh tế. Ban ngày tất tả, buổi tối về chưa chắc chúng tôi đã được giấc ngủ ngon, vì Kiến rối loạn giấc ngủ, 365 đêm có khi hơn 200 đêm thức hò hét tới gần sáng. Tôi bỗng mắc chứng rụng tóc từng mảng lớn, phải cạo trọc đầu. Đi khám bác sĩ bảo do stress.
Bố lúc nào cũng đội mũ lưỡi trai vì chứng rụng tóc do stress.
Chúng tôi đăng ký cho Kiến làm liệu pháp Tế bào gốc ở Vinmec, hy vọng cải thiện ít nhiều. Sau hàng loạt xét nghiệm, chụp chiếu, hôm qua vợ chồng tôi cùng nhau làm xét nghiệm tâm lý trước khi bước vào cuộc chiến chính thức.
Trong bảng xét nghiệm của tôi, có rất nhiều câu hỏi đánh giá chất lượng cuộc sống: có ngủ đủ giấc không? Có thời gian chăm sóc bản thân không? Có hay cười không? Có cảm nhận được niềm vui không? Có vừa lòng về đời sống vật chất, tình dục không?... Chỉ thiếu câu: Có muốn tự tử không?
Tôi nghĩ, trong đời, vào những giây phút điên rồ nhất, từ người giàu sang đến kẻ trắng tay, từ người giỏi giang đến kẻ mù chữ, từ người dưới đáy đến kẻ trên đỉnh cao quyền lực đều ước một lần nhắm mắt, ngủ một giấc bình an mãi mãi. Khi trưởng nhóm Linkin Park tự tử, có thể vì anh ấy đã quá mệt mỏi, mỗi người đều có lựa chọn của mình.
Giống như "Rừng Nauy", người ta hiểu rằng, bản thân cái chết đôi khi cũng là một mục đích. Nhưng một người khi đã yêu thương và gắn bó đời mình với người khác sẽ cảm thấy yêu và có trách nhiệm với cuộc đời mình hơn. Tôi và vợ còn rất nhiều điều trong cuộc đời này muốn được làm cho cô con gái nhỏ của mình.
Thành quả với mỗi người không nằm ở tính vĩ đại cải tạo thế giới mà ở giá trị của nó với người đó. Thành quả của chị tôi là con trai trong top học sinh giỏi, nghỉ hè mỗi sáng đi bưng bê được 70k. Thành quả của bạn tôi là con học trại hè quốc tế. Thành quả của tôi là cô gái 12 tuổi biết tự mặc đồ, bê bàn ghế mỗi bữa ăn, tự đi vệ sinh, rửa mặt. Nỗ lực từng chút, gây chú ý với cô ấy, hướng dẫn cô ấy làm theo ý mình, dù thất bại 100 lần thì lần thứ 101 sẽ thành công. Giống như bầy kiến nhỏ, khi cùng khiêng một mẩu bánh, mỗi con kéo về một hướng, nhưng rồi cũng đủ hiểu nhau để mang được về tổ.
Có thể, cô ấy sẽ mãi hồn nhiên, thiên chân vô tà, như cách người ta bảo "đã tu mấy kiếp để sống một cuộc đời không lo âu, muộn phiền, sân si tranh đấu". Dẫu sao, cô ấy vẫn là cô gái bé bỏng của tôi. Mỗi đứa trẻ dù thế nào cũng luôn là một tình yêu hoàn hảo. Cô ấy tự kỷ - không phải lỗi của cô ấy, không phải lỗi của cha mẹ. Chúng tôi không xấu hổ vì điều ấy. Trước khi muốn chữa cho con, phải chữa cho cha mẹ. Cha mẹ phải chấp nhận sự thật một cách thoải mái, mới có thể nắm tay con - cùng đi dưới ánh mặt trời. Chắc chắn sẽ có những khó khăn, nhưng “Everything will be fine”- chúng ta rồi sẽ ổn thôi.
Những người quen đều thương hai vợ chồng tôi đã hy sinh quá nhiều vì con. Tôi lại không gọi những thứ ấy là hy sinh, tôi gọi đó là tình yêu. Một người cứ hy sinh mãi, lúc mệt mỏi sẽ cáu gắt, cảm thấy mình đã bỏ mất quá nhiều điều trong cuộc sống để cho một người khác.
Chúng tôi, không chỉ sống cho con, chúng tôi sống cho mình, cho nhau. Theo bản tính AQ, tôi bảo vợ: "Nhờ con, chúng ta kết nối với nhau chăt chẽ, bền bỉ hơn, bởi nếu hai đứa tách nhau ra, không ai có thể chăm lo tốt cho cô ấy như những gì cô ấy đáng được hưởng".
Nhân vật (ngoài cùng bên phải) và các đồng nghiệp người nước ngoài trên con tàu 200 nghìn tấn.
Ngẫu nhiên, màu tôi và vợ thích đều là màu xanh da trời - đó cũng là màu biểu trưng cho những em bé tự kỷ. Còn màu xanh - còn hy vọng.
Cô gái nhỏ nói lời yêu
bằng đôi bàn tay bé chạy dọc gò má mẹ
Cô gái nhỏ vui như nụ hoa mới hé
ngân nga bài hát không lời
Cô gái nhỏ buồn không chơi
dậm bàn chân xuống sàn ngúng nguẩy
Cô gái nhỏ giận hơn tất thẩy
khi chẳng thể khiến ai hiểu ý mình
Có lúc ba chúng ta lặng thinh
chìm trong nỗi riêng tịch mịch
Có lúc ta nghĩ đời chẳng là cổ tích
khi tương lai giăng mắc sương mờ
Nhưng sớm mai bình minh vẫn mãi chờ
và nếu mặt trời xanh thay vì màu đỏ
ta vẫn nắm tay đứng đó
vuốt ve nhau bằng trái tim mình
Em biết không, cô Kiến nhỏ xinh
trái tim đẹp là trái tim đầy vết sẹo
Dẫu cuộc đời này tròn hay méo
tim vẫn tự lành và đập mãi, vì em.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt
Bài dự thi Cuộc thi viết "Cha và con gái"
- Tác giả: Phạm Huy Thắng
- Địa chỉ: 143 Đốc Ngữ, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội
Thông tin Cuộc thi viết chủ đề "Cha và con gái"
Yêu cầu
- Bài viết bằng tiếng Việt, dung lượng 1.000 - 1.500 từ được in trên giấy hoặc gửi qua email do Ban tổ chức cung cấp.
- Bài viết được thực hiện dưới dạng thư tâm tình cha dành cho con gái, con gái dành cho cha hoặc dưới dạng tản văn kể về kỷ niệm vui buồn giữa cha - con; nhật ký viết cho cha - con để lột tả về góc ký ức không quên…
- Ưu tiên những bài dự thi có ảnh nhân vật kèm theo
Đối tượng dự thi
- Tất cả công dân Việt Nam trong và ngoài nước đều có thể tham gia dự thi
- Mỗi tác giả được gửi tối đa ba (03) bài dự thi.
- Tác phẩm được chọn đăng báo sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam.
Thời gian nhận bài thi
- Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày 19/04/2023 đến ngày 19/06/2023 tính theo dấu bưu điện.
- Lễ tổng kết và Gala Trao giải diễn ra vào Ngày Gia đình Việt Nam 28/06/2023.
Địa chỉ nhận bài thi
- Bài dự thi online gửi qua email: [email protected].
- Bài dự thi viết tay hoặc đánh máy gửi về Tòa soạn Gia đình Việt Nam (Địa chỉ: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội).
Ngoài bì thư ghi rõ: Bài dự thi "Cha và con gái" kèm thông tin tác giả, địa chỉ, số điện thoại. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm nếu hồ sơ tham dự cuộc thi bị thất lạc hoặc hư hỏng do lỗi của bưu điện.
Thông tin liên hệ
Tòa soạn Tạp chí Gia đình Việt Nam: Số 2 đường Lê Đức Thọ, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.
Điện thoại: 0903.344571 (Nhà báo Đông Hường) hoặc 0973957126 (Đồng chí Bùi Hải Én).
Lưu ý: Tòa soạn sẽ chọn bài có nội dung phù hợp, biên tập sơ bộ (không làm thay đổi nội dung) để đăng báo. Bài chọn đăng được nhận nhuận bút theo quy định.
Để biết thông tin chi tiết về cuộc thi mời quý độc giả xem tại đây!