Lương y giả danh bác sĩ bệnh viện khám chữa bệnh không phép
Không chỉ trắng trợn trộn tân dược vào thuốc đông y, lương y Đặng Minh Đ. còn hoạt động không phép, giả danh bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đông Anh.
Trước sự việc lương y Đặng Minh Đ. (ở Đông Anh – Hà Nội) ngang nhiên trộn corticoid vào thuốc đông y nhằm bán cho khách kiếm lời, bị chị Nguyễn Thị Vân Anh (Hai Bà Trưng – Hà Nội) phát hiện và gửi đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng.
Theo chị Vân Anh, ngoài việc làm trái với y đức khi trộn corticoid vào thuốc đông y để tăng tác dụng, vị lương y này còn lừa đảo bằng cách, in lên đơn thuốc nội dung khám chữa bệnh rất 'kêu' khiến người bệnh khi nhìn vào đơn thuốc không hề có chút nghi ngờ.
Đơn thuốc của lương Y "rởm" ghi rõ khám và chữa bách bệnh.
Theo đó, đơn thuốc của thầy lang Đ. ghi rất rõ nội dung: “Nhà thuốc đông y gia truyền; lương y Đặng Minh Đ.; chuyên: khám bệnh - cắt thuốc – bách bệnh”. Kèm theo đó là những thông tin về địa chỉ cũng như số điện thoại. Tuy nhiên, khi tìm đến địa chỉ trên người bệnh và phóng viên khá ngỡ ngàng khi đây chỉ là một ngôi nhà tường cao, vách kín không hề có biển hiệu hay số đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Không chỉ có vậy, khi giới thiệu với người bệnh, vị lương y “rởm” này còn đánh bóng tên tuổi bằng cách giới thiệu mình đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh. Chính việc làm này khiến không ít người bệnh “sập bẫy” khi đến đây khám bệnh.
Để có thông tin khách quan về vấn đề này, phóng viên đã tìm đến phòng y tế huyện Đông Anh (Hà Nội) để xác minh sự việc. Trao đổi với phóng viên ông Ngô Văn Thức – Trưởng phòng Y tế huyện Đông Anh, đồng thời là Chủ tịch Hội đông y huyện khẳng định: “Nhìn vào địa chỉ đơn thuốc cũng như đơn phản ánh của bệnh nhân, tôi khẳng định trên địa bàn huyện không có nhà thuốc đông y và lương y nào có tên Đặng Minh Đ. đã được cấp phép hành nghề và cấp phép kinh doanh”.
Phòng y tế huyện Đông Anh sẽ tiến hành kiểm tra việc khám, chữa bệnh sai phép của vị lương y này.
Theo ông Thức, dù đơn vị cấp giấy phép hành nghề và giấy phép hoạt động nhà thuốc là Sở Y tế Hà Nội. Nhưng khi đã được cấp phép Sở Y tế sẽ có danh sách giao cho phòng y tế huyện kiểm tra, giám sát. Chính vì thế, nếu có sự tồn tại của nhà thuốc trên thì chắc chắn phòng y tế sẽ nắm được.
“Hiện giờ tôi chưa biết được nhà thuốc kia hoạt động ra sao, sản xuất thuốc như thế nào, nhưng rõ ràng khi nhận được phản ánh của người bệnh, chúng tôi nhất định sẽ tiến hành kiểm tra, nếu đúng như phản ánh sẽ kiên quyết xử lý và yêu cầu dừng hoạt động”, Trưởng phòng y tế huyện Đông Anh nói.
Còn tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh, trả lời phóng viên về việc ông Đặng Minh Đ. là nhân viên y tế của bệnh viện nhưng lại hành nghề không phép, làm ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện. BS CK II Chu Đình Năng – GĐ Bệnh viện Đông Anh khẳng định: “Tôi khẳng định Bệnh viện không có ai là lương y Đặng Minh Đ. đang công tác tại bệnh viện. Hơn nữa, tại bệnh viện không có lương y, mà chỉ có bác sĩ đông y làm việc tại khoa Đông y của bệnh viện. Lương y không tồn tại trong bệnh viện”.
Trước sự việc này, BS Năng cũng cho biết, việc giả mạo bác sĩ bệnh viện Đa khoa Đông Anh để hành nghề bên ngoài là việc làm trái pháp luật, hạ thấp uy tín của bệnh viện, bởi vậy bệnh viện đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ.
Như vậy, tất cả việc làm của nhà thuốc “chui” do lương y “rởm” Đặng Minh Đ. làm chủ ở Đông Anh đều vi phạm pháp luật. Bởi theo Điều 157 Bộ luật Hình sự, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 2 năm - 7 năm.
Phạm tội trong các trường hợp có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5 năm - 12 năm và hình phạt cao nhất cho tội danh này là tử hình. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu - 50 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm - 5 năm.
Gia đình Việt Nam tiếp tục thông tin về vụ việc này...
Quỳnh Thơ