Làng mộc truyền thống Hà Nội hơn 20 năm dựng nhà cổ tiền tỷ
Làng Phù Yên, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) nức tiếng xa gần với những người thợ khéo tay, chuyên làm đồ mỹ nghệ tinh xảo được coi là điểm đến của những đại gia đang đi tìm cho mình ngôi nhà cổ.
Cuộc sống ngày càng phát triển cũng là lúc việc phục dựng và làm mới nhà giả cổ được quan tâm nhiều hơn. Đây không chỉ là thú chơi đơn thuần mà còn là tín hiệu tích cực trong việc gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của cha ông ta để lại.
Cũng vì thế làng nghề Phù Yên, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) được nhắc đến nhiều hơn.
Buổi sáng ở làng nghề Phù Yên thường bắt đầu bằng những tiếng kêu xèn xẹt của lưỡi cưa và tiếng đục đẽo, tiếng gõ lách cách phát ra từ hàng trăm xưởng mộc. Những âm thanh tưởng chừng nhức tai ấy bao năm nay đã trở thành nét đặc trưng thi vị của người dân nơi đây.
Đặc trưng của nhà cổ là mọi chi tiết gỗ được chạm trổ mềm mại, tinh tế và hầu như không dùng đến các loại đinh vít mà thay vào đó dùng mộng để lắp ghép.
Là một trong số những người đầu tiên nhận công việc dựng nhà cổ, ông Nguyễn Hữu Tưởng (xóm Đồi, thôn Phù Yên) cho biết, nghề dựng nhà cổ bắt đầu có ở làng Phù Yên từ năm 1991.
Ông Tưởng là đời thứ 5 theo nghề dựng nhà cổ này và con trai ông cũng đang theo để nối nghiệp bố. Theo ông Tưởng, trung bình một chiếc nhà cổ làm trong khoảng 6 tháng tới một năm với trên 13 thợ đục. Người làm nhà cổ phải nắm bắt được kỹ thuật đục đẽo sao cho các mộng phải khớp với nhau.
Các loại gỗ dùng trong dựng nhà cổ rẻ nhất là gỗ xoan, giá dao động từ 300 đến 800 triệu đồng, gỗ lim thì từ 1 tỷ tới 3 tỷ tùy kích thước to nhỏ. Tại xưởng của ông Tưởng còn phục vụ các loại gỗ đắt hơn như gỗ cẩm lai nếu khách có nhu cầu.
Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, các nghệ nhân làng Phù Yên đã ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật kết hợp kinh nghiệm, tay nghề vào các khâu phục dựng, làm nhà giả cổ, đem đến cho khách hàng những ngôi nhà có phong cách cổ nhưng vẫn đảm bảo tiện nghi, hiện đại.
Ông Giang trong một xưởng mộc tại xóm Đồi đang chạm khắc hững hoa văn, họa tiết trang trí trên từng kèo, cột.
Nhờ những chạm khắc tinh xảo, độc đáo, nững năm trở lại đây, mỗi khi nhắc đến những ngôi nhà gỗ mang phong cách cổ điển nhiều người nhắc đến những người thợ của Phù Yên.
Những người thợ giỏi ngoài tay nghề chạm trổ các hoa văn tinh xảo còn phải nắm vững kỹ thuật để tạo ra các mộng gỗ để ghép vào nhau một cách chính xác, chắc chắn.
Thợ làm nhà cổ Phù Yên cho biết, đặc trưng của nhà gỗ cổ là mọi chi tiết được thiết kế hoàn hảo, tinh tế và hầu như không phải dùng đến các loại đinh vít bằng sắt mà chủ yếu dùng mộng để lắp ghép. Với cách làm đó kết cấu của ngôi nhà vừa bền chắc vừa thể hiện được sự hài hòa, thẩm mĩ.
Là một người có kinh nghiệm lâu năm trong việc phun sơn, phủ bóng sản phẩm, ông Trường cho biết: "Xưởng sản xuất của gia đình nhận làm các công trình nhà cổ với thiết kế tinh xảo với đủ các loại hoa văn, họa tiết được đục khắc trên gỗ. Tất cả các chi tiết để dựng thành ngôi nhà cổ đều được sản xuất tại xưởng sau đó được mang đi dựng và lắp ghép thành ngôi nhà hoàn chỉnh".
Mỗi người một công đoạn nhưng để dựng lên ngôi nhà cổ đều cần sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng và chuẩn xác từng chi tiết
Những họa tiết hoa văn sắc nét trên cánh cửa của những ngôi nhà cổ
Một trong những ngôi nhà cổ do thợ Phù Yên dựng tại xưởng mộc của ông Tưởng như sản phẩm trưng bày
Với nhu cầu ngày càng tăng, nhiều địa phương ở phía Bắc cũng có nghề làm nhà cổ như Thạch Thất, Hà Nam, Nam Định. Tuy nhiên, theo so sánh và đánh giá của nhiều người thì những ngôi nhà cổ do thợ làng Phù Yên làm thường có hoa văn đẹp. Vì thế người tìm đến làng mộc Phù Yên để đặt nhà cổ cũng ngày một nhiều hơn.