Làng hoa giấy 300 năm tuổi nhộn nhịp chuẩn bị hàng bán Tết Nguyên đán
Làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu - ngôi làng cổ nổi tiếng tại Thừa Thiên Huế những ngày này đâu đâu cũng rực rỡ sắc màu từ những cành hoa giấy đang độ chờ bán dịp Tết nguyên đán.
Đầu tháng 11 Âm lịch hàng năm, làng hoa giấy Thanh Tiên xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế lại trở nên nhộn nhịp hơn bởi cảnh người người, nhà nhà khẩn trương sản xuất hoa giấy phục vụ dịp Tết cổ truyền của dân tộc.
Vào những ngày giáp Tết, làng hoa giấy truyền thống Thanh Tiên (xã Phú Mậu) lại nhộn nhịp sản xuất
Mỗi dịp Tết, ngôi làng hoa giấy này cho ra đời hàng chục nghìn cặp hoa rực rỡ như hoa thật. Có những lúc cao điểm, các gia đình còn phải nhờ hàng xóm sang làm giúp cho kịp hoa để bán dịp tết. Vì thế nhiều người trong làng biết làm hoa thường bận rộn làm thuê kiếm thêm thu nhập.
Ông Trần Văn Thái (55 tuổi) là người có hơn 30 năm làm nghề hoa giấy truyền thống cho biết, làm nghề hoa giấy rất vất vả vì phải trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi tay nghề phải khéo léo mới cho ra những bông hoa đẹp và chất lượng.
“Để có cành hoa giấy với 5 màu vàng, đỏ, lục, hồng, xanh, từ tháng 10 người dân đã chuẩn bị tre và phơi. Cành hoa được ra đời đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ và cẩn thận. Để làm được những bông hoa đẹp phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp với mỗi công đoạn là những yêu cầu khác nhau, từ đục hình hoa đến tạo hình, lấy tre làm cuống", ông Thái nói.
Những cành hoa giấy rực rỡ sắc màu chuẩn bị xuất bán ra thị trường phục vụ dịp Tết cổ truyền
Theo ông Nguyễn Hóa, trưởng thông Thanh Tiên là người có kinh nghiệm làm hoa giấy lâu năm nhất, trước năm 2000 nghề hoa giấy có nguy cơ chững lại do sự phát triển mạnh mẽ của hoa nhựa. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Festival Huế và Festival làng nghề truyền thống nên hoa giấy được người dân khắp nơi biết đến. Từ đó, hoa giấy từng bước được vực dậy.
“Mỗi ngày, một người thợ giỏi làm được khoảng từ 25 đến 30 bông với giá bán khoảng 3.500 đồng/bông. Sau khi trừ các chi phí có thể thu lời gần 12 triệu đồng/vụ”, ông Hóa cho biết.
Theo quan niệm của người dân Huế, hoa giấy là loại hoa tinh khiết, không có sự ảnh hưởng uế tạp do không dùng phân bón như hoa tươi hoặc dùng nhựa như hoa giả nên rất phù hợp trong việc thờ cúng. Đồng thời, hoa giấy có nhiều loại khác nhau trên một cây bông.
Những bông hoa sen giấy rực rỡ đẹp như hoa thật
Trước đó, từ năm 2008 một họa sĩ, nghệ nhân trong làng là ông Thân Văn Huy đã khôi phục lại hoa sen giấy đã bị thất truyền hơn 60 năm qua nên thu hút được nhiều khách hàng đến tham quan tìm hiểu.
Nói về ý tưởng làm hoa sen giấy ông Huy cho biết: "Từ lâu đời, gia đình tôi đã gắn bó với nghề truyền thống này. Cho nên đứng trước nguy cơ bị mai một của hoa giấy, là một người con của làng, tôi thấy mình phải có trách nhiệm bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống nên tôi đã tìm cách phục hồi".
Cũng theo ông Huy, để làm ra được hoa sen, các nghệ nhân phải được kế thừa kĩ thuật xếp gấp cánh hoa truyền thống của làng, đồng thời sáng tạo kĩ thuật mới bằng năng khiếu tạo hình của người họa sĩ cùng kinh nghiệm kiếm sống bằng nghề in lụa, thiết kế mộc mỹ nghệ... Sau khi hoàn thiện mẫu thiết kế phải hoàn chỉnh các kĩ thuật chế tác hoa sen giấy từ khâu vót tre tạo cành hoa, gấp giấy tạo cánh hoa, nhuộm màu hoa cho đến khi bông sen nở lung linh.
“Một người thợ lành nghề làm ra khoảng 15 - 20 bông mỗi ngày. Hoa giấy có tính thời vụ (dịp Tết), còn hoa sen giấy được làm quanh năm, nhiều nhất là dịp Tết. Nếu người Huế không có hoa giấy cắm lên Trang Ông, Trang Bà và trên ông Táo, am thờ… thì cái tết như thiếu gì đó hoặc nếu không có hình ảnh người dân làng Thanh Tiên với những bông hoa đi qua những chuyến đò lan tỏa ra các chợ phố”, ông Huy chia sẻ.
Mỗi dịp Tết ngôi làng hoa giấy này cho ra đời hàng chục nghìn cặp hoa rực rỡ
Làng hoa giấy Thanh Tiên đã có cách đây trên 300 năm. Nghề làm hoa giấy gắn liền với đời sống hằng ngày của người dân và trở thành giá trị tinh thần quan trọng, một nét đẹp văn hóa trong tín ngưỡng dân gian của người Huế. Vì thế các thế hệ người dân ở làng hoa giấy Thanh Tiên luôn ý thức rõ việc tiếp nối nghề làm hoa giấy của tổ tiên.
Từ việc duy trì và phát triển nghề làm hoa giấy, hằng ngày đã có nhiều du khách trong và ngoài nước đến làng Thanh Tiên để xem người dân làm hoa giấy. Tại đây du khách có thể trực tiếp trải nghiệm làm ra hoa giấy, mua hoa giấy mang về.