Kinh tế Thanh Hóa năm 2024 nhiều điểm sáng
Năm 2024, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch. Lần đầu tiên, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 54.341 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với 5 năm trước.
Năm 2024, vượt qua những khó khăn thách thức, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa có nhiều khởi sắc và đạt kết quả tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Ước cả năm 2024, có 23/25 chỉ tiêu chủ yếu được HĐND tỉnh quyết nghị hoàn thành và vượt kế hoạch. Trong đó, lĩnh vực kinh tế đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhiều chỉ tiêu quan trọng vượt kế hoạch đề ra và nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 ước đạt 12,16%, vượt mục tiêu đề ra và đứng thứ 2 cả nước (sau tỉnh Bắc Giang); sản xuất nông, lâm nghiệp nghiệp, thủy sản đạt kết quả khá toàn diện; sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao, là động lực chính cho tăng trưởng của tỉnh; lĩnh vực dịch vụ tiếp tục phát triển, nhiều lĩnh vực tăng mạnh: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, giá trị xuất khẩu, tổng thu du lịch, doanh thu vận tải…
Thu ngân sách nhà nước vượt 52,8% dự toán, tăng 25,9% so với cùng kỳ, cao nhất từ trước đến nay; đứng đầu các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và nằm trong nhóm 10 địa phương có số thu cao nhất cả nước.
Cụ thể, thu ngân sách nhà nước ước đạt 54.341 tỷ đồng, vượt 52,8% dự toán, tăng 25,9% so với cùng kỳ, cao nhất từ trước đến nay, cao gần gấp đôi so với 5 năm trước (năm 2019 thu 27.359 tỷ đồng).
Trong đó, thu nội địa ước đạt 33.960 tỷ đồng, vượt 54,2% dự toán, tăng 28,6%; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 20.381 tỷ đồng, vượt 50,4% dự toán. Một số khoản thu có tỷ trọng lớn và đạt cao so với dự toán như: thu tiền sử dụng đất đạt 14.042 tỷ đồng, vượt 84,8% dự toán, tăng 48,4% so với cùng kỳ; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 7.850 tỷ đồng, vượt 63% dự toán, tăng 35,1%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 3.441 tỷ đồng, vượt 27,4% dự toán.
Hoạt động xúc tiến đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh; lãnh đạo tỉnh đã tổ chức đoàn đi xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tại Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Hà Lan, Australia và New Zealand; tiếp và làm việc với nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn để thu hút đầu tư vào tỉnh và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các dự án. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn ước đạt 138.856 tỷ đồng, bằng 102,9% KH, tăng 4,5% so với cùng kỳ; đã thu hút được 108 dự án (trong đó có 19 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký 13.321,6 tỷ đồng và 422,9 triệu USD, gấp 1,3 lần về số dự án và tăng 15,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Hoạt động đầu tư công được tập trung chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả; Chủ tịch UBND tỉnh đã phát động chiến dịch “60 ngày, đêm tăng tốc, hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2024”; đến ngày 30/11/2024, giá trị giải ngân vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đạt 10.300 tỷ đồng, bằng 71,3% KH, cao hơn 6,2% so với cùng kỳ.
Đến nay, toàn tỉnh thành lập mới 3.375 doanh nghiệp, vượt 12,5% kế hoạch, tăng 11,1% so với cùng kỳ, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và thứ 8 cả nước; có 862 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 4,4%; có 1.419 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 15,6%. Ước năm 2024, thành lập mới khoảng 3.500 doanh nghiệp, vượt 16,7% kế hoạch.
Giải phóng mặt bằng vượt kế hoạch, cao hơn 13,1% lần so với cùng kỳ; bàn giao mặt bằng sớm, góp phần hoàn thành dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh những kết quả nổi bật, có 2 chỉ tiêu tỉnh Thanh Hóa không đạt trong năm 2024, đó là GRPD bình quân đầu người và cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP. Đây là 2 chủ số quan trọng, tiếp tục là thách thức của địa phương này trong năm 2025 và các năm tiếp theo, phải nỗ lực phấn đấu cao mới hoàn thành mục tiêu kế hoạch.
Năm 2025, Thanh Hóa tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững; nỗ lực, tăng tốc, bứt phá, phấn đấu hoàn thành tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu. Trước mắt, trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, tạo chuyển biến rõ nét trên tất cả các lĩnh vực, sớm đưa các dự án quy mô lớn vào hoạt động; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo động lực mới cho tăng trưởng.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11% trở lên, trong đó: nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3% trở lên; công nghiệp - xây dựng tăng 15% trở lên (công nghiệp tăng 18% trở lên; xây dựng tăng 7% trở lên); dịch vụ tăng 8% trở lên; thuế sản phẩm tăng 10% trở lên. Cơ cấu các ngành kinh tế: nông, lâm, thủy sản chiếm khoảng 12%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 51%; dịch vụ chiếm khoảng 30%; thuế sản phẩm chiếm khoảng 7%.