Không phải cân nặng, đây mới là 9 chỉ số đánh giá sức khoẻ
Nhiều người cho rằng cân nặng là chỉ số duy nhất quan trọng khi nói đến sức khỏe. Tuy nhiên, bên cạnh cân nặng, có 9 con số cần quan tâm khi muốn xem mình có đang khỏe mạnh hay không.
Vòng eo
Chu vi vòng eo phản ánh một cái nhìn toàn cảnh về sức khỏe của mỗi người. Đây cũng là chỉ số hữu ích khi cần đánh giá nguy cơ mắc các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng khác như đột quỵ, ngưng thở khi ngủ và bệnh tim.
Theo chuyên gia dinh dưỡng Malina Linkas Malkani, chỉ số vòng eo giúp con người biết nhiều hơn về nguy cơ mắc các bệnh lý tiềm ẩn hơn là cân nặng.
Theo đó, vòng eo ám chỉ các con số về mỡ nội tạng - lớp mỡ bao quanh các cơ quan nội tạng, đây là yếu tố dự báo chính xác các bệnh liên quan tới béo phì.
Ảnh minh hoạ.
Một người được xem là khoẻ mạnh thường có tỷ lệ eo trên chiều cao trong khoảng từ 0,4 đến 0,49 (số đo vòng eo chưa tới một nửa số đo chiều cao). Tỷ lệ 0,5 đến 0,59 cho thấy một người có các vấn đề sức khỏe, nguy cơ cao nhất khi tỷ lệ trên 0,6.
Số ly nước
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới lượng nước mà mỗi người cần uống mỗi ngày như độ tuổi, giới tính, mức độ vận động, thời tiết,... Mỗi người có thể nhìn vào màu sắc của nước tiểu để kiểm tra xem mình đã uống đủ nước cần thiết mỗi ngày hay chưa. Màu sắc nước tiểu bình thường là màu vàng nhạt. Nếu màu sắc nước tiểu sậm hơn, đây có thể là dấu hiệu cơ thể thiếu nước.
Theo khuyến cáo của Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Hoa Kỳ trung bình mỗi ngày người trưởng thành cần khoảng 3,7 lít nước đối với nam và 2,7 lít đối với nữ.
Con số này sẽ thay đổi dựa theo mức độ hoạt động và thể trạng cơ thể. Tuy nhiên, lượng nước cần uống mỗi ngày có thể tính theo công thức: Lượng nước (ml) = Cân nặng (kg) x 30.
Huyết áp
Huyết áp là một con số cần chú ý và cố gắng kiểm soát để duy trì sức khỏe tổng thể dù đang ở độ tuổi nào. Nếu huyết áp không được kiểm soát thì biến chứng nghiêm trọng có thể phát sinh, chẳng hạn như xơ vữa động mạch làm tăng nguy cơ đột quỵ hay đau tim.
Ảnh minh hoạ.
Mặc dù không nhất thiết phải kiểm tra huyết áp hàng ngày nhưng điều quan trọng là duy trì huyết áp ở mức bình thường. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo những người trên 20 tuổi có huyết áp bình thường nên kiểm tra huyết áp 1 đến 2 năm một lần. Đối với những người bị huyết áp cao, bác sĩ có thể đề nghị một lịch kiểm tra khác.
Lượng rau củ quả tiêu thụ
Khi nhắc đến chế độ ăn kiêng, lượng trái cây và rau củ mà một người tiêu thụ mỗi ngày là một chỉ số vô cùng quan trọng.
Một nguyên tắc chung là lượng rau và trái cây tiêu thụ mỗi ngày - đặc biệt là các loại rau không chứa tinh bột rất tốt cho sức khỏe nói chung cũng như thể chất nói riêng do rau củ quà giàu dinh dưỡng lại ít calo.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, một người trưởng thành hàng ngày nên tiêu thụ ít nhất từ 300 gam rau xanh và 100 – 200 gram hoa quả sẽ giúp phòng chống nguy cơ mắc các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng.
Mức cholesterol
Ở độ tuổi 20 trở lên việc kiểm tra lượng cholesterol (bao gồm cả cholesterol tốt và cholesterol xấu) nên diễn ra ít nhất 5 năm một lần.
Việc này đóng vai trò quan trọng để kiểm tra đánh giá sức khỏe tổng thể cũng như xem xét tới các rủi ro có liên quan tới bệnh béo phì, máu nhiễm mỡ hay bệnh tim.
Lượng đường trong máu
Xét nghiệm đường huyết lúc đói (sau khi nhịn ăn trong 8 giờ) để đo lượng glucose trong máu là cách mà bác sĩ kiểm tra nguy cơ tiểu đường.
Thông thường, bất cứ khi nào bạn ăn, lượng đường trong máu sẽ tăng lên. Các tế bào có thể lấy lượng đường đó ra khỏi máu và sử dụng nó làm năng lượng nhưng chỉ với sự trợ giúp của insulin, một loại hormone do tuyến tụy tạo ra.
Ảnh minh hoạ.
Theo AHA, bệnh tiểu đường xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc sử dụng nó không hiệu quả khiến có quá nhiều đường tồn tại trong máu. Theo thời gian, điều này có thể làm tổn thương mắt, thận, dây thần kinh hoặc tim.
Chính vì vậy, việc kiểm tra đường huyết tầm soát bệnh tiểu đường nên được thực hiện khoảng 3 năm một lần với người khỏe mạnh và thời gian sẽ ngắn hơn với người có yếu tố nguy cơ như béo phì hay tiền tiểu đường.
Thời gian vận động
Hoạt động thể chất rất quan trọng để duy trì xương chắc khỏe, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và cải thiện tâm trạng.
Các nghiên cứu cũng cho thấy mối liên hệ giữa việc tập thể dục mỗi ngày ít nhất 30 phút với việc kéo dài tuổi thọ và giảm nguy cơ mắc Alzheimer cũng như các yếu tố sức khỏe khác.
Các tổ chức tim mạch trên thế giới khuyến nghị nên đi 10.000 bước mỗi ngày, tương đương với khoảng 8 km để có trái tim khỏe mạnh.
Lượng đồ uống có cồn
Uống quá nhiều rượu bia và các thức uống có cồn khác luôn có hại cho sức khỏe.
Theo CDC Mỹ, các vấn đề sức khỏe ngắn hạn có thể gặp phải khi uống rượu bia quá nhiều bao gồm nguy cơ chấn thương, ngộ độc rượu... và theo thời gian có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như gan nhiễm mỡ do rượu, ung thư, bệnh tim, huyết áp cao, xơ gan, các vấn đề về trí nhớ và nhận thức...
Ảnh minh hoạ.
Số giờ ngủ
Thiếu ngủ có liên quan đến tăng huyết áp, tiểu đường và thậm chí làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ lên mức tương đương với việc hút thuốc lá.
Chính vì vậy, việc đảm bảo số giờ ngủ đóng vai trò quan trọng đối với sức khoẻ mỗi người. Đối với người từ 18 tuổi trở nên, thời gian ngủ khuyến cáo từ 7 đến 9 tiếng.