Hơn 200 hộ gia đình tại Thanh Hóa bị ảnh hưởng biển xâm thực
3,6 km bờ biển bị xâm thực, ảnh hưởng đến 205 hộ gia đình, chính quyền huyện Hoằng Hóa đề nghị công bố tình trạng khẩn cấp.
Do ảnh hưởng của triều cường, sóng lớn với tần suất cao cùng với hoàn lưu bão số 2, từ tháng 7/2024, khu vực bờ biển các xã: Hoằng Trường, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) xuất hiện nhiều điểm sạt lở nặng.
Theo báo cáo của UBND huyện Hoằng Hóa, tình trạng biển xâm thực dẫn đến sạt lở xảy ra rất nhanh, nguy hiểm, phạm vi xói lở khoảng 25ha. Có khoảng 2 km bờ biển tại xã Hoằng Thanh và Hoằng Phụ bị xâm thực. Con số này tại xã Hoằng Trường là 1,6km. Điểm xâm thực sâu nhất lên tới 100m, ảnh hưởng đến 205 hộ gia đình với 630 nhân khẩu thuộc 3 xã.
Ông Trương Văn Vện, 79 tuổi ở thôn Đông Xuân Vi, xã Hoằng Thanh cho hay, hiện tượng xâm thực, sạt lở diễn ra từ nhiều năm nhưng cao điểm nhất là từ tháng 7, tháng 8. Chỉ vào những gốc cây phi lao bị sóng đánh bật gốc, ông Vện lo lắng khi mùa mưa bão đang đến, nếu chính quyền không có giải pháp kịp thời, bờ biển còn có thể bị sạt lở nặng hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
Một căn nhà ở thôn Đông Xuân Vi được xây từ mấy chục năm trước, nay bị sóng đánh sập nguyên một gian trước, giờ trở thành nhà hoang. Bà Vũ Thị Liên, người dân ở đây nói, chủ nhân của ngôi nhà đã rời đi vì không đảm bảo an toàn.
Nhiều năm qua, chính quyền địa phương mới chỉ xử lý tình huống theo phương châm “bốn tại chỗ” nhằm giảm thiểu tình trạng xói lở, xâm thực. Tuy nhiên cứ qua mùa mưa bão, bao cát, rọ đá, cọc tre lại bị cuốn trôi. Hiện trường bờ biển khu vực giáp ranh 2 xã Hoằng Phụ và Hoằng Thanh cho thấy, còn rất nhiều gạch đá, bê tông bị sóng đánh, nằm ngổn ngang lẫn với rác thải.
Tại xã Hoằng Trường, nhiều tháng qua, hơn chục hộ gia đình làm nghề đánh bắt hải sản bằng bè mảng gặp khó khi điểm vuốt mái đê để di chuyển tàu thuyền bị sóng đánh sập. Hiện vẫn còn 1 vị trí để di chuyển bè mảng nhưng ngư dân ở đây cho biết với tốc độ xâm thực mạnh như hiện nay, không biết khi nào những tấm bê tông mái đê kia sẽ sập?
Tại bờ biển khu vực thôn Vân Phong, xã Hoằng Trường cách điểm vuốt mái đê chừng 300m, điểm sạt lở đã vào sát đường nội bộ của khu du lịch. Triều dâng, sóng mạnh khiến rất nhiều cây phi lao chắn sóng bật gốc, tạo thành các hoắm sâu hàm ếch rất nguy hiểm.
Ông Lê Thanh Cảnh, Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường cho biết, trước mắt địa phương đã căng dây, cắm biển cảnh báo, theo dõi chặt chẽ, đồng thời lên phương án gia cố tạm thời theo chỉ đạo của huyện.
Chiều 14/8, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đã đến các vị trí sạt lở kiểm tra. Ông Hưng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa hướng dẫn UBND huyện Hoằng Hóa thực hiện các biện pháp tạm thời nhằm làm giảm thiệt hại do biển xâm thực.
Bí thư Thanh Hóa đồng ý về chủ trương sử dụng nguồn vốn ngân sách dự phòng của tỉnh để hỗ trợ huyện Hoằng Hóa xây dựng kè biển nhằm ngăn chặn biển xâm thực gây thiệt hại tài sản của người dân và đất đai.
Song song với việc theo dõi chặt chẽ diễn biến, cắm biển cảnh báo, mở sổ theo dõi tình trạng xâm thực, xử lý tình huống theo phương châm “bốn tại chỗ”, UBND huyện Hoằng Hóa đang xây dựng bổ sung phương án trọng điểm phòng chống thiên tai năm 2024.
UBND huyện Hoằng Hóa cũng đã có công văn báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị công bố tình huống khẩn cấp xâm thực, sạt lở bờ biển tại các xã Hoằng Phụ, Hoằng Thanh, Hoằng Trường để nhanh chóng triển khai các biện pháp xử lý, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, khách du lịch và tài sản của các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở.
Hiện tượng biển xâm thực tại Hoằng Hóa diễn ra nhiều năm nay. Tại thời điểm tháng 10/2022, sóng biển dâng cao, diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, đe dọa cuộc sống của 21 hộ dân với 77 nhân khẩu, phá vỡ quy hoạch quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa.
Sau khi công bố tình huống khẩn cấp, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án kè chống sạt lở, xâm thực biển tại khu vực cửa lạch Hới, thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ với tổng mức đầu tư hơn 150 tỷ đồng do Công ty TNHH Hoàng Tuấn thi công. Đến nay, dự án đã hoàn thành với một tuyến đê kè biển dài 1,62km, đảm bảo an toàn cho người dân và tạo mỹ quan cho khu vực Lạch Hới.
Một số hình ảnh sạt lở bờ biển tại Hoằng Hóa, Thanh Hóa