Chủ nhật, 24/11/2024 00:27     |   Tiêu dùng     |   Nhịp sống miền Tây     |   Phụ nữ Sức khoẻ
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ sáu, 01/08/2014 17:32

Hỏi đáp về Phật giáo (1)

Danh từ Phật giáo (Buddhism) xuất nguyên từ chữ "buddhi", có nghĩa "giác ngộ", "thức tỉnh", và như vậy, Phật giáo là tôn giáo đưa đến giác ngộ.

Phật giáo là gì?

HỎI: Phật giáo là gì?

ĐÁP: Danh từ Phật giáo (Buddhism) xuất nguyên từ chữ "buddhi", có nghĩa "giác ngộ", "thức tỉnh", và như vậy, Phật giáo là tôn giáo đưa đến giác ngộ. Giáo thuyết này phát xuất từ kinh nghiệm của một người, Ngài Siddhatta Gotama (Sĩ-đạt-ta Cồ-đàm), tự mình giác ngộ vào lúc 35 tuổi và được tôn là Phật. Đến nay, Phật giáo tồn tại hơn 2.500 năm và có khoảng 300 triệu tín đồ trên khắp thế giới. Cho đến cách đây độ một trăm năm, Phật giáo chính yếu là một triết học của người Á Đông, nhưng rồi dần dần có thêm nhiều người Âu, Úc và Mỹ lưu tâm đến.

HỎI: Như vậy, Phật giáo chỉ là một triết học (philosophy)?

ĐÁP: Danh từ "philosophy", triết học, có hai phần: "philo" có nghĩa ưa thích, yêu chuộng, và "sophia" có nghĩa trí tuệ. Như vậy, triết học (philosophy) là sự yêu chuộng trí tuệ, hoặc tình thương và trí tuệ. Cả hai ý nghĩa này mô tả Phật giáo một cách toàn hảo. Phật giáo dạy ta nên cố gắng phát triển trọn vẹn khả năng trí thức để có thể thông suốt rõ ràng. Phật giáo cũng dạy ta phát triển lòng từ bi để có thể là người bạn thật sự của tất cả mọi chúng sinh. Như vậy, Phật giáo là một triết học, nhưng không phải chỉ là một triết học. Phật giáo là triết học tối thượng.

Đức Phật là ai?

HỎI: Đức Phật là ai?

ĐÁP: Vào năm 623 trước Tây Lịch, một cậu bé được sinh ra trong một hoàng tộc tại miền bắc xứ Ấn Độ. Vị hoàng tử trưởng thành trong nhung lụa, trong cảnh giàu sang nhung lụa, nhưng rồi sớm nhận thức rằng tiện nghi vật chất và an toàn trong thế gian không bảo đảm được hạnh phúc. Ngài động lòng trắc ẩn sâu xa trước hoàn cảnh khổ đau của những người sống chung quanh và nhất định tìm cho ra bí quyết của hạnh phúc nhân loại.

Vào năm 29 tuổi, Ngài rời vợ và con, cất bước lên đường, rồi ngồi lại dưới chân những vị đạo sư trứ danh thời bấy giờ để học. Những vị này dạy Ngài nhiều điều, nhưng không vị nào thật sự hiểu biết nguồn cội khổ đau của nhân loại và làm thế nào để vượt thoát ra khỏi nguồn cội khổ đau đó. Cuối cùng, sau sáu năm tu học và hành thiền, Ngài thu hoạch đủ kinh nghiệm để tự phá vỡ màn vô minh và thành đạt giác ngộ.

Kể từ đó, Ngài được tôn là Phật, bậc Chánh đẳng Chánh giác. Trong bốn mươi lăm năm trường, Ngài chu du cùng khắp miền bắc xứ Ấn Độ để dạy người khác những gì chính Ngài đã chứng ngộ. Lòng từ bi và hạnh nhẫn nhục của Ngài quả thật là kỳ diệu, và hằng ngàn người đã theo Ngài, trở thành tín đồ Phật giáo. Đến năm được tám mươi tuổi thọ, già yếu và bệnh hoạn, nhưng lúc nào cũng hạnh phúc và an bình, Ngài nhập diệt.

hoi-dap-ve-phat-giao-1-giadinhonline.vn 1

Lòng từ bi và hạnh nhẫn nhục của Đức Phật đã khiến cho hằng ngàn người đi theo Ngài và trở thành Phật tử.

HỎI: Đức Phật ra đi, lìa bỏ vợ con, như vậy có phải là lẩn tránh nhiệm vụ không?

ĐÁP: Đối với Đức Phật, dứt lìa gia đình để ra đi có thể không phải là chuyện dễ. Chắc chắn là Ngài đã đắn đo thắc mắc và do dự lâu ngày trước khi quyết định. Trước mặt Ngài có hai con đường: hiến thân cho gia đình, và tự hiến mình cho toàn thể thế gian. Sau cùng, vì lòng từ bi vô lượng, Ngài quyết định tự cống hiến cho thế gian. Và đến nay, toàn thể thế gian vẫn còn thọ hưởng những lợi ích từ lòng hy sinh cao cả của Ngài. Đây không phải là sự lẩn tránh trách niệm. Đây có lẽ là cuộc hy sinh có nhiều ý nghĩa cao cả nhất, từ xưa đến nay.

HỎI: Đức Phật đã nhập diệt, làm thế nào Ngài có thể giúp ta?

ĐÁP: Ông Faraday là người khám phá ra điện, ông nay đã qua đời, nhưng những gì ông sáng chế vẫn còn giúp ích cho chúng ta. Ông Louis Pasteur đã tìm ra phương thức trị liệu cho nhiều chứng bệnh. Ông ta đã chết, nhưng đến nay những khám phá y khoa ấy vẫn còn cứu mạng nhiều người. Ông Leonardo da Vinci, người sáng tạo nhiều tác phẩm mỹ thuật, nay đã chết. Nhưng, những gì ông sáng tác vẫn còn làm phấn khởi tinh thần và giúp cho nhiều người hoan hỷ thưởng thức.

Những bậc cao nhân và anh hùng hào kiệt đã ra người thiên cổ từ cả mấy thế kỷ, nhưng khi đọc lại lịch sử oai hùng về những gì các vị ấy đã làm và thành tựu, chúng ta vẫn còn tìm được nguồn gợi cảm và muốn làm như các ngài. Đúng vậy, Đức Phật đã nhập diệt, nhưng 2.500 năm sau, giáo huấn của Ngài vẫn còn tế độ chúng sinh, gương lành của Ngài vẫn còn là nguồn gợi cảm cho nhiều người, những lời dạy của Ngài vẫn còn làm thay đổi nhiều cuộc sống. Chỉ có Đức Phật mới có thể có oai lực hùng mạnh như thế ấy, trong nhiều thế kỷ sau khi chết.

HỎI: Đức Phật có phải là một thần linh không?

ĐÁP: Không, Ngài không phải thần linh. Ngài không bao giờ tự xưng là thần linh, là con của một thần linh hay là sứ giả của một thần linh. Ngài là một con người đã tự cải thiện để trở nên toàn hảo, và dạy rằng nếu ta noi theo gương lành ấy, chính ta cũng có thể trở nên toàn hảo như Ngài.

HỎI: Nếu Đức Phật không phải là thần linh, tại sao người ta sùng kính lễ bái Ngài?

ĐÁP: Có nhiều cách lễ bái khác nhau. Khi lễ bái thần linh, người ta tán thán công đức và tôn vinh, dâng cúng lễ vật và van xin ân huệ, tin tưởng rằng vị thần linh sẽ lắng tai nghe lời mình tán thán công đức, sẽ nhận lãnh lễ vật, và sẽ thoả mãn lời cầu nguyện của mình. Người Phật tử không tự nuông chiều trong loại lễ bái ấy.

Còn phương cách lễ bái khác là để tỏ lòng tôn kính người hay vật mà mình khâm phục. Khi vị thầy giáo bước vào phòng, ta đứng dậy. Khi gặp người đáng tôn kính, ta xá chào. Khi nghe quốc thiều trổi lên, ta nghiêm chỉnh đứng chào. Đó là những cử chỉ tôn kính và lễ bái để tỏ lòng cảm phục và kính mộ của ta đối với một người hay một vật nào. Đó là loại lễ bái của người Phật tử.

Một pho tượng Phật trong tư thế ngồi với hai tay dịu dàng đặt trên vế, với nụ cười tự tại, từ ái và bi mẫn, nhắc nhở chúng ta nỗ lực phát triển tình thương và an định nội tâm. Hương trầm nhắc ta mùi hương thâm diệu của giới đức, ngọn đèn tượng trưng ánh sáng của trí tuệ, và những cành hoa sớm nở tối tàn khơi dậy nơi ta ý niệm về đặc tướng vô thường của vạn pháp. Khi lễ lạy, ta bày tỏ lòng tri ân đối với Đức Phật, vì Ngài đã ban truyền cho ta những lời dạy vô cùng hữu ích. Đó là ý nghĩa của lễ lạy trong Phật giáo.

Trích Khéo vấn, khéo đáp - Nguyên tác: Good Question, Good Answer

Tác giả: Tỳ khưu Shravasti Dhammika - Dịch giả: Phạm Kim Khánh & Bình Anson


Tags:
Cuộc sống 9 hộ gia đình 'mắc kẹt' nơi nghĩa trang: Ngày nghe kèn, đêm tiếng thầy cúng
7 năm chống chọi ung thư, đau đáu một điều mong con được học hành khôn lớn
Vợ mất do ung thư, con TNGT, bố mắc bệnh hiểm nghèo nguy cơ đột tử
Thanh Hoá: Gần 100 hộ gia đình thị xã khốn khổ vì đường điện tự làm từ 20 năm trước
Ông nội cắm sổ đỏ cứu cháu mắc bệnh tim hiểm nghèo
Khám chữa bệnh BHYT được chi trả như thế nào từ ngày 1/7?
Những trường hợp bắt buộc phải đổi thẻ Căn cước công dân từ 01/07/2024
Mẹ già bán nhà giữ sinh mạng con trai bị điện giật nguy kịch
Hàng xóm góp gạo, củi khô lo hậu sự cho nạn nhân vụ cháy nhà ở Trung Kính - Hà Nội
Mồ côi bố mẹ, nam thanh niên 'khuyết tật' đang từng ngày vật lộn với bệnh tim
Ông nội nhọc nhằn níu giữ sự sống cho cháu trai mắc bệnh tan máu bẩm sinh
Nhặt ve chai nuôi vợ con tâm thần, lo cháu ngoại ăn học
Mẹ con tật nguyền mưu sinh trong ngôi nhà chưa đầy 10m2
Mỗi tuần một địa chỉ nhân đạo giúp 10 gia đình nghèo ổn định cuộc sống
Vợ bệnh tật hơn 6 năm chăm chồng bị liệt
Bé trai 6 tuổi mắc xơ gan hiếm gặp, mất 200 triệu đồng vẫn đau đớn từng ngày
Éo le phận đời 4 chị em mất mẹ giữa những ngày mưa lũ
Xem thêm