Hi sinh "món hời" thưởng Tết, nhân viên văn phòng quyết nhảy việc cuối năm
Thưởng Tết là phúc lợi lớn nhất mà người đi làm kỳ vọng nhận được sau một năm nỗ lực làm việc. Thế nhưng nhiều người lại đưa ra quyết định nghỉ việc và từ bỏ mức tiền thưởng đó.
Không phải ai cũng có thể tìm được công việc như ý ngay từ đầu, nhiều lúc chuyển việc mới chính là sự lựa chọn đúng đắn. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng của các công ty luôn lên xuống thất thường nhất là trong thời điểm khó khăn như hiện nay. Trong một năm, sẽ có những lúc các công ty ồ ạt tuyển dụng, nhưng có khi lại chẳng tuyển vị trí nào.
Đối với người đi làm, cuối năm không phải là thời điểm tốt để nghỉ việc, không có tiền thưởng cuối năm, tìm được công việc tiếp theo một cách nhanh chóng cũng không phải chuyện dễ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lựa chọn nghỉ việc vào thời điểm này.
Quốc Trung, nhân sự vừa nghỉ việc để chuyển sang làm Freelancer cho biết: “Mình nghĩ có 3 lý do để nhân viên nghỉ làm vào giai đoạn này. Thứ nhất là do chế độ lương thưởng ở công ty đó không được như kỳ vọng.
Thứ hai, đây là thời điểm các công ty có nhiều dự án cần chạy KPI nên khối lượng công việc rất lớn khiến nhân sự cảm thấy stress. Môi trường làm việc áp lực cũng là lý do mà khiến nhiều người nghỉ việc.
Quốc Trung, 23 tuổi, sống tại Hà Nội.
Thứ 3, cuối năm là thời điểm mà các công ty có ít biến động về nhân sự vì ai cũng đợi lương thưởng Tết”.
Bản thân Quốc Trung cũng lựa chọn nghỉ việc trong giai đoạn này vì có những dự định riêng.
Đào Thị Phương Dung từng bỏ công việc văn phòng ngay trước thời gian nghỉ tết: “Mình không còn cảm thấy hứng thú và tìm được niềm cảm hứng trong công việc cũ nữa. Chưa kể, mình đã dành nhiều thời gian cho công việc mà quên mất chăm sóc cho bản thân và gia đình, vì vậy mình muốn nhân cơ hội dịp nghỉ lễ này để nghỉ việc sớm hơn và dành nhiều thời gian cho những người mình yêu”.
Theo quan điểm của Phương Dung, nghỉ việc sẽ không liên quan tới Tết hay không và việc phải nghỉ việc trước Tết cũng là điều không ai mong muốn.
Tuy nhiên, khi một công việc không còn phù hợp và khi đã có duyên với một công việc mới, chúng ta nên cho mình cơ hội thay đổi dù là Tết hay không.
“Đối với mình, chọn được một công việc phù hợp với khả năng và sở thích của mình, để được làm việc với một tinh thần thoải mái, từ đó có một lối sống tích cực hơn, ngày nào cũng là ngày vui vẻ dù phải đi làm từ sáng tới tối thì mình cũng sẽ ưu tiên cho nó” – Phương Dung nói.
Đào Thị Phương Dung, 27 tuổi, sống tại Hà Nội.
Cùng quan điểm với Phương Dung, Thúy Ngà, phóng viên tại Hà Nội chia sẻ: ““Nghỉ việc giai đoạn cuối năm là lựa chọn khá “táo bạo” nhưng mình tin chắc chắn những ai đang đi làm và quyết định nghỉ thời điểm này thì họ đều đã có sẵn những kế hoạch trong đầu. Nếu bản thân đủ tự tin và sẵn sàng chinh chiến, dám đương đầu với khó khăn thì có thể tìm cho mình lựa chọn mới và hướng đi mới".
Tuy nhiên, không phải ai cũng muốn nghỉ việc vào thời điểm này.
Việt Trinh, nhân viên ngân hàng chưa bao giờ nghĩ sẽ nhảy việc trước Tết bởi môi trường cô làm đang khá dễ chịu, lương thưởng hậu hĩnh, đồng nghiệp dễ mến.
Hoàng Việt Trinh, 26 tuổi, sống tại Hà Nội.
“Nhiều người nhảy việc trong thời điểm này chủ yếu là vì cơ hội mới tới hấp dẫn và hứa hẹn hơn công việc cũ của họ nên họ cần nắm bắt luôn. Ngoài ra, Công việc cũ gây nhiều stress, lương thưởng không cao hoặc thưởng tết không nhiều, không hợp với văn hoá công ty, với sếp cũng sẽ là động lực để họ nghỉ việc trước tết” – cô cho hay.
Nghỉ việc hay ở lại gắn bó với công ty trong thời điểm cuối năm đều không có câu trả lời chung mà phụ thuộc vào từng hoàn cảnh khác nhau. Dù đưa ra lựa chọn nào, bạn cũng nên làm tốt công việc của mình và chịu trách nhiệm với lựa chọn đó.