Hậu quả khôn lường từ hôn nhân cận huyết
Hôn nhân cận huyết là tình trạng vẫn còn tồn tại ở các vùng dân tộc thiểu số miền núi. Đây cũng là nguyên nhân suy giảm chất lượng dân số trầm trọng, nguy cơ sinh ra con dị tật, mang nhiều bệnh di truyền.
Tỷ lệ hôn nhân cận huyết vùng dân tộc thiểu số còn cao
Trong những năm qua, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã gây những ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em; làm suy giảm chất lượng dân số; ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.
Sau 5 năm thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025" (Đề án 498), tỷ lệ kết hôn cận huyết trong vùng DTTS có xu hướng giảm nhưng không đáng kể. Tỷ lệ người DTTS kết hôn cận huyết thống năm 2018 là 5,6%, giảm 0,9% so với năm 2014 (6,5%).
Theo giới tính, tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống năm 2018 của nam DTTS là 5,29%, giảm 1,26% so với năm 2014 là 6,55%; và tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống của nữ DTTS năm 2018 là 5,87%, giảm 0,5% so với năm 2014 là 6,37%.
Ảnh minh họa
Tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống cao nhất năm 2018 gồm Mnông 37,7%, (nam 40,57% và nữ 35,38%), La Chí 30,8% (nam 27,43% và nữ 33,64%), Bru Vân Kiều 28,6% (nam 28,81% và nữ 28,41%), Cơ Tu 28,0% (nam 10,92% và nữ 43,21%) và Lô Lô 22,4% (nam 25,41% và nữ 20,02%).
Một số DTTS có tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống cao năm 2014, đến năm 2018 đã không còn tình trạng này như Mạ, Mảng, Cơ Ho, Kháng, Chứt. Tuy nhiên, năm 2018 cũng ghi nhận sự gia tăng của tỷ lệ kết hôn cận huyết thống ở một số DTTS như: La Chí (tăng từ 10,1% năm 2014 lên 30,8% năm 2018), Bru Vân Kiều (tăng từ 14,3% năm 2014 lên 28,6% năm 2018), Lô Lô (tăng từ 8,3% năm 2014 lên 22,4% năm 2018), Gia Rai (tăng từ 9,1% năm 2014 lên 14,6% năm 2018) và La Ha (tăng từ 7,6% năm 2014 lên 11,0% năm 2018).
Hôn nhân cận huyết sinh ra trẻ nhiều bệnh tật
Y học đã chứng minh tác hại của những cặp hôn nhân cận huyết: Những cặp vợ chồng khỏe mạnh lại có thể sinh con dị dạng hoặc mang bệnh tật di truyền như mù màu (không phân biệt được màu đỏ và màu xanh), bạch tạng, da vảy cá...
Giải thích hiện tượng này, di truyền học cho biết, mọi đặc điểm trên cơ thể đều được quy định bởi gene, kể cả trường hợp bệnh lý. Cơ thể mỗi người có khoảng 500 - 600 nghìn gene, trong số đó không tránh khỏi có dăm bảy gene lặn bệnh lý, chưa có điều kiện bộc lộ gây tác hại.
Gene lặn bệnh lý tồn tại dai dẳng trong dòng họ từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nếu cuộc hôn nhân được tiến hành với người khác dòng họ thì nguy cơ bệnh bộc phát thường không cao. Trái lại, hôn nhân cận huyết chính là điều kiện thuận lợi cho những gene lặn bệnh lý tương đồng gặp gỡ nhau, sinh những đứa con bệnh tật hoặc dị dạng di truyền.
Ở những quần thể dân cư nhỏ sống biệt lập (không có điều kiện kết hôn rộng ra với các quần thể dân cư khác), các bệnh tật di truyền bẩm sinh rất cao.
Ảnh minh họa
Trẻ được sinh ra từ cuộc hôn nhân cận huyết dễ mắc các bệnh lý di truyền nguy hiểm. Những bệnh lý có thể xảy ra ở thế hệ sau của một cuộc hôn nhân cận huyết gồm: Sớm bị khiếm thính và suy giảm thị lực. Dị tật bẩm sinh vì rối loạn di truyền. Khuyết tật hoặc chậm phát triển về mặt trí tuệ. Chậm hoặc không thể phát triển thể chất. Động kinh. Bị các bệnh lý rối loạn máu. Ngoài ra, hôn nhân cận huyết còn có thể dẫn đến tình trạng thai lưu, sảy thai,...
Trẻ được sinh ra từ cuộc hôn nhân cận huyết rất dễ mắc các bệnh dị dạng về xương, thiểu năng trí tuệ, phình to bụng, bạch tạng, tan máu bẩm sinh, thiếu men G6PD, hồng cầu liềm,... và nguy cơ tử vong là rất lớn. Cứ như thế, những bệnh lý này di truyền đến các thế hệ sau và kết quả là dần dần nòi giống sẽ bị suy thoái.
Đặc biệt, những đứa trẻ được sinh ra từ cha mẹ cùng huyết thống có tời 50% mang gen bệnh và 25% khả năng bị mắc bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh di truyền). Bệnh lý này hiện chưa có biện pháp điều trị khỏi, chi phí trị bệnh vô cùng tốn kém và người bệnh sẽ phải điều trị cả cuộc đời nên trở thành gánh nặng cho cả xã hội và gia đình, khiến thế hệ tương lai phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề.
Những cuộc hôn nhân cận huyết đã và đang gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng dân số, nhân lực và nòi giống của các dân tộc thiểu số nước ta nói riêng và toàn đất nước nói chung. Nó được xem là rào cản cho sự phát triển xã hội và kinh tế, kéo lùi tiến bộ xã hội
Những vùng có tỷ lệ kết hôn cận huyết cao đang phải đứng trước nguy cơ suy thoái giống nòi. Không những thế, những nơi này còn phải chịu gánh nặng từ việc chi trả chi phí chăm sóc và điều trị các bệnh lý di truyền do hôn nhân cận huyết gây ra nên kinh tế rất khó phát triển.