Grabtaxi được cấp phép hoạt động: Lãnh đạo ngành giao thông nói gì?
Trong khi thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) Nguyễn Hồng Trường bày tỏ những lạc quan khi Grabtaxi đã được chính thức cấp phép hoạt động thì đại diện Hiệp hội vận tải Hà Nội (HHVTHN) lại tỏ ra hồ nghi và bức xúc về điều này.
Mở lối tiên phong có làm nên chuyện?
Sau một thời gian bị những lời đồn thất thiệt về việc trốn thuế, chạy chui, không giấy phép, bất ổn… GrabTaxi đã trả lời dư luận bằng một văn bản chính thức từ Chính phủ cho phép ứng dụng này được hoạt động thí điểm một cách hợp pháp. Qua đó, hãng này khẳng định, GrabTaxi luôn ý thức và nỗ lực trong việc kinh doanh minh bạch, phù hợp với văn hóa và chuẩn mực pháp lý của Việt Nam.
"Mở lối tiên phong” trong việc mang công nghệ vào ngành vận tải, GrabTaxi luôn ý thức và nỗ lực trong việc kinh doanh minh bạch, phù hợp với văn hóa và chuẩn mực pháp lý của Việt Nam. Tuy nhiên gần đây HHVTHN lại có đề nghị dừng hoạt động của Uber và Grabtaxi trên toàn quốc.
Grabtaxi có chiến lược truyền thông tốt, giá rẻ nhưng cơ chế bỏ tiền túi để bù lỗ khiến nhiều người lo ngại sẽ không bền
Trả lời phỏng vấn về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, HHVTHN cũng chưa hiểu rõ thế nào là Grabtaxi, Uber nên ông đề nghị các hiệp hội vận tải tìm hiểu thêm.
Trước kiến nghị của HHVTHN đề nghị dừng hoạt động của Uber và Grabtaxi trên toàn quốc, thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định: Grabtaxi đã thực hiện tốt việc sử dụng công nghệ thông tin, kết nối hành khách với doanh nghiệp vận tải. Đây là cách làm sáng tạo, ứng dụng được công nghệ thông tin vào thủ tục hành chính trong vận tải nên Bộ có kiến nghị Chính phủ trước mắt giao cho Công ty Grabtaxi thí điểm tại 5 thành phố lớn: Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng.
Tuần trước, Thủ tướng đã đồng ý, giao cho Bộ triển khai, thời gian thí điểm đến hết 2018 sau đó sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm có cho phép nhân rộng hay không.
“Chúng tôi tin rằng, việc kết nối dịch vụ vận tải này sẽ trợ giúp các hiệp hội vận tải triển khai hợp đồng vận tải theo chuyến trước đây làm bằng giấy, bằng tay nay thay bằng công nghệ thông tin, điện tử, minh bạch hóa hợp đồng vận tải, minh bạch giá phí, và giúp kiểm soát bất cứ hợp đồng nào, kiểm soát được các vi phạm có thể có mà không ảnh hưởng gì đến hợp đồng kinh doanh theo chuyến hiện nay.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường
Các công ty có giấy phép hoạt động vận tải theo chuyến vẫn hoạt động bình thường, với sự trợ giúp công nghệ kết nối. Còn nếu công ty nào không có giấy phép vận tải theo chuyến thì sẽ bị xử lý”.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng, ông hiểu điều mà HHVTHN lo ngại là việc các đơn vị không có giấy phép vận tải nhưng vẫn tham gia các hoạt động dịch vụ vận tải theo hình thức kết nối như Grabtaxi, xây dựng các hợp đồng mà hoạt động bất hợp pháp.
“Tuy nhiên, không thể xem Grab và Uber giống nhau đươc vì Grab taxi sử dụng xe đã có biển hiệu, biển số, đã đóng thuế, hoạt động an toàn với cả người lái, hành khách... và đã công khai còn Uber thực chất là cách thức sử dụng xe nhàn rỗi để tham gia vận chuyển. Lẽ ra, các xe đó (Uber) phải đăng ký vào một DN vận tải, được phép chuyên chở, phải được kiểm tra bất cứ lúc nào và dễ dàng được quản lý trên hệ thống. Cơ quan quản lý phải dễ dàng xem xe ông vận tải theo công ty nào... Nhưng tôi cho là HHVTHN cũng chưa hiểu rõ thế nào là Grabtaxi thế nào là Uber”, thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết.
Được biết, sau khi Grabtaxi được cấp giấy phép hoạt động chính thức, nhiều tài xế của Uber đã bỏ rơi hãng này để đầu quân cho Grabtaxi.
Thị trường taxi đang có nhều bất bình đẳng
Trước những nhận định của thứ trưởng Bộ GTVT, mới đây chia sẻ với báo Gia đình Việt Nam, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, kết luận về Hiệp hội vận tải Hà Nội như thế là hơi vội. “Chúng tôi kiến nghị lãnh đạo Bộ đọc kỹ nội dung công văn số 17 của Hiệp hội vận tải Hà Nội. Grab taxi có sự cải tiến kỹ thuật, đầu tư, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên Grab taxi đã huy động những xe ô tô cá nhân, không mào, không biển đưa ra hoạt động như thế là không phù hợp với chính những văn bản quy định do chính phủ và Bộ GTVT đưa ra, phá vỡ những quy ước, quy chế về luật giao thông từ trước đến nay, làm rối loạn hệ thống thị trường taxi ở Hà Nội”.
“Thí điểm mô hình taxi này ở các thành phố đông dân cư như Hà Nội hay TPHCM đều chưa phù hợp với hạ tầng vì mật độ giao thông ở đó còn quá đông. Trong khi vấn nạn ùn tắc nay còn lâu mới giải quyết được. Việc huy động xe cá nhân sẽ làm cho tình trạng giao thông thêm tồi tệ”, ông Liên cho biết.
“Hai tháng vừa qua sở GTVT HN đã cấp thêm 2000 giấy chứng nhận cho xe bốn chỗ chạy hợp đồng hoạt động. Nói như thế để thấy mật độ phương tiện hoạt động ở HN cũng như các thành phố khác càng ngày càng tăng với mức độ chóng mặt”.
Theo ông Bùi Danh Liên, việc cho Grab taxi hay Uber hoạt động như hiện nay sẽ gây nên sự bất bình đẳng. “Xe taxi có mào, có biển, có các thiết bị để giám sát hành trình như đồng hồ đo cây số, tổng đài thì bị hạn chế. Ngược lại những xe như Grab hay Uber thì có thể hoạt động tự do”.
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội
Lấy ví dụ ở cung đường cầu Chương Dương, chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội phân tích: “Với cơ chế hoạt động hiện nay, phương tiện vận tải hành khách công cộng được nhà nước cấp phép (taxi có mào) không được qua cầu trong khi những taxi tư nhân được “biến hóa” kiểu như Grab, Uber thì lại được hoạt động ở các tuyến đường cấm, gây ùn tắc, tai nạn”.
Ông Liên bức xúc: “Nói chúng tôi kiến nghị cấm tất cả là không đúng. Chúng tôi chỉ kiến nghị cấm đối với những xe vi phạm pháp luật, vi phạm những quy định do chính phủ và Bộ GTVT ban hành. Bây giờ Bộ GTVT đồng ý cho Grab taxi hoạt động nghĩa là phủ nhận và phá hủy chính những quy định mình đã đề ra trước đó”.
Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội phủ nhận quan điểm cho rằng Hiệp hội chưa hiểu về Grab và Uber. “Công nghệ mà hai hãng taxi này áp dụng cũng không phải là mới. Cũng chưa thể khẳng định Grab hay Uber sẽ thành công tại Việt Nam. Dù xuất hiện và hoạt động ở một số nước trên thế giới nhưng đã có nơi xảy ra các cuộc đình công của các lái xe. Kể cả một nước quản lý thị trường taxi tốt như Singapore cũng đang lúng túng trong việc xử lý đối với Grab”.
“Những gì mà hình thức kinh doanh này làm được chúng ta phải ghi nhận nhưng các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường các mặt quản lý để đảm bảo tính ổn định của nền kinh tế, chính trị, xã hội”.
Cùng với những quan tâm sâu sắc, ông Bùi Danh Liên còn nêu lên một vấn đề mà dư luận cũng đang băn khoăn: “Hiện tại, Hiệp hội vận tải Hà Nội đang khuyến khích các hãng taxi nội địa tăng cường kết nối, hợp tác với Grab và Uber để hoạt động hiệu quả nhất, vừa mang lại kinh tế mà vẫn tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật. Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại rằng, với chính sách đang tự bỏ tiền túi ra để bù lỗ, khuyến mại cho khách hàng, liệu Grab hay Uber có thể tồn tại được lâu dài ở Việt Nam hay không?”.
Đào Bích