Giá xăng giảm sâu, hàng tiêu dùng, dịch vụ vẫn "chưa liên quan"
Trong khi các mặt hàng xăng trong nước vừa có lần thứ 2 giảm giá sâu liên tiếp, giá cả hàng hóa, tiêu dùng vẫn cần thêm thời gian để điều chỉnh.
Hàng hóa, dịch vụ chưa hạ nhiệt
Sau lần giảm giá sâu ngày 21/7, mức giá bán lẻ xăng giảm còn 25.070 đồng/L (xăng E5 RON 92) và 26.070 đồng/L (xăng RON 95), tương đương thời điểm cuối tháng 2. Việc điều chỉnh này được kỳ vọng sẽ giúp giá hàng hóa, dịch vụ hạ nhiệt. Tuy nhiên, tình hình giá cả thị trường vẫn im ắng vì nhiều nguyên do.
Về phía các doanh nghiệp vận tải, ông Tạ Long Hỷ, Tổng giám đốc Vinasun, cho biết xăng dầu thay đổi giá 10 ngày/lần theo chu kỳ điều hành, kỳ này giảm nhưng không đảm bảo được rằng kỳ sau cũng giảm. Ông Hỷ cho rằng, các doanh nghiệp vận tải hành khách vẫn phải quan sát thêm một thời gian. Nếu giá xăng giảm và giữ ổn định trong vài tháng, cước taxi mới có thể giảm.
Tổng giám đốc Vinasun lưu ý thêm, việc tăng hay giảm giá cước vận tải hành khách luôn có độ trễ nhất định. Như loại hình taxi muốn đổi giá phải xin ý kiến các sở, ngành như sở giao thông vận tải, sở tài chính, chi cục thuế… Nếu thay đổi giá cước, phải huy động đồng loạt hàng nghìn chiếc xe về đăng ký giá cước mới..
Đối với thị trường hàng hóa tiêu dùng vốn đã hình thành mặt bằng giá mới do biến động chuỗi cung ứng trong thời gian gần đây, việc điều chỉnh giá cả cũng cần khoảng thời gian nhất định để đảm bảo cơ chế thị trường.
Cô Minh Hồng, chủ một quán cơm văn phòng trên đường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) chia sẻ, sau thời gian dài giá xăng, dầu liên tục tăng giá, khoảng nửa tháng nay quán đã điều chỉnh giá tăng 5.000 đồng/suất cơm.
“Thực tế giá nguyên liệu đầu từ rau, thịt, dầu ăn, nước mắm đã tăng đồng loạt thời gian vừa qua. Chúng tôi chỉ làm ăn buôn bán nhỏ, bên cung cấp báo giá tăng hay giảm thì chúng tôi cũng chỉ đơn thuần nhập về. Giá xăng dầu lại chỉ chiếm phần ít trong cơ cấu giá bán sản phẩm. Vậy nên, khi tăng giá bán, đa phần khách hàng đều thông cảm cho quán chúng tôi”, cô Hồng cho hay
Còn chị Thu Hạnh (ở quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội), với kinh nghiệm nội trợ lâu năm nhận định, riêng các loại thực phẩm, đặc biệt là rau củ thì tăng hoặc giảm giá tùy thời điểm chứ không theo giá xăng dầu. Có lúc giá xăng không thay đổi, giá thực phẩm lại biến động. Nhưng có điều chắc chắn là, mỗi lần giá xăng tăng, giá thịt, rau cũng sẽ tăng, và đã tăng thì sẽ khó xuống. Được biết, ngân sách đi chợ hằng ngày của gia đình chị Hạnh vẫn ở mức khoảng 300.000 đồng, ổn định từ đầu tháng 5 đến nay.
Như vậy, giá xăng, dầu giảm sâu vẫn chưa tác động đáng kể đến thị trường hàng hóa ở thời điểm hiện tại. Cũng cần lưu ý rằng, xăng dầu là chủng loại hàng hóa đặc biệt, khi giá cả mặt hàng này có biến động thì chắc chắn tác động ít nhiều đến các mặt hàng khác, tuy nhiên, không phải ngay tức thì và cũng không giống nhau ở các ngành nghề, lĩnh vực.
Chặn đà leo thang của giá cả
Ghi nhận từ cả giới chuyên gia và người tiêu dùng đều cho thấy, giá cả hàng hóa, dịch vụ có thể phải chờ thêm thời gian mới có xu hướng giảm theo giá xăng, dầu. Song, một tín hiệu tích cực là giá nguyên liệu, giá thuê nhà và nhiều dịch vụ sẽ không lo tăng giá trong thời gian tới.
Giá xăng giảm sâu nhưng giá hàng hoá, dịch vụ vẫn chưa điều chỉnh
Đối với không ít doanh nghiệp, trong bối cảnh đà tăng của một số nguyên vật liệu đã chững lại, cùng với giá xăng dầu liên tục giảm, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ trở nên “dễ thở” hơn so với thời gian trước. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng rất cần các gói hỗ trợ, ưu đãi đặc biệt, dễ tiếp cận từ Chính phủ, giải pháp ổn định thuế, phí từ các cơ quan chức năng, nhất là trong bối cảnh lạm phát, biến động chính trị sẽ gây ra nhiều áp lực về chi phí.
Còn với người dân – đối tượng dễ chịu tổn thương hơn cả trước bão giá, giá xăng, dầu sẽ giảm bớt nỗi lo trong cuộc sống, giúp họ giải tỏa những gánh nặng khi phải vất vả cân đối thu nhập, chi tiêu theo giá cả thị trường.
Theo chuyên gia tài chính, đâu đó vẫn còn thực trạng hàng hóa, dịch vụ “té nước theo mưa” theo giá xăng, khi tăng thì phi mã, khi giảm thì nhỏ giọt. Cơ chế thị trường không có nghĩa là buộc người tiêu dùng phải chấp nhận mức giá vô lý. Bởi vậy, các cơ quan chức năng, quản lý thị trường cần có công cụ đo lường biến động thị trường, thường xuyên rà soát, đối chiếu với giá cả thực ngoài đời sống; đồng thời tính toán chính xác tỉ lệ tăng – giảm giá cả thị trường theo sự điều chỉnh của giá xăng dầu.