Gặp lại người thân đã mất qua Google Maps: Cuộc hội ngộ không lời
Góc phố quen, cánh cổng cũ, một bóng người mờ nhòe trên bản đồ vệ tinh… Những hình ảnh tưởng chừng bình thường ấy lại khiến không ít người rơi nước mắt khi nhận ra người thân của mình vô tình được lưu lại trên ứng dụng Google Maps.
Bản đồ trở thành tấm gương ký ức
Từ đầu năm 2024, nhiều người dùng mạng xã hội chia sẻ lại những bức ảnh chụp màn hình từ Google Maps, trong đó xuất hiện hình ảnh cha mẹ, ông bà, thậm chí là thú cưng của họ, những người không còn hiện diện trong cuộc sống. Trong số đó, bức ảnh một người cha đang ngồi trước hiên nhà ở vùng quê Nhật Bản khiến hàng nghìn người xúc động.
Người đăng tải là một lập trình viên trẻ viết rằng: “Bố tôi mất từ năm ngoái, nhưng khi tôi mở Google Maps, ông vẫn đang ngồi ở đó, dưới mái hiên, như thể chưa từng rời đi”.
Bức ảnh sau đó được lan truyền khắp mạng xã hội Nhật và quốc tế, tạo nên làn sóng tìm kiếm tương tự tại nhiều quốc gia.
Trào lưu này cũng nhanh chóng lan tới Việt Nam. Nhiều người dùng đăng ảnh “chụp màn hình” từ Google Maps kèm theo dòng chia sẻ nghẹn ngào khi vô tình thấy lại người thân đang quét sân, dắt xe hay đơn giản là ngồi trước cổng nhà. Không có biểu cảm rõ nét, không một cái nhìn hướng ống kính nhưng chính sự bình dị ấy lại khiến những hình ảnh ấy trở thành “tấm gương ký ức” đầy ám ảnh.

Chị Minh Trang, 30 tuổi, sống tại Tây Mỗ, Hà Nội kể: “Bố tôi mất cách đây hai năm vì ung thư. Hôm kia tôi thử tìm lại nhà cũ qua Google Maps, bất ngờ thấy hình bố đang dắt xe vào nhà. Tôi cứ ngồi nhìn mãi, nước mắt chảy lúc nào không hay. Cảm giác như bố vẫn đang sống đâu đó, chỉ là tôi chưa kịp về thăm”.
Ở một khía cạnh nào đó, Google Maps vốn dĩ được tạo ra để phục vụ điều hướng nay lại vô tình trở thành một dạng “bảo tàng số” cho những ký ức đời thường. Khác với ảnh kỷ niệm được chụp có chủ đích, những hình ảnh từ Google Maps lại chân thực, mộc mạc và đời thường đến mức khiến người ta tin rằng "họ chưa từng đi đâu cả, chỉ là mình nhìn không đủ kỹ". Bởi vậy, bản đồ là thứ công cụ tưởng như vô tri lại chạm đến tầng cảm xúc sâu nhất của con người.
Sự xoa dịu ngắn hạn cho nỗi đau dài hạn
Việc vô tình bắt gặp hình ảnh người thân đã mất có thể tạo ra cảm giác xúc động mạnh mẽ, một sự an ủi tinh thần không nhỏ. Khoảnh khắc ấy giúp người đang đau buồn cảm thấy như được nối lại với quá khứ, được nắm giữ một chút 'thực thể' của người thân đã rời đi.

Trên thực tế, trong giai đoạn đầu sau mất mát, việc tìm về ký ức là phản ứng bình thường. Nó giúp cá nhân xử lý cảm xúc, giữ kết nối tình cảm và bày tỏ thương tiếc. Nhiều nghiên cứu cho thấy, hồi tưởng lại những hình ảnh quen thuộc có thể làm giảm lo âu và cô đơn, nhất là với người lớn tuổi hoặc sống một mình.
Tuy nhiên, nếu người dùng quá lạm dụng việc xem lại hình ảnh người thân đã mất trên Google Maps thậm chí xem đi xem lại hằng ngày như một cách “gặp gỡ” thì đây lại là dấu hiệu của sự mắc kẹt trong tiến trình đau buồn (complicated grief).
Có một ranh giới mong manh giữa việc tưởng nhớ và việc không thể chấp nhận sự thật. Khi người ta bắt đầu ‘trò chuyện’ với hình ảnh Google Maps, hoặc hy vọng Google sẽ cập nhật lại cảnh cũ chỉ để nhìn thấy người đã mất thêm một lần nữa, đó là lúc quá trình hồi phục tâm lý bị đình trệ.
Một số người có xu hướng ảo tưởng hoặc từ chối đối diện với sự thật, cho rằng "người ấy vẫn còn đâu đó trên thế giới", hoặc mong chờ một điều gì kỳ diệu xảy ra. Những cảm xúc này có thể dẫn đến căng thẳng, trầm cảm hoặc kéo dài nỗi buồn trong vô thức.

Sự phát triển của công nghệ số đã khiến những gì từng là riêng tư như mái nhà, con hẻm, người thân giờ đây có thể được "bắt lại" bất ngờ bởi một chiếc xe gắn camera của Google. Dù mục đích của Google Maps không nhằm tạo ra “album tưởng niệm” song sự vô tình ấy lại gợi ra những xúc cảm sâu sắc trong bối cảnh xã hội ngày càng gắn bó với hình ảnh số.
Không ít người cũng bày tỏ lo ngại, khi Google cập nhật hình ảnh mới, bóng dáng người thân sẽ biến mất hoàn toàn. Điều đó càng khiến họ cảm thấy mất mát thêm một lần nữa. Một số diễn đàn mạng thậm chí đã chia sẻ cách "chụp nhanh" và lưu lại ảnh cũ từ Google Maps như một cách giữ gìn “ký ức cuối cùng”.
Thay vì phụ thuộc quá nhiều vào hình ảnh tình cờ trên Google Maps, các chuyên gia khuyên rằng người đang chịu mất mát nên hướng đến những hình thức tưởng nhớ lành mạnh và chủ động hơn:
Làm một album ảnh kỷ niệm, ghi lại những câu chuyện gắn với người thân.
Viết thư cho người đã khuất để bày tỏ cảm xúc, giúp giải tỏa nỗi buồn.
Tham gia các hoạt động có ý nghĩa như trồng cây, làm từ thiện nhân danh người đã mất.
Trò chuyện với bạn bè hoặc chuyên gia tâm lý nếu cảm thấy khó thoát khỏi nỗi buồn.
Trào lưu tìm lại người thân đã mất qua Google Maps là một lát cắt cảm xúc rất thật trong thời đại số. Nó cho thấy con người luôn khao khát níu giữ ký ức ngay cả khi phải bấu víu vào những hình ảnh mờ nhòe trên bản đồ trực tuyến. Nhưng ký ức dù đẹp đến đâu cũng cần được đặt đúng vị trí: là thứ để nhớ về, không phải để sống mãi trong đó. Như một chuyên gia đã nói: “Tình yêu không biến mất khi người thân ra đi. Nó chỉ cần một cách mới để tiếp tục”.