Đừng để bé Ngân thành "Hào Anh thứ 2"!
Theo ông Nguyễn Trọng An, cơ quan chức năng cần phải có kế hoạch với số tiền các nhà hảo tâm hỗ trợ bé ngân, đừng để như trường hợp của Hào Anh ở Cà Mau.
Sau khi sự việc xảy ra, cháu Ngân nhận được sự quan tâm của nhiều nhà hảo tâm.
Vụ việc cháu bé Đỗ Thị Kim Ngân (4 tuổi) ở Bình Dương bị chính mẹ đẻ và cha dượng bạo hành dã man đã khiến dư luân hết sức phẫn nộ trong những ngày gần đây. Sự phẫn nộ đó xuất phát từ tình người nhằm lên án mạnh mẽ hành động vô nhân tính ở ngay trong tình mẫu tử.
Phải xem xét trách nhiệm của địa phương
Trao đổi với Gia đình Việt Nam về sự việc này, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho rằng, việc trẻ bị bạo hành trong thời gian qua đâu đó vẫn xảy ra, đó có thể là ở trường học, cũng có thể là ở gia đình. Tuy nhiên, việc bạo hành mới đây nhất ở Bình Dương như báo chí đã đưa tin là vụ việc rất nghiêm trọng.
“Vì sao tôi lại nói vụ việc này rất nghiêm trọng, thứ nhất là tính dã man của sự việc khi bạo hành đứa trẻ thừa sống thiếu chết như vậy. Thứ hai là đứa trẻ còn quá nhỏ, mới chỉ có 4 tuổi, nó chỉ biết khóc chứ không hề biết kêu cứu, cũng như không thể chạy khỏi những trận đòn roi. Và nghiêm trọng hơn, trong vụ bạo hành này còn có sự tham gia của chính người mẹ ruột”, ông An nói.
Từ trước đến nay, quan điểm của người Á đông, người mẹ luôn dành sự yêu thương, chăm sóc cho con luôn đùm bọc, trở che cho con. Nhưng trong trường hợp này, người mẹ lại là “hổ đói ăn thịt con”.
“Đã đành là cha dượng, mẹ dì hay cô cậu, chú bác… bạo hành đây lại là mẹ ruột, hành động này cần phải lên án mạnh mẽ và kịch liệt”, ông An phân trần.
Ngoài việc lên án hành động dã thú của mẹ ruột và cha dượng bé Ngân, theo ông An, cũng cần phải phải xem lại hệ thống bảo vệ và chăm sóc trẻ em không chỉ ở nơi cháu Ngân bị bạo hành mà là cả một hệ thống, nếu không sẽ còn nhiều “bé Ngân” nữa sẽ phải nhập viện.
“Không chỉ có hệ thống chăm sóc và bảo vệ trẻ em, khi xảy ra các vụ bảo hành nghiêm trọng như sự việc xảy ra với cháu Ngân thì chính quyền địa phương cũng phải là người chịu trách nhiệm. Theo quy định của Luật hiện hành, nếu địa phương nào để xảy ra bạo hành với trẻ nhỏ, thì người đứng đầu địa phương phải đứng ra chịu trách nhiệm” ông An chia sẻ.
Theo đó, vai trò của chính quyền địa phương khi phát hiện ra các gia đình có dấu hiệu bạo hành trẻ nhỏ thì phải có biện pháp can thiệp, nếu cần thiết thì phải tách những trẻ nhỏ đó ra khỏi gia đình, để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Ông Nguyễn Trọng An: Người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm khi có vụ bảo hành trẻ em xảy ra.
Lo ngại về số tiền hỗ trợ
Một vấn đề nữa cũng được ông An chia sẻ thẳng thắn, đó chính là số tiền hỗ trợ của các nhà hảo tâm đối với bé Ngân. Theo ông An, nếu không có kế hoạch cụ thể thì không loại trừ khả năng sẽ có những “Hào Anh” thứ 2.
“Việc dư luận quan tâm và ủng hộ về tài chính để giúp cháu bé điều trị là rất tốt, nhưng khi số tiền quá lớn như vụ việc của Hào Anh trước đây, thì việc sử dụng tiền ủng hộ đó như thế nào cho hợp lý lại là một vấn đề lớn đặt ra”, ông An chia sẻ.
Theo đó, khi có khoản tiền hỗ trợ thì việc sử dụng tiền đó nên thuộc về các cơ quan chức năng. Các cơ quan chức năng nên có kế hoặch giúp đỡ, bảo vệ trẻ. Ngoài việc điều trị và chăm sóc những tổn thương về thể chất, thì cũng cần phải có kế hoạch chăm sóc cháu bé cả về tâm lý, để cháu hòa nhập với cộng đồng. Bởi sau khi sự việc xảy ra, chắc chắn cháu sẽ bị sang chấn tâm lý rất nặng.
Trả lời câu hỏi về việc: Tại sao khi cháu bé bị hành hạ, lại thiếu sự quan tâm của bố đẻ, của bà ngoại. Nhưng khi xảy ra sự việc rồi lại có sự xuất hiện của những nhân vật này. Liệu đó có phải là hành động lợi dụng để chiếm đoạt những khoản tiền hỗ trợ như đã từng xảy ra?
Về vấn đề này, ông An cho biết: “Khó có thể đo được những con người đó đến vì tiền hay vì tình cảm. Nên chúng chúng ta không nên suy luận mà hãy để thời gian chứng minh”.
Tuy nhiên, ông An cũng dẫn chứng, nhiều sự việc đã từng xảy ra trước đây như sự việc cháu bé bị bạo hành ở Bắc Giang, hay cháu bé mồ côi do bố mẹ nhiễm HIV bị chết ….đều nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của xã hội. Nhưng do lòng tham, không ít người thân đã đứng ra nhận trách nhiệm nuôi nấng chỉ mong có đươc khoản tiền đó. Sau khi hết tiền thì lại bỏ rơi các cháu.
“Bởi vậy, nếu đặt ra giả thiết, những người kia đến vì tiền thì cần phải lên tiếng phê phán, dư luận xã hội cần phải lên án những hành vi trục lợi phi nhân tính, phi đạo đức đó”, ông An nói.
Cuối cùng khi nói về quyền nuôi con trong trường hợp này, ông An mong muốn, cháu Ngân cần phải có gia đình thay thế, trong thời gian tới. Có thể, khi khai báo với cơ quan công an, cặp vợ chồng kia vẫn bao biện là dạy con và vẫn muốn nuôi con, nhưng điều đó là không nên. Bởi, sau khi bị bạo hành dã man, chắc chắn cháu Ngân sẽ không muốn quay trở lại căn phòng đó, dù cháu còn rất nhỏ.
Sau vụ việc này, ông An khuyến cáo, các bậc cha mẹ không nên dạy con bằng cách “yêu cho roi, cho vọt” như vậy, quan niệm này đã bị biến tường đi rất nhiều và không còn phù hợp.
Lê Phương