Du lịch kích cầu trong mùa mưa bão
Cuối tháng 7/2014, Hiệp hội Du lịch TP.HCM sẽ tổ chức công bố Chương trình Kích cầu du lịch 2014 kéo dài sang tới năm 2015. Liệu chương trình kích cầu du lịch này có đạt kết quả như mong muốn khi mùa mưa bão đang đến gần?
Ông Tôn Thất Hòa, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch TP.HCM cho biết, sở dĩ năm nay Hiệp hội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức gói kích cầu du lịch muộn hơn mọi năm (thường vào tháng 4), vì 2 lý do:
Thứ nhất là, do việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ đầu tháng 5/2014.
Thứ hai là, bản thân các hãng hàng không cũng điều chỉnh lại chương trình hợp tác kích cầu du lịch, áp dụng từ tháng 6 năm nay đến tháng 6 năm sau, thay vì đầu năm như hai năm trước.
Ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành Hãng hàng không Vietjet Air cho biết, đây là năm thứ ba, đơn vị tham gia Chương trình Kích cầu của Hiệp hội Du lịch TP.HCM. “Năm ngoái, Vietjet Air đã phục vụ 25.000 lượt khách hàng sử dụng chương trình kích cầu của Hiệp hội và năm nay, với mức khuyến mãi giảm giá “khủng” từ 49% đến 90%, Hãng mong muốn lượng khách tăng lên gấp 4 lần, tương đương 100.000 lượt”, ông Khánh hy vọng.
Ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP.HCM cũng cho rằng, việc các hãng hàng không và các công ty lữ hành cam kết giảm giá dịch vụ, sẽ giúp giá tour trọn gói giảm mạnh từ 30% đến 40%. Điều này giúp du khách nội địa có được cơ hội du lịch với giá rẻ, chương trình kích cầu du lịch sẽ đạt hiệu quả hơn.
Các hãng hàng không và các công ty lữ hành cam kết giảm giá dịch vụ sẽ giúp du khách nội địa có được cơ hội du lịch với giá rẻ.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) lữ hành tham gia chương trình này cho biết, họ đang phải đối diện nhiều khó khăn, thậm chí chấp nhận lỗ để giữ uy tín.
“Tham gia chương trình kích cầu du lịch, chúng tôi phải bù lỗ thường xuyên. Song vì uy tín, thương hiệu của công ty nên buộc phải làm”, bà Nguyễn Ngọc Trang, Phó trưởng phòng Lữ hành nội địa (CTCP Du lịch Hòa Bình) thừa nhận và cho biết thêm, so với thời điểm này năm ngoái, lượng khách tham gia mua vé tour kích cầu tại Công ty đã giảm 30-40%.
Không chỉ Công ty Du lịch Hòa Bình, mà nhiều DN lữ hành khác cũng cho rằng, họ phải bù lỗ khi tham gia chương trình kích cầu du lịch.
Theo ông Nguyễn Ngọc An, Giám đốc Bộ phận Du lịch trong nước (CTCP Fiditour), để chương trình kích cầu du lịch thật sự phát huy hiệu quả, thì cần phải “kích” mạnh hơn nữa. Điều này đòi hỏi không chỉ giảm giá vé máy bay từ các hãng hàng không, mà còn đòi hỏi các lĩnh vực khác như ăn uống, lưu trú… phải đồng loạt giảm giá vé theo. “Mà muốn thực hiện điều này, điều quan trọng nhất đối với DN kinh doanh dịch vụ du lịch (các hãng xe, khách sạn...) là Nhà nước cần hỗ trợ về thuế”, ông An nêu rõ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Vinh, Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ lữ hành Saigontourist cho biết, vụ hạ đặt trái phép giàn khoan vừa qua đã ảnh hưởng lớn tới lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam và ngược lại, nên mới đây, sau khi có khi thông tin giàn khoan rút đi, Công ty đang nghiên cứu để có những chương trình khuyến mãi nhằm “kích cầu” thu hút lại lượng khách này.
“Chúng ta cần phải tham khảo kinh nghiệm của Thái Lan, khi họ vừa mới thoát ra khỏi khủng hoảng chính trị, thì ngay lập tức có nhiều chương trình khuyến mãi du lịch rầm rộ để hút khách”, ông Vinh nói.
Còn đại diện Hiệp hội Du lịch TP.HCM cho rằng, để kích cầu du lịch nội địa trong thời gian tới đạt hiệu quả, Tổng cục Du lịch cần sớm có chủ trương chỉ đạo tất cả các địa phương trên cả nước hưởng ứng Chương trình Du lịch quốc gia, không tăng giá dịch vụ trong cả năm. Quan trọng hơn, Tổng cục Du lịch cần tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính giảm thuế giá trị gia tăng và giảm thời gian nộp thuế lên 6 tháng.