Doanh nhân Lê Quốc Phong: Làm lãnh đạo là không làm gì cả
Tôi quan niệm làm lãnh đạo tức là không làm gì cụ thể cả mà mình chỉ ra định hướng cho nhân viên làm. Lãnh đạo doanh nghiệp là phải ngồi nghĩ với tầm nhìn xa.
Lê Quốc Phong, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền được đánh giá là một lãnh đạo doanh nghiệp giỏi. Bằng chứng là sau hơn 30 năm gắn bó với Bình Điền, ông đã đưa đơn vị này phát triển trở thành nhà sản xuất phân NPK số 1 tại Việt Nam.
Báo cáo tại Đại hội cổ đông của Công ty cổ phần phân bón Bình Điền mới đây cho biết năm 2013, sản lượng sản xuất của Bình Điền đạt gần 650.000 tấn, tổng doanh thu đạt 6.640 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 355 tỷ, thu nhập bình quân thực hiện 11,5 triệu đồng/tháng. Với kết quả kinh doanh này, công ty quyết định chia cổ tức cho cổ đông trong năm 2013 là 28%.
Bình Điền đang hoàn thành các thủ tục pháp lý có liên quan để hoàn thành việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông trong thời gian sớm nhất. Đồng thời cũng tiến hành niêm yết toàn bộ số cổ phần trên tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM, thời gian dự kiến niêm yết là cuối năm 2014.
Lãnh đạo một doanh nghiệp lớn với hàng trăm nhân viên, vậy doanh nhân Lê Quốc Phong quản trị ra sao? Báo điện tử Gia đình Việt Nam đã trò chuyện với Phong “Đầu trâu”- biệt danh của doanh nhân Lê Quốc Phong.
Doanh nhân Lê Quốc Phong- Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền
Ông có nhiều năm làm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước trước khi chuyển sang làm lãnh đạo ở doanh nghiệp cổ phần, làm lãnh đạo 2 loại hình doanh nghiệp này ông thấy khác nhau thế nào?
Doanh nhân Lê Quốc Phong: Nói thật so với khi còn làm doanh nghiệp nhà nước thì áp lực sau khi doanh nghiệp cổ phần hóa lớn hơn. Tuy nhiên tôi thích thử thách ở môi trường doanh nghiệp cổ phần. Làm ở doanh nghiệp nhà nước thì an nhàn nhưng tôi không thích lắm.
Nghe nói ông đã từng có những quyết định phá rào?
Doanh nhân Lê Quốc Phong: Ở những năm đầu tiên trên cương vị lãnh đạo Nhà máy phân bón Bình Điền, tôi đã “phá rào” mời những trí thức của chế độ cũ vào làm việc cho nhà máy. Chú Sáu Hồng, một công nhân bậc cao của chế độ cũ được tôi đặc biệt trân trọng, cùng ông nghiên cứu ra sản phẩm phân NPK 14-6-8. Từ đó đến nay, sản phẩm này đã làm nên tên tuổi của Công ty. Cơ chế tài chính lúc đó bó buộc nhưng tôi đã quyết định thưởng tivi màu và thưởng tiền cho những người tôi mời. Tuy nhiên vào thời điểm đó tôi đã từng bị cấp trên mời lên để kiểm điểm lên kiểm điểm xuống vì sự “phá rào” đó.
Phong cách rất nghệ sĩ của doanh nhân Lê Quốc Phong
Vậy ông phản ứng thế nào trước thất bại?
Doanh nhân Lê Quốc Phong: Tôi luôn đơn giản hóa mọi vấn đề. Năm 2008, khi nguyên liệu đầu vào được nhập khẩu với giá 700 USD/tấn nhưng cuối năm khủng hoảng kinh tế thế giới đã khiến cho giá sụt giảm còn 300 USD/tấn. Năm đó, Bình Điền lỗ gần 24 triệu USD, mất sạch vốn. Lúc đó, hầu như doanh nghiệp phân bón nào cũng gặp phải khó khăn này vì nguyên liệu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Thế nhưng, chỉ 1 năm sau đó Bình Điền đã xốc lại thị trường.
Ông quan niệm thế nào về làm lãnh đạo?
Doanh nhân Lê Quốc Phong: Trong cuộc sống, đối với tôi chẳng có gì khó, quan trọng là mình tập hợp những người xung quanh mình biết làm. Tôi quan niệm làm lãnh đạo tức là không làm gì cụ thể cả mà mình chỉ ra định hướng cho nhân viên làm. Lãnh đạo doanh nghiệp là phải ngồi nghĩ với tầm nhìn xa.
Ở Bình Điền tôi giao việc kèm theo giao quyền. Chẳng hạn các Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh, vật tư… được tôi ủy quyền thì cứ thế mà quyết, không phải xin ý kiến của tôi nữa. Như vậy sẽ tạo cho họ sự chủ động. Tuy nhiên muốn được như vậy thì mình phải tin tưởng tuyệt đối bởi họ là người đã từng trải qua thử thách.
Doanh nhân Lê Quốc Phong và tác giả
Các doanh nghiệp thường làm thương hiệu bằng cách đầu tư cho một đội bóng đá, vì sao Bình Điền chọn bóng chuyền, thưa ông?
Doanh nhân Lê Quốc Phong: Slogan của Bình Điền là “bạn đồng hành của nhà nông”. Mà tôi thấy nông dân mình thích bóng chuyền hơn bóng đá đấy chứ, đặc biệt là bóng chuyền nữ. Khi đội bóng chuyền nữ VTV Bình Điền Long An thi đấu, tôi thấy nông dân họ đến xem rất đông. Thi đấu bóng chuyền thì tổ chức đơn giản, đâu cũng thi đấu được. Chi phí cho bóng chuyền cũng rẻ hơn bóng đá, chỉ khoảng 20 tỷ đồng/năm.
Mục tiêu của Bình Điền là gì, thưa ông?
Doanh nhân Lê Quốc Phong: Mục tiêu của Bình Điền là sẽ hình thành 1 Tập đoàn chuyên về phân bón và thuốc bảo vệ thực vật dạng sinh học, sản xuất thêm phân bón hữu cơ, vi sinh và giống cây trồng. Năm 2013, hệ thống dây chuyền công nghệ urê hóa lỏng công suất 100.000 tấn/năm đã bắt đầu chạy. Khoảng 2 năm nữa, những ngành mới này được kỳ vọng sẽ đóng góp 10% vào cơ cấu doanh thu của Bình Điền.
ĐĂNG BÌNH (thực hiện)