Dịch sốt virus: Người lớn thường nặng nề hơn trẻ em
Dịch sốt virus: Thời tiết khắc nghiệt khiến dịch sốt virus bùng phát và diễn biến khó lường bvaf người lớn thường bị dai dẳng và lâu khỏi hơn trẻ em.
Sốt virus hay còn gọi là sốt siêu vi trùng phổ biến quanh năm nhất là thời điểm giao mùa. Bệnh không quá nguy hiểm nhưng nếu không biết cách điều trị có thể dẫn tới biến chứng nặng ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Virus có thể lây từ người này sang người khác, đặc biệt là nhiễm qua đường hô hấp, tiêu hóa, có thể gây thành dịch. Một trong các triệu chứng nổi bật của tình trạng nhiễm virus là sốt cao.
Những việc cần làm khi bị sốt virus
Chườm mát: Đầu tiên, hãy chườm trán bằng khăn mát, lau khô mồ hôi và để người bệnh nằm nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng.
Chống co giật: Nếu sốt cao trên 38,5 độ C thì nên dùng thuốc hạ sốt kèm theo thuốc chống co giật theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là những người có tiền sử co giật khi sốt cao.
Bù nước và điện giải: Khi sốt cao có thể gây ra tình trạng mất nước, rốt loạn cân bằng điện giải trong cơ thể, nên dùng các thuốc có tác dụng bù lượng nước mất qua da và điện giải do sốt như oresol, cháo muối nấu loãng.
Chống bội nhiễm: Vệ sinh sạch sẽ, nhỏ mắt, mũi bằng natriclorid 0,9%, tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp.
Vệ sinh: Vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tắm bằng nước ấm trong phòng kín.
Dịch sốt virus: Cần phải đến ngay cơ sở y tế khi có dấu hiệu sốt cao |
Người bị sốt virus thường khỏi bệnh trong 7 ngày, tuy nhiên nếu không phát hiện và điều trị sớm rất dễ bị biến chứng sang viêm phế quản phổi.
Đây là biến chứng nặng thường gặp và bùng phát thành dịch với diễn biến phức tạp và nguy hiểm. Nên chăm sóc tốt bằng cách bổ sung vitamin, uống bù nước, hạ sốt nhanh… thì thời gian bị bệnh của bạn càng được rút ngắn.
Phải đến khám ngay tại trung tâm y tế khi có các dấu hiệu sau: Sốt cao trên 38,5 độ C, đặc biệt là trên 39 độ C mà dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng; lơ mơ, li bì, ngủ nhiều, xuất hiện co giật, đau đầu liên tục, tăng dần; buồn nôn, nôn khan nhiều lần, sốt kéo dài trên 5 ngày.
Sốt virus dễ gây thành dịch nên khi bị nhiễm bệnh, cần cách ly và giữ ấm. Khi bị ốm, không nên cho đến nơi công cộng. Bệnh nhân nhiễm virus tuyệt đối không tự dùng kháng sinh, tự đi truyền dịch, lạm dụng các dụng cụ hút mũi, xông họng, vì xông họng kéo dài sẽ làm hỏng niêm mạc mũi, họng.
Một điều cần được chú ý là người lớn bị sốt siêu vi thường kéo dài và nặng nề hơn ở con trẻ. Vì khi ốm, người lớn thường chủ quan hơn trong điều trị vì cho đó là cảm sốt bình thường nên nhiều người vẫn đi làm không ngừng nghỉ trong khi chế độ ăn uống lại thất thường sẽ làm cơ thể dễ bị bệnh tật hạ gục.
Vân Anh (tổng hợp)