ĐH Kinh Công được đào tạo ngành y dược là "rất tốt cho xã hội"?
Trường Đại học Kinh doanh Công nghệ (ĐH Kinh Công) và Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD ĐT) lên tiếng về việc trường này được cấp phép đào tạo ngành y đa khoa và dược học.
Theo Quyết đinh do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga ký, có hiệu lực thi hành từ ngày 19-11 cho phép Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội được tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đánh giá kết quả học tập và cấp bằng tốt nghiệp với hai ngành mới mở này theo quy định hiện hành.
Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội
Tuy nhiên, quyết định này của Bộ GD-ĐT khiến nhiều chuyên gia giáo dục, người học và cả các trường ĐH khác đều bất ngờ.
Tháng 12-2014, khi tình trạng đào tạo lĩnh vực khoa học sức khỏe bị kêu ca nhiều về chất lượng đào tạo, chính Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi đến các cơ sở giáo dục ĐH thông báo tạm dừng xem xét mở ngành đào tạo trình độ ĐH các ngành y đa khoa, răng hàm mặt, y học cổ truyền và trình độ ĐH, CĐ với ngành dược học tại các trường đa ngành không thuộc chuyên ngành y dược.
Vậy tại sao Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội - một trường ĐH đa ngành, không thuộc khối chuyên ngành y dược - bất ngờ được giao mở mới hai ngành này?
Trao đổi với phóng viên báo Gia Đình Việt Nam qua điện thoại Ông Nguyễn Kim Sơn - Chánh văn phòng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng: “Đây là một điều rất tốt cho xã hội chứ không như nhiều người nghĩ, bởi việc cấp thêm cho các trường dân lập đào tạo y dược sẽ giảm bớt sự độc quyền của ngành đào tạo này”.
“ĐH Kinh doanh và Công nghệ đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực và trang thiết bị để phục vụ cho việc đào tạo ngành này. Theo tôi biết hiện nay đội ngũ y bác sỹ ở Việt Nam đang thiếu rất nhiều, hiện nay có nhiều dư luận không tốt khi trường Kinh doanh và Công nghệ được đào tạo ngành y dược, chúng tôi sẽ tổ chức họp vào vào cuối tuần này để có cái nhìn khách quan hơn.” – ông Sơn nói.
Báo Gia Đình Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT về quyết định cho phép Trường ĐH Kinh doanh Công nghệ Hà Nội đào tạo ngày y và dược.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT
Bà Phụng cho biết: “Đào tạo ngành y, dược rất quan trọng, đặc biệt hơn so với các ngành khác nên cuối năm 2014, Bộ GDĐT đã có Công văn 6975/BGDĐT-GDĐH ngày 03/12/2014 gửi cho các cơ sở đào tạo về việc tạm ngừng mở một số ngành thuộc khối khoa học sức khoẻ để rà soát, quy hoạch lại; trừ những trường hợp đặc biệt hai bộ sẽ xem xét”.
Theo bà Phụng: "Y dược là ngành đặc thù nên Bộ GD-ĐT rất thận trọng. Trước đây 2 năm, trường đã làm hồ sơ trình, nhưng Bộ có chủ trương giảm thiểu đào tạo y dược ở các trường đa ngành nên chưa xem xét”
Được biết, “Cách đây hơn 2 năm, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã đề nghị được mở hai ngành này nhưng vào thời điểm đó, Bộ GD&ĐT chưa thể xem xét. Từ hơn 2 năm trước đến nay, trường đã chuẩn bị trang thiết bị để đào tạo hai ngành này với hơn 80 tỉ đồng và tuyển dụng, trả lương để duy trì đội ngũ giảng viên. Trường vẫn tiếp tục đề nghị cả hai Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo. Lãnh đạo Bộ đã chỉ định các đơn vị thuộc hai Bộ thẩm định trực tiếp theo quy trình đặc biệt”, bà Phụng cho biết.
Hiện nay, đội ngũ giảng viên, ngành Y đa khoa của Trường có 47 giảng viên đúng chuyên ngành, trong đó có 6 trưởng bộ môn là TS, PGS, GS y học cơ sở ngành, nội, ngoại, sản, nhi, y học dự phòng và y tế công cộng.
Theo trình độ thì có 33 TS, PGS, GS; có 14 ThS và BS chuyên khoa I, II; đảm nhiệm giảng dạy 80% khối kiến thức ngành và chuyên ngành.
Ngành Dược của Trường có 31 giảng viên đúng chuyên ngành, trong đó có 7 trưởng bộ môn là TS, PGS, GS có chuyên ngành về bào chế, phân tích kiểm nghiệm thuốc, dược liệu, tổ chức và quản lý dược, dược lý lâm sàng, hoá dược và vật lý hoá.
Theo trình độ thì có 5 TS, PGS, GS; có 18 ThS và DS chuyên khoa I, II; đảm nhiệm giảng dạy 80% khối kiến thức của chương trình đào tạo.
Phan Chính