ĐH Kinh Công đào tạo y dược: Đại diện Bộ Y tế nói gì?
Theo đại diện Bộ Y tế, việc mở ngành đào tạo y khoa phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí cả về phương tiện dạy học, giảng viên cơ hữu, nơi thực hành …
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra quyết định do Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký ghi rõ: “Cho phép Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đào tạo trình độ đại học, hệ chính quy ngành Y đa khoa, mã số: 52720101; Dược học, mã số: 52720401
Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của các ngành trên nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy của Trường. Việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đánh giá kết quả học tập và cấp bằng tốt nghiệp thực hiện theo quy định hiện hành”. Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay từ ngày ký – ngày 19/11/2015.
Quyết định của Bộ GD - ĐT
Sau khi có thông tin về quyết định này, nhiều người đã tỏ ra bất ngờ khi một trường đại học ngoài công lập, lại có tên gọi dường như không liên quan tới ngành học y dược, lại được đồng ý cho đào tạo các ngành học này.
Để có thông tin chi tiết về sự việc này, ngày 26/11 phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Lợi – Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế). Ông Lợi cho biết, trước khi có quyết định cho trường này đào tạo ngành Y đa khoa, trường đã có đề án và phía Bộ Y tế cũng đã phối hợp với Bộ GD và ĐT trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra.
“Trường đã chuẩn bị các cơ sở vật chất, các phòng thực hành, trang thiết bị cũng đã được mua sắm. Đơn vị thực hành, trong đề án của trường có ghi rõ đó là Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, đây là bệnh viện hạng I của Thành phố Hà Nội.
Ngoài ra, phía nhà trường cũng cho biết, đã có những giảng viên có uy tín của ngành tham gia giảng dạy cơ hữu tại nhà trường. Như vậy, về cơ bản các tiêu chí liên quan đến chuyên ngành y khoa họ đã thực hiện đủ và Bộ Y tế cũng chỉ tham gia các tiêu chí chuyên môn, có các trường có ngành đào tạo chuyên khoa. Còn chức năng quản lý về mặt nhà nước vẫn do Bộ GĐ –ĐT quy định”, ông Lợi cho hay.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về những tiêu chí cơ bản để được đào tạo chuyên ngành y khoa, ông Lợi cho biết: “Trước hết là phải đảm bảo về chất lượng và nhân lực y tế, nếu họ đủ điều kiện và các tiêu chí chuyên môn thì không có lý gì để cấm họ cả.
Ví dụ như tiêu chí về nơi sinh viên thực hành đối với đào tạo y khoa đại học phải là bệnh viện tuyến tỉnh hoặc bệnh viện hạng I trở lên chẳng hạn. Trong trường hợp này, trường kinh doanh và công nghệ chọ Bệnh viện Đức Giang là đủ tiêu chuẩn.
Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Hay như việc, giảng viên cơ hữu phải là 50 giảng viên đối với đào tạo đại học, trong đó 50 giảng viên phải có trình độ thạc sĩ trở lên, ngoài ra bắt buộc phải có 6 tiến sĩ thuộc 6 chuyên ngành là: y học cơ sở, y học dự phòng, sản, nhi khoa, ngoại khoa, nội khoa.
Nếu không đủ các tiêu chí về giảng viên như trên thì sẽ không được đào tạo chuyên ngành y khoa”.
Về vấn đề, liệu rằng trường đại học này mượn giảng viên đăng ký cho đủ sau đó lại “đánh trống, bỏ dùi”, ông Lợi thẳng thắn: “Chúng tôi sẽ thường xuyên kiểm tra định kỳ cũng như đột xuất về vấn đề này, hơn nữa sẽ không thể có trường hợp đang là giảng viên trường này mà lại sang đăng ký dạy cơ hữu ở trường kia”.
Riêng về chất lượng đầu ra, ông Lợi cho biết: “Việc học và lấy được tấm bằng chỉ là nên tảng ban đầu. Bởi ngành y là ngành đặc thù, sau khi ra trường phải thi phải thực hành… đặc biệt là phải thi và được cấp chứng chỉ hành nghề mới được hoạt động khám chữa bệnh, chứ không phải học xong là được làm ngay”.
Kiều Linh