Đề thi đại học 2014: Cảm nghĩ của em về biển Đông
Đề thi đại học 2014 cảm nghĩ của em về biển Đông: Sau khi được tập dượt với cách ra đề mới ở những bài thi tốt nghiệp THPT, nhiều người dự đoán đề thi đại học năm nay sẽ có câu hỏi về biển Đông.
Biển Đông là vấn đề nóng hiện nay được sự quan tâm nhiều nhất của mọi người dân. Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, qua sự việc dàn khoan HD 981 của Trung Quốc thì sự quan tâm và tầm ảnh hưởng của biển Đông không chỉ còn là những cơn bão hay những vụ thu hoạch hải sản mà nó đã đi vào đề thi tốt nghiệp THPT 2014. Thậm chí gần đây nhất, biển Đông được gián tiếp đưa vào trong bài thi môn Văn lớp 10.
Đề thi đại học 2014 dự đoán sẽ tiếp tục xuất hiện câu hỏi về biển Đông
Tình hình biển Đông vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều người dự đoán đề thi đại học 2014 năm nay tiếp tục xuất hiện câu hỏi liên quan đến biển Đông, cảm nghĩ về biển Đông.
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết: “Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo phương thức “ba chung” của năm 2014 vẫn giữ ổn định như năm trước và tiếp tục ra theo hướng tăng cường câu hỏi mở”.
Theo ông Nghĩa, đề thi đại học tự luận của các môn Khoa học Xã hội như: Văn, Sử, Địa sẽ tăng cường đề thi mở, hạn chế việc ra các câu hỏi yêu cầu học sinh phải nhớ máy móc. Đề thi trắc nghiệm sẽ bổ sung, cải tiến hình thức câu trắc nghiệm để giảm thiểu khả năng đoán mò của thí sinh.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, thí sinh sẽ không phải lo học thuộc quá nhiều bởi cách ra đề năm nay sẽ tập trung phát huy những đổi mới đã được xã hội đánh giá cao. “Đề thi sẽ tiếp tục ra theo hướng mở và tăng tính thực tiễn để phát huy năng lực của thí sinh”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định.
Tuy nhiên, khác với kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ có tính cạnh tranh cao nên đề thi phải có tính phân loại tốt. Đề thi ĐH-CĐ luôn có những phần dễ để hầu hết các thí sinh đều có thể làm được, phần trung bình, phần khó và phần rất khó chỉ những thí sinh thật giỏi mới có thể làm được.
Lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD&ĐT cho biết, đối với các môn khoa học xã hội, việc ra đề thi trước tiên phải bốc thăm chọn chủ đề một cách ngẫu nhiên, sau đó cán bộ ra đề thi theo các chủ đề đã chọn.
Như vậy, các vấn đề thời sự nóng có thể có trong đề thi nhưng được chọn ngẫu nhiên, cách đặt vấn đề cũng sẽ có những kỹ thuật riêng để đề thi đáp ứng yêu cầu phân hóa cao. Điều này giúp gạt bỏ lo lắng về việc thí sinh có thể đoán được đề.
Hà Trang (tổng hợp)