Đánh thuế cao khi có nhiều nhà, đất: Người nghèo hưởng lợi
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đánh thuế cao đối với người có nhiều bất động sản sẽ giúp bình ổn thị trường, chống nạn đầu cơ thổi giá để người thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận nhà ở.
Chủ trương đánh thuế tài sản đối với nhà, đất đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng như Trung Quốc, Mỹ, Anh. Và thực tế tại Việt Nam, đây không phải lần đầu tiên chủ đề thuế nhà đất làm nóng dư luận như hiện tại. Từ năm 2009, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến về dự thảo Luật Thuế nhà đất. Sau đó khoảng 10 năm, đến cuối 2018, vấn đề này một lần nữa được thảo luận rộng rãi tại dự thảo Luật Thuế tài sản và năm 2021, HoREA cũng đề xuất áp thuế tài sản nhằm nắn lại thị trường bất động sản (BĐS).
Nhìn lại trung bình giá nhà, đất trong vài năm trở lại đây tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã tăng từ 2 – 4 lần, và cao hơn nhiều so với mức thu nhập của người dân. Điều này khiến người lao động thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở, còn doanh nghiệp cũng chật vật nếu muốn mở rộng sản xuất đầu tư.
Trong khi đó, không ít chuyên gia cho rằng, chính sách thuế chưa phân biệt giữa sử dụng và đầu tư kinh doanh BĐS dẫn đến hiện tượng đầu cơ, thậm chí trốn thuế khi giao dịch BĐS làm thất thu ngân sách.
Hoạt động “lướt sóng”, thu lời nhanh khiến giá đất tăng nhanh và tăng quá cao đã tạo ra những bất ổn trong thị trường BĐS và bất bình đẳng trong xã hội, gây nhiều rủi ro cho nền kinh tế.
Do đó, việc đánh thuế cao đối với những người có nhiều nhà đất sẽ giúp hạn chế việc dòng tiền đổ quá nhiều vào bất động sản, tạo nguồn thu ổn định từ thị trường bất động sản cho ngân sách nhà nước để đầu tư trở lại phát triển hạ tầng và thúc đẩy việc đầu tư vốn cho sản xuất kinh doanh.
Cùng đánh giá về vấn đề này, nhiều chuyên gia đều có cùng quan điểm khi cho rằng thuế tài sản không đánh vào người nghèo mà đánh vào đầu cơ tích trữ nhà ở và nên đánh thuế mạnh vào căn nhà thứ hai, những căn nhà có giá trị cao. Khi đó, những người có nhu cầu mua thêm nhà đất để đầu tư sẽ phải tính toán lợi nhuận tạo ra lớn hơn so với tiền thuế cần đóng chứ không đơn thuần chạy theo sốt đất, găm đất bỏ không chờ tăng giá.
Chính sách thuế được coi là một công cụ hữu hiệu để giảm thiểu đầu cơ, thổi giá BĐS
"Phải đánh thuế cao, lũy tiến vào tiền đầu cơ bất động sản, chứ không phải áp thuế trên giá trị bất động sản. Điều này đồng nghĩa ai ôm nhiều đất đai đầu cơ, không có dòng tiền kinh doanh sẽ bị thu thuế cao hằng năm”, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết.
Bên cạnh đó, phản hồi về ý kiến đánh thuế cao sẽ đẩy giá nhà đất tăng cao, TS. Lê Xuân Nghĩa lý giải, quy định mới sẽ giúp hạn chế tình trạng “quây tôn, đắp chiếu” đất dự án của nhiều doanh nghiệp, chây ì chậm triển khai nhiều năm trong khi những doanh nghiệp khác không thể tiếp cận quỹ đất để triển khai dự án nhà ở mới. Nghịch lý này dẫn đến nguồn cung nhà ở khan hiếm, đặc biệt các dự án nhà ở trung cấp và tiếp tục tạo lỗ hổng để những doanh nghiệp có đất kết hợp cùng môi giới nâng giá BĐS.
Do đó, đánh thuế cao đối với người sở hữu nhiều bất động sản góp phần kiềm chế được tình trạng đầu cơ tăng giá vô tội vạ, tăng hiệu quả sử dụng đất, đưa giá nhà ở về mức hợp lý và người dân, nhất là những người nghèo có thể có chỗ ở.
Tuy nhiên, cũng có một vài chuyên gia cho rằng, giải pháp dùng thuế để chống đầu cơ cũng có thể kéo theo một số hệ lụy như khiến những người có nhiều tài sản nhà, đất do cha ông để lại sẽ phải bán bớt, hay với những nhà đầu cơ có nhiều tiền thì sắc thuế có đánh cao cũng bị không ảnh hưởng nhiều.
Để thực hiện tốt chủ trương này, cần trả lời cho câu hỏi là làm sao để phân biệt giữa người sở hữu nhiều bất động sản để sử dụng vào mục đích chính đáng và người sở hữu bất động sản để đầu cơ? Bởi không thể đánh thuế người sở hữu nhiều bất động sản vì nhu cầu sử dụng chính đáng.
“Vấn đề đặt ra ở đây là nâng cao trình độ quản lý, điều hành và khả năng kiểm soát hoạt động sở hữu đất đai của người dân trên liên thông toàn quốc", lãnh đạo một đơn vị quản lý BĐS nhận định.