Đại học đừng... học đại
Chọn ngành nghề phù hợp sẽ giúp bạn có thêm nhiều cơ hội và việc làm. Chọn không đúng sẽ làm bạn khó có cơ hội phát triển thế mạnh bản thân, thậm chí là cơ hội nghề nghiệp.
Những sai lầm khi chọn ngành, nghề
Chọn ngành nghề theo xu hướng là một trong những sai lầm dễ mắc phải nhất của học sinh. Những năm qua có thể thấy nhiều ngành nghề có chữ “công nghệ”, “kinh tế”, “quốc tế”, thường có rất nhiều bạn học sinh đăng ký mà không cần hiểu nội dung, đặc điểm, yêu cầu của ngành nghề.
Cụ thể năm 2021, theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khối ngành Kinh tế và quản lý chiếm tỷ lệ đăng ký nguyện vọng cao nhất là 32,77%.
Số liệu thống kê nguyện vọng của 15 trên tổng số 24 nhóm ngành tuyển sinh năm 2021 do Bộ GD-ĐT cung cấp. (Ảnh: Vietnamnet)
Các bạn học sinh thường chỉ nghĩ rằng mình thích làm nghề gì thì chọn nghề đó. Nhưng thực tế, để chọn được một nghề nghiệp phù hợp cần sự kết hợp của rất nhiều yếu tố và phải bỏ rất nhiều thời gian, công sức để xem xét trước khi đưa ra quyết định. Lựa chọn nghề nghiệp là quá trình bao gồm nhiều bước, trong đó có ba bước quan trọng và cần thời gian nhất đó là hiểu rõ bản thân, tìm kiếm thông tin về ngành nghề bạn yêu thích nhất và trường đào tạo chất lượng và phù hợp.
Nếu học sinh coi nhẹ lựa chọn nghề nghiệp của mình, khi chọn ngành, chọn trường không đúng sẽ không đáp ứng được những đòi hỏi của ngành học, dễ dẫn đến cảnh “đứt gánh giữa đường”.
Cụ thể, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội trung bình mỗi năm 700 - 800 sinh viên bị buộc thôi học. Với chương trình kỹ sư 5 năm, chỉ có 60% sinh viên ra trường đúng hạn. 40% còn lại, không tính những em bị buộc thôi học, sẽ cố gắng trả nợ môn để có thể tốt nghiệp vào năm thứ sáu.
Cô Nguyễn Thị Thanh Thảo, giáo viên trường THPT Kim Liên cho hay: “Qua gần 20 năm công tác tại trường, cô thấy xu hướng chọn ngành, nghề hiện tại của học sinh là do bố mẹ định hướng, do sở thích cá nhân, hoặc do trào lưu chung mà nhiều bạn chưa thực sự nghiên cứu, suy nghĩ nghiêm túc khi lựa chọn”.
Một sai lầm nữa không chỉ học sinh mà phụ huynh học sinh cũng khó tránh khỏi, đó là lựa chọn nghề nghiệp theo sự sắp đặt của bố mẹ. Đây có lẽ là một trong những sai lầm phổ biến nhất của các bậc phụ huynh khi giúp con chọn nghề.
Ảnh minh họa.
Cô Thanh Thảo cho rằng “Nhiều gia đình, phụ huynh hiểu rõ được năng lực của con nên định hướng chính xác cho con cái vì con chưa có nhiều trải nghiệm, đôi khi con quyết định do cảm tính nên không có lựa chọn chính xác. Tuy nhiên cũng có trường hợp phụ huynh định hướng cho con đơn giản vì đó là xu hướng của xã hội trong khi con mình không có năng lực, đam mê lĩnh vực đó thì đó cũng không phải là định hướng đúng”.
Chính vì thế, trong quá trình hướng nghiệp, cha mẹ nên đóng vai trò là người bạn, là nhà tư vấn để con tham khảo ý kiến. Hơn ai hết, các em biết rõ về năng lực, sở thích của mình nên để cho chính các em quyết định và lựa chọn ngành học. Các bậc phụ huynh một mặt không nên bắt con chọn nghề theo mong muốn, nguyện vọng của mình; mặt khác cũng không nên để con chọn nghề theo lời rủ rê của bạn bè hoặc bị sự tác động bởi các ngôi sao, thần tượng.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên xem đến khả năng tài chính của gia đình cũng như khả năng tài chính giới hạn để theo đuổi nghề. Đừng vì mong muốn cho con đi học bằng mọi gia mà không lường trước được mức độ tốn kém, để rồi việc học hành của con phải bỏ dở giữa chừng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm trạng và cảm xúc của các em.
Làm thế nào để chọn đúng ngành, nghề?
Khi quyết định lựa chọn một lĩnh vực nghề nghiệp để xây dựng một sự nghiệp vững chắc cho bản thân và đóng góp cho xã hội, học sinh cần cẩn trọng tìm hiểu xem bản thân thực sự thích thú với loại công việc nào; năng lực sức khỏe, thể chất của mình ra sao; mình thích làm việc trong môi trường như thế nào; mong muốn về tiền lương, cơ hội thăng tiến ra sao,… Sau đó các bạn mới đi tìm kiếm loại công việc đáp ứng được nhiều nhất những mong muốn và khả năng của mình. Các cơ sở đào tạo có đào tạo lĩnh vực nghề nghiệp mà mình đã tìm và lựa chọn còn phải căn cứ vào điều kiện gia đình, năng lực học tập để lựa chọn một cơ sở đào tạo phù hợp.
Ảnh minh họa.
Theo cô Thanh Thảo, có 2 giải pháp có thể giúp học sinh chọn đúng ngành nghề:
Tìm hiểu các nhóm ngành nghề (Khoảng 6 nhóm: Nghiệp vụ, Kỹ thuật, Nghệ thuật, Nghiên cứu, Xã hội, Quản lý). Mỗi nhóm ngành nghề yêu cầu đặc điểm đặc trưng. Mình xem liệu với đặc điểm của bản thân có phù hợp với ngành nghề đó không?
Ví dụ, nếu có đam mê kinh doanh, năng động, tự tin, mạnh mẽ và quyết đoán, có tư duy logic, có khả năng quan sát và nhạy bén, biết đối nhân xử thế…. thì có thể lựa chọn nhóm ngành nghề thứ nhất là làm một trong các nghề sau: Quản trị kinh doanh, Marketing, Kinh doanh quốc tế, kế toán, kiểm toán, quản trị nhân lực, quản trị văn phòng, quản trị khách sạn, dịch vụ du lịch và lữ hành…
Cách thứ 2 là có thể làm bài trắc nghiệm MBTI là phương pháp sử dụng những câu hỏi nhằm kiểm tra tâm lí, tính cách của một người trên cơ sở đáp án mà người đó chọn đối với vấn đề được đặt ra. Bài trắc nghiệm này giúp chúng ta hiểu biết thêm thông tin về bản thân để lựa dễ dàng
-> Áp lực trước kỳ thi: Bố mẹ làm gì để con bớt căng thẳng?