Cựu tù Phú Quốc và ký ức về cuộc vượt ngục mang khát vọng tự do
Những tháng ngày gian khổ cùng anh em đồng đội giữ vững ý chí, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc và cuộc vượt ngục để tìm lại tự do vẫn in đậm trong tâm trí người cựu tù Phú Quốc Nguyễn Hà Long.
Lên đường đi theo tiếng gọi của Tổ quốc
Sinh năm 1940 tại làng Tri Lễ (Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Đông (cũ), ông Nguyễn Trọng Dương là con trai duy nhất trong một gia đình có 5 chị em. Tháng 2/1961, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, chàng thanh niên Nguyễn Trọng Dương vẫn quyết tâm lên đường nhập ngũ với bí danh Nguyễn Hà Long. Ý nghĩa của cái tên ghép lại từ hai con sông ở hai miền đất nước: Hồng Hà và Cửu Long.
Kể từ khi nhập ngũ, Nguyễn Hà Long từng tham gia nhiều trận đánh khốc liệt. Từ tháng 12/1963, ông là Tiểu đội trưởng tiểu đoàn 97, Đại đội 2 thuộc Quân khu 5 và vinh dự được kết nạp Đảng vào tháng 2/1964.
Đầu tháng 4/1965, Nguyễn Hà Long bị địch bắt và giam giữ ở trại giam Pleiku suốt 4 tháng. Sau đó, địch đưa ông về giam ở trại Lê Văn Duyệt, Sài Gòn. Tháng 10/1965, địch tiếp tục đưa ông về Trung tâm cải huấn Tân Hiệp (Biên Hòa, Đồng Nai).
Ông Nguyễn Hà Long hồi tưởng lại những kỷ niệm cùng các đồng chí của mình trong chốn lao tù.
>>>Giọt nước mắt nghẹn ngào trên gò má Mẹ Việt Nam Anh hùng có con trai duy nhất là liệt sĩ
Rơi vào tay địch, Nguyễn Hà Long và các đồng đội bị chúng đánh đập, tra hỏi vào Nam làm gì và bắt chào cờ ngụy nhưng ông và mọi người kiên quyết không nghe theo.
"Tháng 6/1966, chúng đưa tôi ra trại giam tù binh Biên Hòa (trại giam Hố Nai). Khoảng 500-600 tù binh được đưa từ các nhà tù ở khắp nơi về đây. Gặp gỡ anh em các mặt trận về, tôi được giao làm Bí thư Đoàn trại giam Biên Hòa dưới sự chỉ đạo của một tổ chức cấp ủy”, ông nhớ lại.
Có những người lính trẻ mới nhập ngũ, địch luôn nhồi vào suy nghĩ của các tù binh rằng họ là những kẻ vứt đi, sẽ không ai còn cần đến họ nữa. Tuy nhiên, Nguyễn Hà Long và các đồng chí dày dạn kinh nghiệm luôn vững tin vào Đảng, vào cách mạng.
Để giữ vững lập trường và tinh thần cho mọi người, Nguyễn Hà Long và các đồng chí của mình luôn tâm niệm: "Về đây với nhau, chúng ta có tổ chức, tập thể, phải vì thế mà nêu cao tinh thần sống để đấu tranh, sẵn sàng đứng lên, hưởng ứng các phong trào để còn có ngày trở về với gia đình, quê hương trong hòa bình, chiến thắng".
Hình ảnh tái hiện những màn tra tấn của quân địch với những chiến sĩ cách mạng bị bắt và tù đày tại nhà tù Phú Quốc.
Để khẳng định đó không phải những lời nói suông, ông và các đồng chí của mình luôn thể hiện tinh thần ấy bằng nhiều hành động. Khi địch gọi tên nhà tù là "Tù binh phiến cộng" thì mọi người đồng loạt đòi bỏ tên trong 7 ngày.
"Địch đánh đập dã man để tìm người cầm đầu. Chúng tôi hiên ngang trả lời rằng mình là quân giải phóng, cuối cùng chúng đành phải chấp nhận đổi tên là "Việt cộng". Đó là lần đầu tiên chúng tôi cảm thấy thêm vững niềm tin vào tổ chức", ông Long hồi tưởng.
Sau đó, địch còn bắt các tù binh mặc quần áo của ngụy. Nhưng ông và các đồng chí của mình đấu tranh và kiên quyết không mặc và bị chúng đánh đập ròng rã suốt nhiều ngày nhưng không thể khuất phục được. Lòng kiên trì, dũng cảm đã lan tỏa và ngày một lớn thêm trong mỗi người chiến sỹ.
Khát vọng tự do giữa chốn lao tù
Tháng 11/1966, giữa chốn lao tù nhưng ông Long hội ý với tổ chức để anh em được biết đến Đảng, Bác Hồ. Vậy là cần có người vẽ chân dung Bác, cờ Đảng, cờ Tổ quốc và băng rôn khẩu hiệu: "Kỷ niệm Đảng Lao động Việt Nam lần thứ 37".
Để thực hiện, mọi người phải mất hàng tháng trời khó khăn để tìm vật liệu rồi giấu kín, bảo mật hết sức kỹ càng, sau đó là canh gác cho các anh em là sinh viên trường Mỹ nghệ vẽ dựa trên trí nhớ của những người đã từng được thấy chân dung các lãnh tụ, bởi lúc ấy chỉ có một con tem in hình Bác Hồ.
"Thế mà vẽ ra giống lắm. Màu đen chúng tôi lấy từ cá mực khi địch sai đi khuân vác thực phẩm còn màu vàng lấy của viên chống phù nề B2 mà phải khó khăn lắm mới xin được, màu đỏ của viên thuốc khử trùng", ông Nguyễn Hà Long kể lại.
Ông Nguyễn Hà Long khi còn trẻ.
Sau khi vẽ xong, vào đúng đêm 30 Tết, nhà giam nằm chính giữa trại được chọn làm nơi thiêng liêng kỷ niệm với 5 trạm gác bảo vệ. Từng tốp 3 -5 chiến sỹ lần lượt bước tới dưới cờ Đảng và Bác Hồ, cùng hứa kiên quyết trung thành với Đảng.
Đến tháng 11/1967, ông Nguyễn Hà Long cùng gần 40.000 tù binh bị đưa ra nhà tù Phú Quốc. Tại đây, anh em chiến sĩ dạy nhau học văn hóa, chính trị, y tế…"Tình cảm anh em, tình đồng chí, đồng đội đã đùm bọc nhau trong chốn lao tù trở thành sức mạnh để máu chảy, chân tay gãy rồi cũng lành", người cựu tù hồi tưởng những tháng năm hào hùng.
Tháng 8/1968, rút kinh nghiệm sau nhiều cuộc vượt ngục "lành ít, dữ nhiều", Nguyễn Hà Long cùng các đồng chí của mình cùng đồng tâm, nhất trí cùng nhau tổ chức cuộc vượt ngục bài bản, có tổ chức.
Tất cả thống nhất mở màn vào ngày 2/9/1968, sau hơn 150 ngày, đến đêm 20/1/1969 thì đào hầm thành công (đường hầm nhà tù Phú Quốc ngày nay), đã được tính toán kỹ lưỡng, không để xảy ra ngạt khí.
"Tôi trườn ra khỏi đường hầm thành công thì trời vừa hửng sáng, tiếng địch hò hét vì đã phát hiện ra. Lúc đó, có 21 người lên khỏi hầm trọn vẹn", ông Nguyễn Hà Long nhớ lại.
Đường hầm vượt ngục ở Phú Quốc được dựng để phục vụ khách tham quan (Ảnh tư liệu).
Được tự do, Nguyễn Hà Long cùng các đồng đội thành lập Đơn vị Biệt động Phú Quốc trừ gian, diệt địch. Đêm 14/9/1969, trung đội tổ chức 2 mũi đánh trận cao điểm 176, chỉ trong 10 phút đã làm chủ trận địa. Đến tháng 12/1971, các chiến sĩ tiếp tục đánh quận Dương Đông. Địch bị tiêu diệt chỉ sau 15 phút, tạo nên một làn sóng tin tưởng trong quân và dân Phú Quốc.
Tháng 7/1972, ông Nguyễn Hà Long được Bộ Chỉ huy miền Nam điều về đoàn 182, Bộ Chỉ huy miền. Trước đó, năm 1971, mẹ ông đã nhận được giấy báo tử của con trai mình. Ngày ông trở về quê nhà, bà con làng xóm không dám tin, họ kéo đến rất đông để được thấy ông bằng xương bằng thịt.
Trở về quê hương, ông Nguyễn Hà Long công tác tại địa phương đến khi nghỉ hưu. Nay đã bước sang tuổi 80 nhưng người cựu tù Phú Quốc vẫn còn rất minh mẫn, nhanh nhẹn. Ông được mời làm nhân chứng kể lại cuộc chiến hào hùng mà mình đã trải qua đến các thế hệ trẻ.
"Ngày đất nước toàn thắng, tôi đứng ở quê mình và khóc. Bao nỗi nhớ anh em, những ngày khổ cực, gian lao dội về. Máu xương của đồng đội tôi đã trở thành bất tử", ông chiêm nghiệm.
-> Cựu chiến binh hơn 30 năm đi tìm 130 bộ hài cốt của đồng đội