Thứ tư, 20/11/2024 06:09     |   Tiêu dùng     |   Nhịp sống miền Tây     |   Phụ nữ Sức khoẻ
|
Hà nội 21*C/61%
Thứ tư, 13/11/2024 05:00

Cuộc sống 9 hộ gia đình "mắc kẹt" nơi nghĩa trang: Ngày nghe kèn, đêm tiếng thầy cúng

Hơn chục năm qua, 9 hộ gia đình bên cạnh nghĩa trang nhân dân thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa đã phải sống trong cảnh "ngày nghe kèn đám ma, đêm nghe tiếng cúng bái bốc mộ". Gia đình đang tổ chức đám cưới, bỗng dưng xe tang đi ngang qua ngõ.

Ông Nguyễn Bá Hinh, 73 tuổi, ngụ tại tổ dân phố Xuân Nguyên, phường Nguyên Bình, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) buồn bã nói, đã hơn chục năm qua gia đình sống cạnh nghĩa trang. “Ban ngày nghe trống kèn đám ma, ban đêm nghe tiếng thầy cúng bốc mộ. Mỗi lần có đám tang, người ta đốt giường chiếu, quần áo của người đã khuất bốc mùi rất khó chịu. Rồi hòm ván bốc mộ bị bỏ lại nghĩa trang gây ô nhiễm không thể chịu nổi”, ông Hinh bức xúc cho biết.

Gia đình ông Nguyễn Bá Hinh đã hơn chục năm "mắc kẹt" trong khu nghĩa trang

Theo ông Hinh, nghĩa trang nhân dân thị xã Nghi Sơn thành lập năm 2007, thi công năm 2010. Kể từ đó, gần chục hộ gia đình bị mắc kẹt phía trong. Muốn đi vào nhà phải đi qua nghĩa trang, hàng hàng, lớp lớp các khu mộ, người sống ở lẫn với người chết.

Ao nước trước nhà ông Hinh nằm sát các khu mộ mới chôn nước nổi váng xanh-đen. Nhiều năm qua, các hộ gia đình ở đây không có nước sạch, chỉ dùng nước giếng khoan và nước từ khe núi. Trời mưa, lối vào nhà nhầy nhụa bùn đất. Theo tập tục địa phương, ngoài các loại mộ chôn cất sau hỏa táng, hiện còn rất nhiều gia đình chôn cất người chết theo hình thức hung táng. Việc bốc mộ gây ra nhiều hệ lụy xấu về môi trường.

Đường vào gia đình ông Hinh luôn trong tình trạng ẩm ướt, nhầy nhụa

Chỉ tay về phía một ngôi nhà hàng xóm bỏ hoang, cây cối mọc um tùm, ông Hinh cho biết, trong số 9 hộ gia đình chung cảnh ngộ, một số hộ đã chuyển đi nơi khác vì không thể chịu nổi cảnh sống chung với người chết.

“Gia đình tôi vì khó khăn, không có điều kiện để mua đất, làm nhà nên cực chẳng đã mới phải ở lại đây trong tình trạng môi trường sống bị ô nhiễm nặng từ nguồn nước, không khí, chưa kể yếu tố tâm linh. Nhà có việc, mời khách đến rất ngại”, ông Hinh phàn nàn.

Một số gia đình phải rời đi nơi khác vì không chịu nổi cảnh người sống ở bên cạnh người chết

Cũng theo ông Hinh, mới đây, chính quyền địa phương đã đến kiểm kê hiện trạng đất đai, nhà cửa để thực hiện dự án Nghĩa trang nhân dân thị xã Nghi Sơn (giai đoạn 2) nhưng chưa biết đến bao giờ gia đình ông được di dời đến nơi ở mới.

Gia đình bà Nguyễn Thị Nghị có 3 thế hệ chung sống ở cạnh nghĩa trang đã hơn 10 năm. Cổng chính của gia đình hướng thẳng đến khu mộ.

“Buổi sáng cứ mở cửa ra là nhìn thấy mồ mả. Hầu như ngày nào cũng nghe tiếng kèn trống, cũng thấy xe tang đi qua ngõ. Nhà có đám giỗ còn đỡ, chứ cưới xin mời khách đến rất ngại. Có nhà đang tổ chức cưới cho con thì đám tang trống kèn đi qua ngõ”, bà Nghị buồn rầu kể.

Nhà bà Nguyễn Thị Nghị cứ mở cổng là nhìn thấy nghĩa địa

Bà Nghị cho biết, gia đình ở đây từ năm 1964, đất đai ổn định, không có tranh chấp, khiếu kiện. Năm 2010, quá trình giải phóng mặt bằng thực hiện dự án nghĩa trang nhân dân thị xã Nghi Sơn (giai đoạn 1), do không đồng ý với mức bồi thường hỗ trợ, nhất là việc tái định cư nên nhiều hộ gia đình không di dời. Hơn 10 năm qua, số mộ mỗi ngày một nhiều khiến cho gia đình bà rơi vào tình cảnh người sống ở cạnh người chết.

Bà Nghị cho hay, ngại nhất là khi gia đình đang có đám cưới thì đám ma đi ngang qua ngõ

Trong đơn gửi cơ quan chức năng, cụ Nguyễn Hữu Trịch, 94 tuổi (bố chồng bà Nghị) trình bày: hiện tại mộ chôn tại nghĩa trang đã cách nhà 20m, gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt, việc đi lại khó khăn… Gia đình ông đã nhiều lần đề nghị đến chính quyền địa phương nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.

Ông Trịch bày tỏ lo ngại khi tới đây, gia đình ông không thuộc diện được di dời đến nơi ở mới khi thực hiện Dự án nghĩa trang nhân dân thị xã Nghi Sơn (giai đoạn 2) như các hộ gia đình còn lại.

Nghĩa trang đã tiến sát gia đình ông Nguyễn Hữu Trịch

Ông Lê Huy Dương, chủ tịch UBND phường Nguyên Bình cho biết, hiện tượng nghĩa trang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ gia đình tại tổ dân phố Xuân Nguyên là có thật. Chính quyền địa phương đã tuyên truyền để người dân khi chôn cất, nhất là khi cải táng nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường nhưng chưa thể triệt để.

Nghĩa trang nhân dân thị xã Nghi Sơn được giao cho Đội quy tắc đô thị thị xã quản lý. Hiện nay, giai đoạn 2 của dự án đang tiến hành kiểm kê đất đai, tài sản trên đất để giải phóng mặt bằng. Đa số các gia đình sẽ được di dời đến nơi ở mới, dự kiến trong năm 2025.

Thị xã Nghi Sơn đang triển khai các thủ tục đầu tư dự án nghĩa trang nhân dân giai đoạn 2

“Riêng trường hợp hộ gia đình cụ Nguyễn Hữu Trịch, chúng tôi đã nhận được đơn kiến nghị. Về thực tế, địa phương ghi nhận phản ánh, kiến nghị của gia đình là có cơ sở. Việc này thuộc thẩm quyền của UBND thị xã Nghi Sơn nên chúng tôi đã báo cáo lên cấp trên để giải quyết cho người dân”, ông Dương nói.

Theo ông Dương, dự án nghĩa trang nhân dân thị xã Nghi Sơn được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có diện tích 25ha hiện đã cơ bản lấp đầy, giai đoạn 2 có diện tích khoảng 17ha. Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành các thủ tục để triển khai dự án, trong đó có việc lựa chọn khu tái định cư phục vụ cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng di dời đến nơi ở mới.

Quang Duy  
Cuộc sống 9 hộ gia đình 'mắc kẹt' nơi nghĩa trang: Ngày nghe kèn, đêm tiếng thầy cúng
7 năm chống chọi ung thư, đau đáu một điều mong con được học hành khôn lớn
Vợ mất do ung thư, con TNGT, bố mắc bệnh hiểm nghèo nguy cơ đột tử
Thanh Hoá: Gần 100 hộ gia đình thị xã khốn khổ vì đường điện tự làm từ 20 năm trước
Ông nội cắm sổ đỏ cứu cháu mắc bệnh tim hiểm nghèo
Khám chữa bệnh BHYT được chi trả như thế nào từ ngày 1/7?
Những trường hợp bắt buộc phải đổi thẻ Căn cước công dân từ 01/07/2024
Mẹ già bán nhà giữ sinh mạng con trai bị điện giật nguy kịch
Hàng xóm góp gạo, củi khô lo hậu sự cho nạn nhân vụ cháy nhà ở Trung Kính - Hà Nội
Mồ côi bố mẹ, nam thanh niên 'khuyết tật' đang từng ngày vật lộn với bệnh tim
Ông nội nhọc nhằn níu giữ sự sống cho cháu trai mắc bệnh tan máu bẩm sinh
Nhặt ve chai nuôi vợ con tâm thần, lo cháu ngoại ăn học
Mẹ con tật nguyền mưu sinh trong ngôi nhà chưa đầy 10m2
Mỗi tuần một địa chỉ nhân đạo giúp 10 gia đình nghèo ổn định cuộc sống
Vợ bệnh tật hơn 6 năm chăm chồng bị liệt
Bé trai 6 tuổi mắc xơ gan hiếm gặp, mất 200 triệu đồng vẫn đau đớn từng ngày
Éo le phận đời 4 chị em mất mẹ giữa những ngày mưa lũ
Xem thêm