Cuộc đời của nữ tổng biên tập nổi tiếng nhất thế giới
Đạp lên những định kiến, đạp lên những lời bàn tán sau lưng mình, Anna Wintour - nữ tổng biên tập nổi tiếng thế giới thực sự là "bà đầm thép", là nữ hoàng quyền lực của làng thời trang thế giới.
Anna Wintour là nữ tổng biên tập của tạp chí thời trang nổi tiếng nhất thế giới Vogue với mái tóc bob kinh điển, kính đen, vẻ ngoài thời thượng và ánh nhìn sắc sảo đã tạo nên hình ảnh của bà hoàng thời trang đầy quyền lực.
Sinh ra là để làm báo
Anna Wintour sinh ngày 3/11/1949 trong một gia đình có truyền thống làm báo. Cha bà là tổng biên tập của tờ Evening Standard tại London, vì thế từ nhỏ bà đã được lớn lên trong môi trường có nhiều câu chuyện xoay quanh nghề báo.
Trong suốt những năm tháng niên thiếu, bà đã có niềm đam mê với cuộc sống tại London, thời trang và thậm chí còn bỏ học giữa chừng để theo đuổi niềm đam mê của mình.
Mặc dù gia đình Anna tương đối giàu có, bà vẫn bắt đầu từ tay trắng như rất nhiều người khác và theo đuổi giấc mơ của mình từ những năm đầu thế kỷ 20.
Anna Wintour (ngồi giữa), nữ tổng biên tập nổi tiếng thế giới
Hồ nước nhỏ không thỏa chí đại kình ngư
Công việc đầu tiên của bà được bắt đầu từ bộ phận thời trang của một tạp chí mới mở có tên là Harper’s & Queen. Công việc đầy tính cạnh tranh, bà chỉ cộng tác với những thợ ảnh giỏi nhất để có được những thước hình tuyệt vời nhất, từ đó để có thể gây được sự chú ý, mở đường cho con đường thăng tiến trong công việc. Tuy nhiên, sau 5 năm làm việc với tạp chí của Anh, bà vẫn chưa thể được cân nhắc làm vị trí tổng biên tập.
Quá thất vọng, Anna đã rời London và chuyển đến New York vào năm 1975. Từ đây, cuộc đời bà bước sang một trang mới.
Wintour bắt đầu được biết đến khi biên tập thời trang cho các tạp chí như Bazaar, Viva, Savvy, New York... nhưng chẳng nơi nào bà trụ lại được quá 5 năm. Hành trình này chỉ kết thúc vào năm 1982 sau cuộc phỏng vấn với Grace Mirabella - chủ bút Vogue Mỹ lúc bấy giờ.
Thành công từ tư tưởng đột phá và táo bạo
Có một câu chuyện khá thú vị rằng: Grace Mirabella hỏi Anna Wintour muốn làm gì khi gia nhập Vogue. Anna khẳng khái đáp: "Vị trí của bà!".
Kể từ đó, Anna Wintour chính thức gia nhập tập đoàn báo chí hùng mạnh Condé Nast với cương vị giám đốc sáng tạo. Trong thời gian ngắn, Wintour thẳng tiến vị trí tổng biên tập, tiếp quản Vogue phiên bản Anh sau khi Beatris Miller nghỉ hưu. Ngay lập tức, với thanh quyền trượng mới trong tay, Wintour thực hiện một cuộc cải cách chưa từng có trong lịch sử các phiên bản Vogue.
Những ý tưởng sáng tạo đi trước thời đại đã khiến Anna Wintour trở thành một trong những biểu tượng đáng ngưỡng mộ nhất trong ngành công nghiệp thời trang. Kể từ khi trở thành tổng biên tập của tạp chí danh tiếng vào năm 1988, Anna Wintour đã biến Vogue trở thành đế chế thời trang cực thịnh theo cách của riêng mình.
Bà hoàng của đế chế thời trang và trái tim ấm nóng
Do sự xuất hiện của điện thoại thông minh và máy tính bảng, doanh thu ngành báo chí in ấn được dự đoán sẽ giảm sút đáng kể. Tuy nhiên, Vogue vẫn có được 11,4 triệu độc giả trung thành cho mỗi năm và khoảng 1,2 triệu lượt truy cập vào website của tạp chí.
Tài liệu tập trung nói về sự chuẩn bị của Anna Wintour cho ấn phẩm mùa thu năm 2007 tiết lộ, doanh thu của Vogue đạt 220.416 USD chỉ trong tuần mở màn đầu tiên và tổng doanh thu tính đến cuối năm 2010 đạt 3.820.700 USD.
Chương trình truyền hình ngắn về cuộc đời của Wintour cũng nói qua về Anna Wintour với lời ca tụng: “một trong những tiếng nói có sức mạnh nhất trong làng thời trang thế giới”.
Nói đến "bà hoàng" Anna Wintour, người ta nhắc đến vẻ ngoài lạnh băng cùng đời tư kín kẽ. Bà để mặc cho người đời tha hồ thêu dệt những câu chuyện về sự lạnh lùng đanh thép của bà. Bộ phim "Evil wears Prada" (Yêu nữ vận hàng hiệu) càng khiến người ta nghĩ rằng bà là người chỉ có khối óc mà không có trái tim.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng Anna Wintour là người đóng góp một phần không nhỏ trong việc lập ra quỹ giúp đỡ nạn nhân trong vụ 11/9. Bà cũng là một trong những người lập ra quỹ giúp đỡ các nhà thiết kế thời trang trẻ tài năng, cải tạo và xây dựng Bảo tàng Phục trang Nghệ thuật Metropolitan. Qua nhiều năm, số tiền mà Anna Wintour vận động cho quỹ này lên tới 50 triệu đô la Mỹ.
Với sức ảnh hưởng trong làng thời trang không ai địch nổi của mình, Anna Wintour lấn sân sang lĩnh vực chính trị.
Tháng 2/2012, cùng với Tổng thống Mỹ Barack Obama, nữ diễn viên Scarlett Johansson, Anna Wintour đã lập ra một sự kiện mang tên "Runway to Win". Đây không chỉ đơn thuần là một sự kiện thời trang, "Runway to Win" đã trở thành một cú hích cho những thay đổi về mặt chính trị.
Anna Wintour còn là thị trưởng không chính thức của thành phố New York, điều mà ít người biết đến.
Thành công nào cũng phải trả giá
Thành công vang đội trong sự nghiệp nhưng trên đỉnh cao của danh vọng và quyền lực, cái giá mà Anna Wintour phải trả không hề nhỏ.
Năm 1999, cuộc hôn nhân của Anna Wintour và người chồng David Shaffer chính thức đổ vỡ dù họ đã có 2 đứa con là Charles và Katherine. Từ đó đến nay, Anna Wintour chưa có thêm một cuộc hôn nhân nào khác dù bà vẫn sống cùng người bạn trai lâu năm là nhà đầu tư Shelby Bryan tại thành phố New York.
Cuộc đời không mấy suôn sẻ nhưng sự nghiệp của Anna Wintour lại là bài học cho làng thời trang thế giới và là niềm ngưỡng vọng, là đích phấn đấu của mỗi người làm báo.
Phương Thảo (tổng hợp)