Cuộc cách mạng xe điện toàn cầu: Các quốc gia đang thay thế xe xăng như thế nào?
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí đang là thách thức toàn cầu, xe điện nổi lên như một giải pháp trọng tâm để giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy phát triển bền vững. Nhiều quốc gia đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, chính sách và công nghệ nhằm chuyển đổi dần từ xe chạy xăng dầu sang xe điện.
Chính phủ đang đẩy nhanh các biện pháp nhằm hạn chế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, trong nỗ lực giảm ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn. Theo kế hoạch, từ tháng 7/2026, khu vực Vành đai 1 (Hà Nội) sẽ bắt đầu hạn chế xe máy chạy xăng.
Trên thực tế, việc “nói không” với xe động cơ đốt trong không còn là chuyện xa lạ. Nhiều quốc gia đã và đang triển khai lộ trình cấm xe xăng, dầu để chuyển dần sang xe điện. Vậy thế giới đang thực hiện cuộc chuyển đổi này như thế nào?
Châu Âu lộ trình rõ ràng, mục tiêu quyết liệt
Liên minh châu Âu (EU) là một trong những khu vực tiên phong trong việc loại bỏ xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Năm 2023, Nghị viện châu Âu đã chính thức thông qua quy định cấm bán xe ô tô mới chạy xăng và diesel từ năm 2035. Quy định này áp dụng cho toàn bộ 27 quốc gia thành viên, buộc các hãng xe lớn như Volkswagen, BMW hay Peugeot phải tăng tốc sản xuất xe điện hoặc xe không phát thải.
Với dân số chỉ khoảng 5,4 triệu người, Na Uy hiện là quốc gia có tỷ lệ xe điện mới đăng ký cao nhất thế giới. Tính đến cuối năm 2024, hơn 80% số xe mới bán ra tại nước này là xe điện, theo số liệu của Hội đồng Thông tin Giao thông Na Uy (OFV).
Điều gì khiến một quốc gia Bắc Âu nhỏ bé trở thành "thiên đường xe điện"? Câu trả lời nằm ở hệ thống chính sách khuyến khích toàn diện kéo dài hơn một thập kỷ: miễn thuế VAT, miễn phí qua trạm thu phí, miễn phí đỗ xe, được ưu tiên làn đường xe buýt và đặc biệt là sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng trạm sạc trên toàn quốc. Chính phủ Na Uy cũng đặt mục tiêu đầy tham vọng là từ năm 2025, tất cả ô tô mới bán ra phải là xe điện hoặc xe không phát thải.

Thành công của Na Uy không chỉ ở số lượng xe điện mà còn ở sự đồng thuận xã hội và hạ tầng kỹ thuật phù hợp với điều kiện khí hậu lạnh giá, điều từng được coi là bất lợi cho công nghệ pin. Tấm gương của Na Uy cho thấy với chính sách đúng đắn và cam kết mạnh mẽ, chuyển đổi xanh là điều khả thi, ngay cả với quốc gia nhỏ.
Tại Pháp, chính phủ không chỉ đưa ra mốc cấm bán xe xăng vào năm 2035 mà còn triển khai chương trình "xe điện giá rẻ" (leasing social) – cho thuê xe điện chỉ với 100 euro/tháng cho người có thu nhập thấp.
Tại Hà Lan, từ năm 2030, các loại xe không phát thải (bao gồm xe chạy bằng hydrogen hoặc thuần điện) mới được đăng ký mới. Người dân không được mua xe xăng mới và cũng không thể đăng kiểm lại xe động cơ đốt trong cũ.
Trung Quốc: Siêu cường xe điện
Trong khi Na Uy dẫn đầu về tỷ lệ thì Trung Quốc lại giữ vị trí số một về quy mô sản xuất và tiêu dùng xe điện. Quốc gia này hiện là thị trường xe điện lớn nhất thế giới, chiếm hơn 60% lượng xe điện toàn cầu được bán ra trong năm 2023. Những cái tên như BYD, NIO, XPeng hay Geely đang không chỉ thống trị thị trường nội địa mà còn vươn ra toàn cầu, cạnh tranh trực tiếp với Tesla – "ông lớn" xe điện của Mỹ.

Chiến lược xe điện của Trung Quốc không chỉ là bài toán môi trường mà còn là chiến lược công nghiệp dài hạn. Chính phủ nước này đã đầu tư hàng trăm tỷ USD để phát triển chuỗi cung ứng pin, xây dựng trạm sạc, hỗ trợ các công ty khởi nghiệp và các đại gia công nghệ gia nhập lĩnh vực xe điện. Kết quả là Trung Quốc hiện nắm trong tay phần lớn công suất sản xuất pin lithium-ion của thế giới và đang định hình lại thị trường ô tô toàn cầu.
Tại các thành phố lớn như Thâm Quyến hay Thượng Hải, xe buýt và taxi điện đã trở thành chuẩn mực, thay thế gần như hoàn toàn các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Điều này không chỉ cải thiện chất lượng không khí mà còn chứng minh năng lực triển khai quy mô lớn của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ xanh.
Tại Ấn Độ, chính phủ đã đặt mục tiêu xe điện chiếm 30% thị phần vào năm 2030. Dù hạ tầng trạm sạc còn hạn chế, chính phủ đang triển khai nhiều chính sách như miễn thuế, trợ giá xe điện hai bánh, vốn phổ biến hơn ở quốc gia này.
Tại Đông Nam Á, Thái Lan và Indonesia đang đẩy mạnh thu hút đầu tư nhà máy sản xuất xe điện và pin. Indonesia còn tận dụng thế mạnh về trữ lượng niken – nguyên liệu chính sản xuất pin lithium để trở thành trung tâm sản xuất pin và xe điện trong tương lai.